Bản Hắc hồi sinh sau lũ

Sau cơn lũ dữ ngày 19-7, nhiều người ví bản Hắc, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, như vùng 'đất chết'. Ấy vậy mà, vùng đất này hôm nay đang dần hồi sinh bởi có sự chung tay giúp sức của các cấp, các ngành, những tấm lòng hảo tâm và người dân cả nước.

Ngôi nhà mới của chị Hà Thị Thúy đang trong quá trình xây dựng.

Khi “Mẹ thiên nhiên” nổi giận

Sau gần 2 tháng khi cơn lũ giữ đi qua, chúng tôi quay lại bản Hắc. Đường về bản vẫn gập ghềnh, khúc khuỷu, nhiều đoạn đang phải chắp vá.

Anh Hà Văn Tuấn, Trưởng bản Hắc, cùng chúng tôi tới khu vực khe suối…, nơi mấy chục năm qua nước vẫn chảy róc rách, êm đềm qua bản. Thế nhưng, trận lũ quét lịch sử đêm 19, rạng sáng 20-7 đã cướp đi sinh mạng 4 người, trong đó 1 người vẫn chưa tìm thấy xác; 3 người bị thương; 3 ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn; hơn 29 ha lúa, hoa màu mất trắng và nhiều trâu, bò, lợn, gà bị nước lũ cuốn trôi. “Bản làng đang bình yên, bỗng đâu mây đen kéo về, mưa xối xả, nước lũ ngày càng dâng cao. Hơn 9h tối, ngày 19-7, lũ từ trên núi trút xuống ầm ầm, cuốn phăng hết 3 căn nhà, chỉ còn trơ lại sỏi đá, vài khúc gỗ. Xen trong tiếng mưa lũ gầm thét văng vẳng tiếng kêu cứu thảm thiết, tiếng hò hét sơ tán” – Anh Tuấn kể.

Nhớ lại buổi tối định mệnh, chị Hà Thị Thúy, sinh năm 1978, vẫn chưa hết bàng hoàng: “Chồng làm ăn bên Lào, tôi và các con đang ngủ thì nghe tiếng nước lũ đổ ầm ầm, tôi bật dậy chạy ra che chắn chuồng trâu vì sợ lũ nhấn chìm. Hơn 9h tối, thấy nước lũ lên cao, làng trên xóm dưới hò hét sơ tán, tôi cuống cuồng gọi con chạy đi. Chưa kịp tới cửa, tôi bị trượt chân, cuốn theo dòng lũ. Theo bản năng, tôi vùng vẫy, vật lộn với “thủy thần”. Trôi theo dòng nước được khoảng 200m, tôi mắc vào một cành cây cạnh khe suối rồi gắng gượng bò lên bờ. Tôi cố lết về đến cái lán, nhìn thấy nhà mình đã bị san phẳng. Lúc đấy, tôi nghĩ các con tôi đã bị lũ cuốn trôi, chết hết rồi. Tôi lao vào bới đống đổ nát, nhưng do vết thương nặng, đuối sức nên ngất đi lúc nào không hay. Trời gần về sáng, nước cũng rút dần. Dân làng tìm thấy các con tôi bên dưới bờ ruộng, cách nhà không xa”.

Đớn đau nhất phải kể đến mẹ con bà Lương Thị Hoa (sinh năm 1967), và anh Vi Văn Dũng (sinh năm 1990). Cơn lũ đã cướp đi 4 người trong gia đình. Trong đó, thi thể chị Hà Thị Biển - vợ anh Dũng, đến nay vẫn chưa được tìm thấy.

Sức sống mới

Sau lũ, dằn mình tạm lắng nỗi đau mất mát, người dân bản Hắc nắm chặt tay nhau hướng về phía trước. Chị Hà Thị Thúy xắn quần, xắn áo đào đất, san lấp nền căn nhà, nơi sẽ là tổ ấm mới của gia đình chị. Sau trận lũ, gia đình chị Thúy được chính quyền địa phương hỗ trợ mua đất, xây nhà ở khu đất cao, cách nhà cũ hơn 1km. Vết thương trên người chị nay đã lành sẹo. Bà Lương Thị Hoa chuyển đến sống với con trai, anh Dũng cũng trở lại làm việc. Nén đau thương, mất mát, người đàn ông trụ cột trong gia đình lại vun đắp cho một cuộc sống mới, dẫu biết rằng khó khăn còn bộn bề.

Một khúc ruột đau, cả nước quặn lòng! Với tấm lòng tương thân, tương ái, những đoàn xe chở gạo, mỳ tôm, nước uống, quần áo do đồng bào quyên góp… hối hả chạy về vùng lũ. Chứng kiến những nếp nhà đang được xây mới, nghe tiếng đục đẽo gỗ, tiếng máy trộn bê tông rộn ràng, hối hả, chúng tôi thấy hai chữ "đồng bào" thiêng liêng biết mấy. Đó là câu chuyện cảm động của những em bé thành phố nhịn ăn sáng, đập heo đất để lấy tiền ủng hộ những người bị ảnh hưởng bởi mưa lũ; những bác xe ôm chạy vội đến bưu điện để gửi một chút tiền; đó là những bà, những mẹ đi khắp chợ Vườn Hoa, chợ Tây Thành để quyên góp; những chị em công nhân đồng lương eo hẹp nhưng cũng đóng góp gửi về vùng lũ.

Chỉ trong một thời gian ngắn, xã Trí Nang đã nhận được 970 triệu đồng, 564 thùng mỳ tôm, 4.900kg gạo, hơn 500 suất quần áo, sách vở … của các đoàn cứu trợ lên trao, gửi tặng bà con vùng lũ. Ngoài ra, tỉnh, huyện còn hỗ trợ người dân giống cây trồng, vật nuôi; phân bón… Nhiều diện tích đất bị cát, đá lấp do lũ, xã đã động viện các hộ dân tự khắc phục để đưa giống cây vào trồng, bảo đảm lương thực… Ngay sau lũ, xã Trí Nang đã trồng được 12ha lúa nước, 8ha hoa màu các loại… “Sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh, huyện đã an ủi chúng tôi rất nhiều. Niềm tin vào cuộc sống mới sẽ tốt đẹp hơn đang giúp chúng tôi đứng lên sau bão lũ” - Ông Hà Văn Tằm, Chủ tịch UBND xã Trí Nang, tâm sự.

Trên thửa lúa xanh tốt, bà Hà Thị Tớn chia sẻ: “Gia đình tôi bị lũ cuốn trôi hết, từ lương thực, lúa giống đến trâu, bò. Không thể để gia đình không có lương thực trong nhà nên ngay khi cơn lũ đi qua, chúng tôi đã bắt đầu lên nương trồng lúa". Giờ đây, những thửa ruộng bạc phếch ở bản Hắc đang dần trở thành những cánh đồng xanh mướt màu no ấm.

Tuy nhiên, điều cần hơn cả là một chính sách căn cơ để người dân sống an toàn trên vùng đất có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét. Bởi không thể cứ sạt lở, lũ quét là dỡ nhà, dời bản. Ông Hà Văn Tằm, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Cùng với sự ủng hộ của Trung ương, lãnh đạo tỉnh, huyện và các cấp bộ, ngành, các tổ chức chính trị, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ một phần kinh phí để 12 hộ dân thuộc diện di dời của bản Hắc mua đất, xây dựng nhà mới. Hiện nay, 2 gia đình đã chọn được đất và đang xây nhà. Một số khác đang trong quá trình chuẩn bị, dự kiến, công tác di rời sẽ hoàn thành vào cuối năm nay”.

Chia tay vùng lũ quét, qua những cánh đồng đang dần xanh trở lại, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người dân đang hăng say lao động, dù khó khăn còn bộn bề nhưng niềm hy vọng của người dân vùng lũ vẫn đang bừng lên. Qua cơn hoạn nạn, ý chí con người nơi đây như được tiếp thêm sức mạnh, nhân lên tình nhân ái để vượt qua thiên tai, gây dựng lại cuộc sống mới.

Tăng Thúy - Tiến Đông

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/onslet/new-article.aspx