Bản hùng ca từ chiến địa Plei Me trên vùng biên giới

Đến chiến địa Plei Me, đến vùng biên giới Chư Prông, tỉnh Gia Lai trong ngút ngàn một màu xanh cây trái, hai bên các con đường liên thôn, xã, huyện được bê tông hóa là những ngôi nhà mới xây nhiều dáng, nhiều kiểu, cao to, đẹp, hàng hóa bày bán rất nhiều và cũng rất phong phú; những đoàn xe chở hàng lui tới giao thương… minh chứng cho vùng đất trù phú phát triển.

Song ít người biết rằng, chính nơi đây 45 năm về trước từng là chiến địa bom cày, đạn xới, hoang tàn với những cái tên đã đi vào lịch sử, một thời gieo rắc nỗi kinh hoàng cho kẻ thù như: Plei Me, Ia Đrang, Ia Mơ...

Màu xanh trên vùng đất chết

Chư Prông có 42km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia. Huyện được đặt theo tên của một ngọn núi lớn (Chư là núi, Prông là lớn). Trước tháng 4-1975, ở đây rừng núi bạt ngàn, dân cư thưa thớt, các thôn làng chỉ còn lại một vài gia đình. Phần lớn bà con cùng nhau lên rừng theo kháng chiến, chỉ có số nhỏ chưa kịp lên núi, bị địch dồn vào ấp chiến lược. Thanh niên ở các buôn, làng tự nguyện vào bộ đội, du kích, ngày đêm được huấn luyện cách đánh đồn bốt, gài mìn, đơm chông, ném lựu đạn... Hết mùa huấn luyện, anh em lại tỏa về làng làm công tác "vận động quần chúng" và "địch vận" để xây dựng phong trào, củng cố lực lượng chờ ngày xung trận. Ngày nay, màu xanh cây trái đã phủ đầy trên diện tích 1.700km2 đất, cơ sở hạ tầng “điện, đường, trường, trạm” đã hội tụ đầy đủ, là cơ sở quan trọng để cấp ủy, chính quyền và bà con địa phương tập trung kinh tế phát triển, ổn định cuộc sống.

 Một góc Chư Prông hôm nay.

Một góc Chư Prông hôm nay.

Cách trung tâm phố huyện chừng 20km, con đường về cao điểm 500 không còn giật cục, giật lùi như trước nữa, nhiều vùng cây chuyên canh dài ngày, cây dược liệu, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, được quy hoạch cụ thể đang khởi sắc cùng thời gian. Quan sát và ngắm nhìn dãy núi Chư Prông hùng vĩ, cùng thung lũng Ia Drăng gắn liền với chiến thắng Plei Me vang dội của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, mới thấy hết đường lối chiến tranh cách mạng đúng đắn của Đảng, Quân đội ta. Diễn ra từ ngày 19-10 đến 26-11-1965 dưới chân núi Chư Prông, chiến dịch Plei Me là cuộc chiến nhiều cam go, gian khổ ác liệt, nhiều tình huống mà ta với địch phải đấu trí và ta đã thắng ở tinh thần dũng cảm, chính nghĩa. Sức mạnh đoàn kết của quân và dân Tây Nguyên đã đánh tan sư đoàn kỵ binh không vận số 1, đơn vị được coi là niềm kiêu hãnh của quân đội Hoa Kỳ. Trong chiến dịch này, ta đã tiêu diệt gọn tiểu đoàn 2 và đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 1 do trung tá Ha-rôn Mo chỉ huy, thuộc sư đoàn kỵ binh không vận số 1. Kết quả cuối cùng là quân và dân Tây Nguyên đã giành được thắng lợi to lớn, khoảng 1.200 tên Mỹ bị thương vong, ta tiêu diệt tiểu đoàn 1 và 2 của lữ đoàn 3 kỵ binh bay, tiêu hao nặng tiểu đoàn 3 và một số đại đội, bắn rơi 26 máy bay và thu nhiều súng đạn. Trận Plei Me là nỗi ám ảnh không thể nào quên của hàng ngàn tên Mỹ xâm lược tham chiến tại Tây Nguyên - Việt Nam. Chiến dịch này còn gắn liền với tên tuổi người anh hùng lực lượng vũ trang Kpă Klơng (dân tộc Jrai, xã Ia Pia, huyện Chư Prông). Ở tuổi 14, tham gia chiến dịch, Kpă Klơng đã lập chiến công lẫy lừng, giết 124 tên Mỹ-ngụy, phá 8 xe cơ giới của kẻ thù. Ký ức về vùng đất Chư Prông “chỉ có cái nắng, cái gió”, gánh chịu bao mưa bom, bão đạn của kẻ xâm lược xưa ùa về, cũng như tầm vóc thành quả của sự phát triển, đổi mới từ nội lực Chư Prông hôm nay.

Biên giới một chấm xanh

Trở lại vùng biên giới Chư Prông, trở lại Plei Me năm xưa, dấu tích chiến tranh giờ đã bị thời gian xóa nhòa, thay vào đó là một màu xanh tươi tốt của cây trái trong vườn. Điều kỳ diệu 45 năm qua mà quân và dân Chư Prông làm nên là đã biến vùng đất biên giới hoang tàn sau chiến tranh thành vùng kinh tế phát triển. Đến nay 100% số xã có điện lưới quốc gia, có trạm y tế, có trường tiểu học, có chợ bán buôn… Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, nhưng Chư Prông vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10%; thu nhập bình quân đầu người tính riêng năm 2019 đạt 42 triệu đồng/người/ năm, tăng 9 triệu đồng so với đầu năm 2000. Kinh tế phát triển thì các hủ tục lạc hậu cũng được bà con loại bỏ, thay vào đó là nếp sống văn hóa thôn, làng lành mạnh; trật tự an ninh được giữ vững, làm tiền đề để xây dựng thành công chương trình “nông thôn mới”.

Niềm vui của người dân Plei Me thu hoạch mủ cao su.

Đồng chí Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết: “Xác định nền nông nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng, không những cho hiện tại mà còn cho lâu dài, nên chúng tôi đã tập trung đầu tư và phát triển bền vững. Duy trì phát triển cây công nghiệp dài ngày, cây dược liệu theo hướng đúng quy hoạch, phát triển hợp lý, gắn với áp dụng tiến bộ KHKT công nghệ để nâng cao hiệu quả. Phát huy các cơ chế, các chính sách về đầu tư sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm… để người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vươn lên làm giàu chính đáng, khắc phục được sự trông chờ, ỷ lại. Công tác quảng bá, thu hút đầu tư, du lịch cũng được lãnh đạo huyện đặc biệt chú trọng. Bên cạnh đó, huyện luôn đặc biệt tạo điều kiện về đất đai, xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, cải cách hành chính, nên có hàng chục doanh nghiệp lớn đã đến đầu tư xây dựng và bước đầu đã thu kết quả khả quan như: Điện gió, trồng cây ăn trái, chăn nuôi, trồng dược liệu…; tập trung cho giáo dục đào tạo nhằm nâng cao trình độ dân trí, bồi dưỡng nhân tài. Có biện pháp thật cụ thể để đào tạo nghề, cung cấp tư vấn nghề nghiệp, nâng cao nhận thức việc làm cho người dân, để họ thực sự là người chủ của vườn cây, chủ của doanh nghiệp, đoàn kết cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, bình đẳng, hạnh phúc”.

“Tỷ phú” chân đất Rơ Mah Chun ở làng O Ngol , xã Ia Vê (Chư Prông) nói như khoe: “Bà con mình được hưởng lợi từ “chương trình xây dựng nông thôn mới” rất nhiều. Mặc dù thuộc diện vùng sâu, nhưng xã đã có bệnh xá, trường học, chợ buôn bán, đường sá được làm mới rộng mở, đi lại thuận lợi. Nhiều hộ đồng bào Jrai giàu lên như nhà ông Rơ Mah Thuận, Ksor Hinh, H’B Lâm… mỗi năm thu về từ 200 đến 300 triệu đồng từ cà phê, hồ tiêu và cao su. Riêng nhà mình mỗi năm thu gần 400 triệu đồng. Có tiền, bà con đầu tư cho con cháu đi học và cho sản xuất những mùa vụ tiếp theo. Hơn 45 năm từ ngày giải phóng, được sống trong hòa bình, tự do đi lại, tự do làm ăn sinh sống, bà con mình mới thấy hết giá trị của đất nước độc lập, chứ không như thời Mỹ, ngụy đói khổ, đi đâu cũng bị kìm kẹp bởi súng đạn, làm gì cũng lo sợ bị đánh, bị tù…”.

Về vùng chiến địa biên giới Chư Prông hôm nay, điều mà ai cũng cảm nhận được đó là bộ mặt nông dân - nông thôn đang ngày một khởi sắc. Trên mỗi gương mặt mà ta bắt gặp, dù người Kinh hay người Jrai, Bahnar, Mường, Thái… đều ánh lên niềm vui no đủ, tự do, tự hào và hạnh phúc.

Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/ban-hung-ca-tu-chien-dia-plei-me-tren-vung-bien-gioi-616622