Bản hợp âm tháng Ba

Khi thấy đàn dơi chao liệng bắt muỗi trong không gian chạng vạng tối, có một cái gì đấy nhắc nhớ trong tôi là tháng Ba đã đến, nó mang đến một cảm giác đặc biệt mà tôi không biết gọi tên. Thời điểm ấy cũng là lúc 'hoa xoan xuống đất, bà già cất chăn'. Trời đã hết rét, lúc ấy lũ muỗi mà mẹ tôi hay gọi là 'muỗi hoa xoan' sẽ nở, chúng bay thành đàn rợp trong không gian nhá nhem đầy bóng tối và hơi ẩm. Rồi bầy dơi sẽ từ đâu đó bay ra, đôi lúc là từ cái ống tre đầu hồi, đập cánh trên không trung, chao qua chao lại giữa đám muỗi đang bay hỗn loạn và đen kịt.

Tranh: Đào Hải Phong.

Tôi hay ngồi lặng yên dưới sân, trong không gian những buổi chiều muộn của tháng Ba như thế, nhìn bầy dơi to lớn liệng trên không như những miếng giẻ màu đen. Chốc chốc chúng lại chui tọt vào cái ống tre đầu hồi, chắc để cất đi chiến lợi phẩm vừa thu được. Lúc ấy, lùm hoa xoan tím nhạt trước sân nhà sẽ dần trộn mình vào bóng tối đến độ khó có thể nhận thấy màu hoa. Lũ muỗi kéo ra mỗi lúc một nhiều làm bầy dơi bắt mãi không hết. Giống muỗi này hiền lành và rất mải chơi, chúng còn thích lượn quanh ánh sáng cây đèn, nhiều buổi sớm mai tôi thấy chúng nằm chết la liệt dưới sân hệt như những cánh hoa xoan rụng. Có thể vì thế bọn muỗi này không bị ghét lắm vì nó không bao giờ đốt người như muỗi vằn, chỉ là đôi lúc tôi bị chúng bay vào mắt gây bực mình một chút mà thôi.

Đêm tháng Ba, từ bờ ao đầu ngõ vọng lại tiếng hàng tre kẽo kẹt đưa võng và bầy chẫu chàng ộp oạp đầy bí ẩn. Em tôi nằm trên võng, nó quả quyết nghĩ đến món chè ngon lành của lũ dơi vì nghe mẹ hát: “Dơi dơi bắt muỗi đầy bồ, để dành đến Tết phơi khô nấu chè”. Còn tôi, tôi lại cho rằng bọn dơi kia không biết nấu chè gì hết, chúng bắt muỗi đầy bồ nhưng chỉ là để “phơi khô ăn dè” mà thôi. Bóng tối của những “miếng giẻ màu đen” luôn làm tôi ngần ngại nên tôi không muốn lại gần những khi có con đang lượn vợt muỗi bỗng mất đà rơi bịch xuống sân... Tôi cũng không thấy sự hấp dẫn nào đến từ “món chè muỗi” của lũ dơi như em tôi đang nghĩ. Cuộc tranh cãi ấy chỉ được quên đi khi tháng Ba kết thúc, lũ muỗi hoa xoan biến mất và bầy dơi bay đi tìm thức ăn nơi vườn cây có trái quả bắt đầu chín bói.

Tháng Ba, đám nòng nọc đen sì bơi đặc mặt ao, chúng nhiều vô cùng, đến nỗi chúng tôi lấy chiếc vợt con bé tí vợt một nhát là được tới mấy chục con. Chúng chỉ đợi những trận mưa rào có sấm động buổi đêm rơi xuống để rụng đi chiếc đuôi ngoe nguẩy. Vào một buổi sáng sau cơn mưa đêm, không gian trong vắt mát lành, chúng sẽ nhảy lên bờ và biến thành những chú ếch con bé tí xinh xắn nhảy loi choi có làn da xanh và đôi mắt lồi ngộ nghĩnh. Tôi không tìm ra mối liên hệ nào giữa con nòng nọc màu đen xấu xí với con ếch bé tí ngộ nghĩnh kia cho đến khi được cô giáo giảng trên lớp. Chúng giống hệt những cục đất bé tí ngồi chồm hỗm giương đôi mắt tròn xoe, lặng yên trên tàu lá khoai nước xanh mỡ màng. Lúc ấy, tôi luôn bị giữ chân ngồi ngắm cho đến khi chúng nhảy tũm xuống nước và bơi đi mất. Mặt lá khoai luôn đọng lại những giọt nước tròn xoe có chân biết chạy để rồi lại khẽ khàng lăn xuống mặt ao trong veo soi bóng bờ tre xanh mướt. Mặt ao rung lên những gợn sóng bé xíu lăn tăn và mau chóng tan đi để lại một tấm gương long lanh soi phản chiếu mây trời…

Chẳng phải ngẫu nhiên mà tôi không quên được những buổi chiều chạng vạng không gian đầy những vạt muỗi bay, hay những buổi sáng trong vắt mang theo tiếng chim lảnh lót cùng những trò chơi bên bờ ao. Tôi muốn gọi tên những dấu vết ngày nào đã nhạt màu trong tâm trí giống như màu hoa xoan tím đang trộn dần mình vào màu của bóng chiều đang xuống. Tháng Ba ấy đã lại đang về…

THÁI HƯƠNG LIÊN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ban-hop-am-thang-ba-5715953.html