Băn khoăn đề án kiểm định thu phí khí thải xe máy cũ

Thời gian qua, thông tin Sở Giao thông Vận tải TP HCM phối hợp Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, Viện KH&CN Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) xây dựng 'Đề án thí điểm kiểm soát khí thải môtô, xe máy ở TP HCM' nhằm giảm ô nhiễm trên địa bàn; thu hút sự chú ý đặc biệt của bạn đọc khắp cả nước. Trả lời PLVN, chuyên gia pháp lý đánh giá, để đưa đề án này vào thực tế, còn rất nhiều việc phải làm.

Xe máy là một trong các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại các TP lớn.

Xe máy là một trong các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại các TP lớn.

Đế án còn thiếu hành lang pháp lý cụ thể

Theo đề án, nhiều nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí tại các TP lớn của Việt Nam vượt mức cho phép, trong đó nguyên nhân chính do hoạt động giao thông chiếm 60-70%. TP HCM hiện có 7,4 triệu xe máy, trong đó xe trên 10 năm gần 68%. Khí CO (cacbon monoxit) và HC (hydrocarbon) có hại sức khỏe phát ra từ xe máy chiếm 90% tổng các loại xe cơ giới tại TP.

Năm 2010, Đề án kiểm soát khí thải xe máy tại các tỉnh, thành được Thủ tướng phê duyệt. Cuối năm 2020, Thủ tướng phê duyệt Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, trong đó mục tiêu đến 2030 loại bỏ toàn bộ xe hết hạn và tự chế. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được giao phối hợp các bộ, ngành địa phương triển khai kiểm soát khí thải định kỳ cho xe máy đến 2025.

Thực hiện chủ trương này, từ tháng 5 - 9/2020, Sở GTVT phối hợp thực hiện chương trình kiểm tra, đo khí thải miễn phí cho xe máy tại 8 đại lý sửa chữa, bảo dưỡng. Hơn 10,6 ngàn xe được kiểm tra và kết quả cho thấy phần lớn xe sau 5 năm sử dụng có mức độ phát thải rất cao. Hơn 1.800 xe không đạt chuẩn. Số xe này sau đó được sửa, bảo dưỡng, giúp giảm mức phát thải nhưng chi phí không cao.

Các bên xây dựng đề án trong đó xác định lộ trình kiểm soát khí thải tại TP HCM có 4 giai đoạn. Thứ nhất, từ nay đến 2022, xây dựng các khung chính sách, pháp lý, tuyên truyền... Thứ hai, từ 2022 – 2015, TP đầu tư 88 trạm kiểm định khí thải toàn bộ xe máy để xây dựng cơ sở dữ liệu. Phí kiểm định mỗi xe 50.000 đồng/năm. Thời gian này, xe không đạt chuẩn khí thải khi chạy vào quận 1, 3, 5 sẽ bị phạt tiền.

Thứ ba, giai đoạn 2025 - 2026, xe máy sau khi xuất xưởng, bán ra phải được dán tem khí thải. Lúc này TP đầu tư thêm 78 trạm kiểm định, mở rộng kiểm soát thêm tại quận 10 và Tân Bình. Những xe chưa tới 5 năm tuổi không phải kiểm tra.

Thứ tư, từ 2027 - 2030, khu vực cần xe máy đạt chuẩn khí thải mở rộng ở 13 quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp. Các xe không đạt chuẩn không được chạy vào khu vực trên.

Theo Sở GTVT, tổng đầu tư hệ thống, chi phí nhân lực để thực hiện đề án cần hơn 553 tỷ đồng. Ước tính đến 2030, nguồn thu từ kiểm soát khí thải xe máy dự kiến 2.200 tỷ. Đại diện Sở GTVT cho rằng mục đích việc thu phí “nhằm cải thiện môi trường, hạn chế ô nhiễm từ khí thải xe máy chứ không phải tạo nguồn thu nên không có chuyện phí chồng phí”.

Cũng theo đại diện Sở GTVT: “Khó khăn lớn nhất khi thực hiện đề án là hành lang pháp lý hiện chưa cụ thể. TP cần được TW đồng ý chủ trương cho thí điểm kiểm soát. Kế đến, các quy chuẩn, lộ trình kiểm tra, cơ chế quản lý; mức thu và chế độ thu phí... cũng phải cụ thể. Việc xử phạt vi phạm cũng như nhiệm vụ, quyền của đơn vị thực hiện kiểm soát khí thải xe máy phải được xây dựng hoàn chỉnh... Khi có những hành lang pháp lý, TP mới có thể thực hiện được”.

Luật sư: “Cần nghiên cứu sửa đổi để phương án khả thi hơn”

LS Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP HCM) đưa ra đánh giá, đề án trên khó khả thi vì vừa thiếu căn cứ pháp lý, vừa mâu thuẫn một số quy định khác, vừa có điểm thiếu thực tế.

Thiếu ở chỗ đến nay Chính phủ vẫn chưa có văn bản nào quy định về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải với xe máy cũ. Luật Giao thông đường bộ chỉ quy định kiểm soát khí thải định kỳ với ô tô, chưa quy định với xe máy.

“Về quy định thu phí, lệ phí; hiện nay phí, lệ phí kiểm định khí thải môtô 2 bánh không có trong phụ lục danh mục, phí lệ phí của Luật Phí và Lệ phí 2015. Thẩm quyền quyết định mức thu, nộp quản lý, sử dụng… với khoản thu này cũng không thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh. Nói cách khác hiện TP HCM hay Bộ GTVT không có thẩm quyền đòi thu khoản này”, LS Nghĩa nói.

Nói về mâu thuẫn, LS cho hay tại nhiều kỳ họp HĐND một số địa phương đã đặt ra vấn đề một số năm nữa sẽ tiến tới cấm xe máy, hoặc cấm xe máy trong nội thành. Nếu đã xác định chủ trương như trên thì còn đặt ra đề án rắc rối này làm gì?

Đề án còn xung đột với một số quy định khác, ví dụ việc xử phạt xe máy không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải đã được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐCP, theo đó: “Phạt tiền từ 100 – 200 ngàn đồng với hành vi: Điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh, giảm khói hoặc có nhưng không có tác dụng, không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn”.

“Do đó, nếu đề xuất người điều khiển xe máy có niên hạn sử dụng quá 5 năm không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải (hoặc không có kiểm định) mà vào khu vực “khoanh vùng” thì bị phạt tiền; là xung đột với quy định nêu trên”, LS Nghĩa nói.

Đứng ở góc độ một người dân sử dụng xe máy, LS Nghĩa nhận định: “Nếu chỉ riêng TP HCM áp dụng, các tỉnh lân cận không thì sẽ không đồng bộ, làm khó người dân. Ví dụ người dân từ Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An… lâu lâu mới đi xe máy lên TP HCM thì làm sao? Địa phương của họ không có trạm kiểm định, xe không bị buộc kiểm định, nếu bị kiểm tra thì xử lý họ như thế nào? Không lẽ buộc họ phải vào trạm kiểm định tại TP HCM, hay bắt họ quay về?”.

“Hơn nữa, xe máy là phương tiện di chuyển mang tính cơ động, số lượng di chuyển nhiều hàng ngày, hàng giờ, nên việc bố trí lực lượng kiểm tra, kiểm soát, xử phạt sẽ rất khó khăn, khó khả thi, khó mang lại hiệu quả khi triển khai thực hiện. Mỗi giờ cao điểm, ùn tắc chen chân thì kiểm tra thế nào? Tôi tin rằng rất nhiều người dân ủng hộ mục đích tránh ô nhiễm, bảo vệ môi trường, nhưng cơ quan chức cần phải nghiên cứu kỹ các phương án, tránh đưa ra phương án bất cập gây phiền hà xã hội”, LS Nghĩa nêu quan điểm.

Mới đây, ngày 18/1/2021, Thủ tướng có Chỉ thị 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Có thắc mắc liệu đề án của TP HCM có thể “nương theo” chỉ thị này không?

LS Nghĩa nói: “Trong Chỉ thị 03, về khí thải phương tiện giao thông, Thủ tướng giao Bộ GTVT “tổ chức triển khai thực hiện lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường với khí thải phương tiện GTVT”; giao Hà Nội và TP HCM “… thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong TP; phát triển giao thông phi cơ giới…”. Chỉ thị 03 hoàn toàn không có nội dung quản lý, thí điểm kiểm định thu phí khí thải với xe máy”.

“Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến 2045” mà Thủ tướng ban hành hồi tháng 12/2020 cũng không có vấn đề “quản lý, thí điểm kiểm định thu phí khí thải đối với mô tô, xe máy”.

Bùi Yên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/moi-truong/ban-khoan-de-an-kiem-dinh-thu-phi-khi-thai-xe-may-cu-574121.html