Bản hùng ca về người lính thời bình

Những hình ảnh chân thực, những câu chuyện cảm động về đời sống và chiến đấu, cũng như những hy sinh thầm lặng của người lính Biên phòng đã được thể hiện rõ nét trong chương trình giao lưu nghệ thuật 'Giữ mãi màu xanh biên cương' vừa diễn ra tại Hà Nội. Chương trình do báo Biên phòng phối hợp với Trung tâm Phát thanh, Truyền hình, Điện ảnh Công an nhân dân tổ chức nhân dịp kỷ niệm 54 năm Ngày Truyền thống BĐBP.

Tiết mục ca múa nhạc: "Chiều biên giới" do Nghệ sĩ Ưu tú Vi Hoa - Huy Quyết và nhóm múa Đoàn Văn công BĐBP trình bày.

Tại chương trình, người xem không khỏi xúc động khi được trò chuyện cùng chị Tòng Thị Khong, vợ liệt sĩ Lù Công Thắng và nghe những tâm sự đầy nước mắt của chị khi người chồng đã anh dũng hy sinh trên đường làm nhiệm vụ cách đây ít lâu. Hồi tưởng lại ngày kinh hoàng ấy, chị Khong lại trào nước mắt. Chị kể : "3 giờ chiều hôm ấy, nhận tin chồng hy sinh, tôi ôm con đứng giữa nhà mà đôi chân như muốn khuỵu xuống. Lâu nay, mẹ con tôi sống mà ít có bóng dáng người đàn ông trong nhà. Nhưng giờ đây, mẹ con tôi đã vĩnh viễn mất anh...".

Cả khán phòng lặng im phăng phắc, nhiều người không cầm được nước mắt vì thương cảm cho hoàn cảnh đặc biệt của người vợ lính này. Hơn 2 năm từ ngày chồng hy sinh, đêm nào chị Tòng Thị Khong cũng khóc vì thương anh, người chồng, người cha hết lòng thương yêu vợ con nhưng cũng hết mình vì nhiệm vụ. Anh hy sinh rồi, nhưng chị không đơn độc. Bên cạnh chị luôn có những người đồng đội của anh sẵn sàng giúp đỡ, đùm bọc, chở che cho 3 mẹ con chị vượt qua những tháng ngày khó khăn nhất của cuộc đời. Chị được Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La nhận về làm điều dưỡng viên tại Bệnh xá của đơn vị. Chị thầm hứa sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiếp nối bước chân anh để xứng đáng với tấm gương hy sinh anh dũng của anh và sự tin yêu của tất cả mọi người.

Thiếu úy Vì Văn Hùng, cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm, Công an tỉnh Sơn La đã không ít lần phối hợp cùng BĐBP truy bắt tội phạm ma túy trên tuyến biên giới đầy cam go, nguy hiểm. Đáng nhớ nhất là lần đối đầu "tử thần" khi thực hiện Chuyên án 114VL, trong đó, anh và liệt sĩ Lù Công Thắng đảm nhiệm một mũi trọng yếu. Nhớ lại kỷ niệm khó quên trong lần truy kích tội phạm, Thiếu úy Vì Văn Hùng vẫn không thể quên tấm gương dũng cảm hy sinh của liệt sĩ Lù Công Thắng, trong giây phút hiểm nghèo, cận kề cái chết. Anh chấp nhận thử thách về mình, lấy thân mình che làn đạn của các đối tượng buôn lậu ma túy chống trả cho đồng đội.

Cảm kích trước sự hy sinh cao cả của những người lính quân hàm xanh những năm qua, nhà thơ Trần Đăng Khoa, một khách mời của chương trình đã rưng rưng xúc động khi nói về "những hình ảnh mang đầy chất thơ" trong nhiều sáng tác của ông. Và với nhà thơ, hình ảnh người lính Biên phòng luôn là ngọn lửa cháy sáng lên trong gian khó. Nồng nàn, da diết, cháy bỏng và mãnh liệt hơn là những lời tâm sự của nhà văn Chu Lai, khi ông có những cảm xúc về người lính mang quân hàm xanh.

Cả khán phòng ồ lên thú vị bởi sự ví von của nhà văn: "Cuộc hành trình của người lính là cuộc hành trình của những chiếc mũ. Chiếc mũ ca nô thời Pháp, chiếc mũ tai bèo và chiếc mũ cối thời chống Mỹ và giờ đây là chiếc mũ kapi trang trọng, rất "chuẩn men". Tôi có thể tự tin mà nói rằng: Hỡi những chàng trai khoác trên vai màu áo lính, trái tim của các mỹ nữ luôn hướng về các anh đó".

Có được những chiến công hôm nay, có sự bình yên, toàn vẹn trên mọi miền Tổ quốc không thể không nói đến sự hy sinh thầm lặng của những người vợ, người mẹ, một miền hậu phương vững chãi của người lính Biên phòng. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam chia sẻ: "Chiến tranh không còn nữa nhưng sự hy sinh của những người vợ, người mẹ của người lính vẫn còn đó. Có những người phụ nữ 3 năm không nhìn thấy mặt chồng, có những người đã vĩnh viễn mất đi người thân yêu nhất dù chiến trường đã im tiếng súng.

Thấu hiểu được điều đó, nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam làm tốt công tác hậu phương quân đội. Riêng với BĐBP, Hội LHPN Việt Nam đã có chương trình phối hợp từ năm 1991. Từ đó, các mẹ, các chị, đặc biệt ở biên giới đã chung vai sát cánh hỗ trợ các anh hoàn thành nhiệm vụ. Sau 20 năm tổng kết chương trình, năm 2012, chúng tôi lại tiếp tục ký kết chương trình phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP, vận động chị em phụ nữ tham gia bảo vệ biên giới, làm tốt công tác hậu phương quân đội".

Suốt chặng đường 54 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng BĐBP luôn giữ vững phẩm chất truyền thống tốt đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ, hiên ngang trên tuyến đầu của Tổ quốc, bất chấp mọi gian khổ, hiểm nguy, họ trở thành điểm tựa vững chắc trong lòng nhân dân nơi biên giới. Đồng hành cùng đất nước, đi cùng với những chiến công là biết bao sự hy sinh thầm lặng, là bao giọt mồ hôi, máu và nước mắt của những người chiến sĩ, những người mẹ, người vợ, người con của các anh đổ xuống vì sự bình yên trên biên giới hôm nay. Thấm thía những sự hy sinh cao quý đó, Trung tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP đã có những lời sẻ chia đầy trách nhiệm của một vị thủ lĩnh đứng đầu lực lượng.

Giao lưu với khán giả tại trường quay, ông cho rằng, để giảm bớt những tổn thất, hy sinh của người lính giữa thời bình, những năm qua, bên cạnh thường xuyên chỉ đạo nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ làm công tác phòng chống tội phạm, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ phát huy truyền thống anh hùng của lực lượng, để người lính sẵn sàng chăm lo, giúp đỡ nhau trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Có thể nói, chương trình giao lưu nghệ thuật "Giữ mãi màu xanh biên cương" đã đem đến cho khán giả những cảm nhận chân thực và sinh động về đời sống của người lính Biên phòng, những khao khát đời thường mà rất "lính" và cả những hy sinh cao cả, vượt lên trên những khó khăn thường nhật để cống hiến trọn vẹn tuổi xuân cho đất nước của người lính mang quân hàm xanh.

Lê Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ban-hung-ca-ve-nguoi-linh-thoi-binh/