Băn khoăn đề xuất xóa hộ khẩu người không khai báo

Trong dự thảo Luật Cư trú năm 2020 có đưa ra quy định việc xóa đăng ký thường trú gây nhiều tranh cãi.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đề xuất xóa tên trong hộ khẩu với ai đi khỏi nơi cư trú 12 tháng không khai báo sẽ gây phiền hà cho người dân

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đề xuất xóa tên trong hộ khẩu với ai đi khỏi nơi cư trú 12 tháng không khai báo sẽ gây phiền hà cho người dân

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Luật Cư trú năm 2020, nhằm thay thế luật Cư trú năm 2006, trong đó có đưa ra quy định việc xóa đăng ký thường trú gây nhiều tranh cãi.

Lo ngại thêm phiền hà

Do đặc thù công việc thường xuyên phải đi công tác xa nhà, có những đợt lưu diễn cả năm trời không về địa phương, anh Đồng Anh Tú (Hiệp Hòa, Bắc Giang) lo ngại khi biết Bộ Công an đề xuất: Nếu ai vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không khai báo tạm vắng cho cơ quan đăng ký, quản lý cư trú nơi thường trú thì sẽ bị xóa đăng ký thường trú (hộ khẩu).

“Tôi thi thoảng mới về thăm nhà, đến đâu thì khai báo tạm trú ở đó, nhưng hộ khẩu phải để ở nơi cố định chứ. Nếu áp dụng quy định này thì rất phiền hà”, anh Tú nêu ý kiến.

Chung tâm trạng, anh Nguyễn Việt Hà (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) là lao động tự do ở Hà Nội lo ngại, công việc của anh không cố định, cứ có việc thì chủ thầu mới gọi đi, có lúc công trình nọ gối công trình kia thì cả năm cũng không về thăm nhà. “Công việc không chủ động, có khi lúc rời nhà chỉ nghĩ đi độ 1 tháng, nhưng có việc thì đi hẳn 1 năm, nên tôi không thể cứ trước khi rời nhà lại đến chính quyền khai báo. Mà không khai báo, khi về lại làm thủ tục nhập khẩu thì rất rắc rối”, anh Hà cho hay.

Trao đổi với PV về nội dung này, một Phó trưởng Công an phường tại TX Từ Sơn (Bắc Ninh) cho rằng, nếu quy định này được áp dụng, không chỉ gây phiền hà cho người dân mà còn thêm phức tạp cho cán bộ làm công tác quản lý hộ khẩu địa phương.

“Thực tế, việc xóa bỏ hộ khẩu được thực hiện hết sức thận trọng và phải trải qua nhiều bước khác nhau. Và cắt khẩu rồi, muốn nhập lại thì công dân lại phải trải qua các bước như khai phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu; Giấy chuyển hộ khẩu; Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp...”, cán bộ này nói và đề xuất, nếu ai đó không khai báo khi đi khỏi địa phương 12 tháng thì cần bị phạt hành chính cảnh cáo; điều này sẽ đánh vào ý thức tự giác của người dân.

Lặp lại “cái lạc hậu” đã từng bị bãi bỏ

Ngoài đề xuất xóa hộ khẩu những người vắng mặt khỏi địa phương không khai báo, Bộ Công an còn đề xuất xóa hộ khẩu với những người như: Bị phạt tù có thời hạn từ 12 tháng trở lên, tù chung thân, tử hình; chết, bị tòa án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết; người ra nước ngoài để định cư hoặc có thời gian xuất cảnh từ trên 12 tháng liên tục mà không khai báo…

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, cần phải làm rõ cơ sở khoa học của việc xóa hộ khẩu thường trú là gì thì mới quy định xóa? Còn vì mục đích quản lý để đảm bảo an ninh trật tự thì đã có quy định đăng ký tạm trú, tạm vắng rồi; nếu xóa hộ khẩu lại càng gây phức tạp cho việc quản lý, đảm bảo an ninh trật tự.

Luật sư Bình cho biết thêm, trước đây Điều 16, Nghị định 51/1997 về việc đăng ký và quản lý hộ khẩu cũng đã từng có quy định xóa tên trong hộ khẩu nếu đi khỏi nơi cư trú mà không khai báo, nhưng quá trình thực hiện nhận thấy quy định này bất cập nên Luật Cư trú năm 2006 đã bỏ quy định này.

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Hà Nội Tinh hoa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đề xuất quy định xóa hộ khẩu này là phát sinh thủ tục rườm rà, “cách làm lạc hậu”, nếu áp dụng sẽ không đạt được mục đích quản lý về mặt con người, nhân khẩu.

“Mấu chốt là bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy để chuyển sang mã số định danh và cảnh sát khu vực, địa phương phải đi kiểm tra, cư trú thường xuyên mới đạt được mục đích quản lý con người. Nếu chúng ta cứ mãi đuổi theo, đi sửa, bổ sung các quy định nhỏ liên quan hộ khẩu thì mãi mãi chỉ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính gây rườm rà, tốn kém”, luật sư Lực nêu quan điểm.

Trả lời về nội dung dự thảo, Thiếu tướng Tô Ân Xô (Chánh văn phòng Bộ Công an) cho rằng, đây là vấn đề đưa ra để các cơ quan cùng bàn giải pháp làm sao tốt nhất cho việc quản lý cư trú và phù hợp với người dân. Nội dung này mới dừng ở dự thảo và có thể sửa đổi nhiều lần, phải xin ý kiến các bộ, ban, ngành, chuyên gia. Việc quyết định có đưa vào Luật hay không sẽ do Quốc hội thảo luận, thống nhất.

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ban-khoan-de-xuat-xoa-ho-khau-nguoi-khong-khai-bao-d454774.html