Bán hàng vào thị trường Nhật Bản: Doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị chu đáo

Nâng cao năng lực sản xuất, trình độ quản lý, tuân thủ các quy định trong sản xuất để đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, giá thành xuất khẩu, bao bì, nhãn mác; trở thành đối tác sản xuất các sản phẩm mang nhãn riêng của các tập đoàn Nhật Bản, thâm nhập vào hệ thống phân phối hàng hóa tại Nhật Bản… là những vấn đề được các doanh nghiệp (DN) chia sẻ tại Tọa đàm 'Bán hàng vào thị trường Nhật Bản' do Saigon Times Club tổ chức ngày 12/12.

Nhật Bản là thị trường lớn, nhu cầu nhập khẩu nông sản cao. Tuy nhiên, thị trường này cũng được đánh giá là khó tính bậc nhất thế giới. Xuất khẩu thành công qua Nhật Bản là có thể đưa hàng hóa tới nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Tọa đàm Bán hàng vào thị trường Nhật Bản thu hút đông doanh nghiệp

Ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Công ty TNHH AEON TOPVALU Việt Nam (Công ty phụ trách hoạt động xuất khẩu hàng Việt Nam sang các thị trường nước ngoài thông qua hệ thống của AEON) cho biết, tháng 10/2018, tại sự kiện Nhật Bản đón Thủ tướng Việt Nam sang thăm, bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết với mục tiêu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Nhật đạt 500 triệu USD, đến năm 2015 là 1 tỷ USD. Hiện tại, AEON đã xây dựng ba trụ cột để đạt được mục tiêu nà,y tập trung vào ba nhóm sản phẩm chính: may mặc, thực phẩm, gia dụng.

Tính đến nay, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai về rau quả của Việt Nam, đứng thứ ba về thủy sản và cũng là thị trường tiềm năng cho một số mặt hàng nông sản khác như hạt điều, chè, thủ công mỹ nghệ. Nhu cầu tiêu thụ nông thủy sản của Nhật Bản được dự báo tăng tích cực do nền kinh tế nước này tăng trưởng tốt hơn nhiều so với kỳ vọng.

Ngoài ra, người tiêu dùng Nhật Bản có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động ăn uống bên ngoài, do vậy các mặt hàng như tôm, cá ngừ, mực và bạch tuộc, rau quả chế biến... sẽ tăng trưởng thời gian tới. Tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) và Hiệp định ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản tương đối cao, đạt 67,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cũng góp phần tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này.

Ông Yuichiro Shiotani cho biết thêm, người tiêu dùng Nhật rất thích trái xoài cát chu của Việt Nam. Nhìn vào kệ xoài của hệ thống siêu thị AEON tại Nhật, giá xoài của Việt Nam cao ngang với xoài Mexico nhưng đắt hơn xoài của Thái Lan và Philippines. Xoài Pakistan cũng đã sang được thị trường Nhật Bản năm 2014 và có giá rẻ hơn của Việt Nam.

Song theo đánh giá của ông Yuichiro Shiotani thỉnh thoảng người tiêu dùng cũng mua phải những trái xoài không ưng ý về độ ngọt. Nếu xoài Việt Nam đồng nhất về độ ngọt thì người tiêu dùng sẽ chọn sản phẩm của Việt Nam. Ít nhất, Việt Nam có thể xuất khẩu 100 tấn xoài Việt Nam qua hệ thống AEON của Nhật Bản trong thời gian tới - ông Yuichiro Shiotani cho hay.

Từ phía các DN xuất khẩu Việt Nam cũng cho hay, rất nhiều chủng loại hàng hóa của Việt Nam mà thị trường Nhật cần. Ông Nguyễn Mạnh Việt - Tổng giám đốc Công ty Fosslea cho biết, công ty mới nhận yêu cầu từ một đối tác thương mại lớn của Nhật muốn nhập đậu tương đông lạnh nhưng hiện tại Việt Nam không có nhà cung cấp nào có đủ năng lực đáp ứng. Chính vì thế để có thể bán hàng vào Nhật DN chỉ còn cách đầu tư xưởng chế biến, kho lạnh, vận chuyển…

"Hiện tại các nước Campuchia, Bangladesh… xuất khẩu sang Nhật giảm, vì thế, đây là thời điểm tốt mà DN Việt có cơ hội lớn để tăng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này. Nhưng để nắm bắt cơ hội, DN Việt nên đến Nhật tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường, ngành hàng, tiếp cận hệ thống phân phối để có thể chuẩn bị tốt hơn khi bán hàng vào thị trường Nhật" - ông Yuichiro Shiotani nhấn mạnh.

Ngọc Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ban-hang-vao-thi-truong-nhat-ban-doanh-nghiep-can-co-su-chuan-bi-chu-dao-113306.html