Băn khoăn làn sóng đầu tư tư nhân vào nước sạch

Việc mở cửa cho dòng vốn tư nhân tham gia vào các lĩnh vực thiết yếu như nước sạch tạo ra cơ hội nâng cao chất lượng dịch vụ nhưng cũng đối mặt với một số thách thức.

Công nhân vận hành Nhà máy nước mặt sông Đuống. Ảnh: Quốc Tuấn

Công nhân vận hành Nhà máy nước mặt sông Đuống. Ảnh: Quốc Tuấn

Những ngày đầu tháng 10, người dân khu vực Tây Nam Hà Nội phát hiện nước sinh hoạt được cấp bởi Công ty đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) có mùi khét nồng nặc kèm theo váng dầu.

Nguyên nhân sau đó được xác định là nguồn nước bị gây ô nhiễm bởi một lượng lớn dầu thải đã được đổ ra khe núi sát Suối Trâm thuộc huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình - cách kênh dẫn nước của nhà máy nước Sông Đà khoảng 800m.

UBND TP Hà Nội nhận định đây là sự cố nghiêm trọng làm đảo lộn cuộc sống của người dân trong khu vực được cấp nước bởi nhà máy. Sau đó, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình (nơi đặt nhà máy nước Sông Đà) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường.

Viwasupco trước đây Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex được thành lập năm 2009. Năm 2017, Vinaconex thoái vốn tại doanh nghiệp này cho Công ty Cơ điện lạnh (REE) tại TP.HCM và Công ty Đầu tư và Phát triển Sinh Thái (thuộc Tập đoàn Vingroup).

Tuy nhiên, không lâu sau khi nắm tỷ lệ chi phối Viwasupco, Công ty Sinh Thái đã bán toàn bộ hơn 25 triệu cổ phiếu cho Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex. Tính đến hết hết năm 2018, hai cổ đông chính của Viwasupco là Năng lượng Gelex (60,5% cổ phần) và REE (gần 36%).

Theo quy hoạch cấp nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các nhà máy nước ngầm sẽ có tổng công suất 613.000 m3/ngày đêm và giảm dần tới năm 2050, một lượng rất nhỏ so với con số gần 2,2 triệu m3/ngày đêm của 3 nhà máy nước mặt năm 2030.

Ngoài nhà máy nước mặt sông Đà thuộc sở hữu của Viwasupco, còn hai nhà máy khác là nhà máy nước mặt sông Đuống và nhà máy nước mặt sông Hồng.

Nhà máy nước mặt sông Đuống mới đi vào hoạt động gần đây, được xây dựng bởi Công ty nước mặt sông Đuống thuộc tập đoàn AquaOne của bà Đỗ Thị Kim Liên – Shark Liên.

Trong khi đó, nhà máy nước mặt sông Hồng có chủ đầu tư là Công ty nước mặt sông Hồng, doanh nghiệp 79% vốn từ Tập đoàn Thành Long và 20% từ Công ty Nước sạch Hà Nội (Hawaco). Dự án này vẫn đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện nhà máy.

Điều đáng chú ý, 3 nhà máy nước mặt trên cung cấp cho các quận, huyện riêng biệt, dẫn đến tình trạng độc quyền cung cấp nước sạch, một mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống của người dân Thủ Đô. Điều này khiến người dân đối mặt với nhiều rủi ro như chất lượng nước sạch hay khả năng cung cấp bị gián đoạn khi xảy ra sự cố.

Một báo cáo của Ngân hàng thế giới (World Bank) đánh giá, các công ty trong ngành dịch vụ nước đô thị được cổ phần hóa để tăng tính tự chủ và mở cửa cho các nhà đầu tư tư nhân, với mục tiêu giảm gánh nặng tài chính và cải thiện đấu nối và chất lượng dịch vụ.

Tuy nhiên, quá trình này phải đối mặt với một số thách thức. Hậu quả của thiếu cạnh tranh là đơn vị vận hành, dù là nhà nước hay tư nhân đều không có động lực để đầu tư nâng cao hiệu quả hay chất lượng dịch vụ, đặc biệt khi điều đó làm giảm lợi nhuận.

Theo World Bank, vai trò của chính phủ trong trường hợp này là điều chỉnh các quy định và hợp đồng dịch vụ để người dân được nhận dịch vụ cấp nước có chất lượng với mức giá hợp lý, đồng thời đảm bảo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vẫn có lợi nhuận. Không đạt được sự cân bằng này sẽ khiến cho một thành phố dễ bị tổn thương bởi chất lượng dịch vụ kém, dù doanh nghiệp cung cấp dịch vụ là nhà nước hay tư nhân.

Nhu cầu nước sạch gia tăng do quá trình đô thị hóa được đẩy mạnh, dân số tăng nhanh, tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn cùng cơ chế mở cửa đối với tư nhân hóa đã tạo ra cơ hội nhập kinh doanh ngành nước của các doanh nghiệp tư nhân.

Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) ngoài sở hữu gần 36% tại Viwasupco còn sở hữu tới 42% cổ phần Công ty B.O.O Nước Thủ Đức; 40% cổ phần Công ty Đầu tư và kinh doanh nước sạch Sài Gòn và 32% cổ phần Công ty Đầu tư Nước Tân Hiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp có nguồn gốc nhà nước này còn nắm giữ cổ phần tại nhiều công ty cấp nước tại TP.HCM.

Năm 2018, REE đã đầu tư gần 1.500 tỷ đồng vào lĩnh vực nước, ghi nhận lợi nhuận sau thuế 154 tỷ đồng, tăng hơn 63% so với năm 2017. Các nhà máy do REE đầu tư hiện đang sở hữu công suất phát nước 450.000m3/ngày, gồm 3 nhà máy nước tại TP.HCM và 1 nhà máy nước tại Hà Nội.

Công ty Nhựa Đồng Nai (DNP Corp) đã có bước chuyển mạnh mẽ sang lĩnh vực kinh doanh nước thông qua việc thành lập DNP Water năm 2017. Chỉ sau chưa đầy hai năm, DNP Water đã nắm giữ hàng loạt nhà máy nước, với tổng công suất thiết kế 830 nghìn m3/ ngày đêm. Bao gồm nhà máy nước Bình Hiệp (sở hữu gần 71%), nhà máy nước Đồng Tâm (gần 53%) và nhà máy nước sạch Nhị Thành (Long An), một trong những dự án nhà máy xây mới có quy mô lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

DNP Water cũng đầu tư vào Công ty sản xuất kinh doanh nước sạch số 3 Hà Nội (51%) cũng như sở hữu cổ phần tại nhiều công ty cấp thoát nước khác như cấp thoát nước Long An, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Cần Thơ.

Công ty đã huy động hàng chục triệu USD từ các tổ chức tài chính nước ngoài như IFC và quỹ đầu tư Asia Environmental Partners (AEP), công ty thành viên của Olympus Capital Asia để đầu tư vào các dự án cung cấp nước sạch.

Hồi tháng 9 vừa qua, Nhà máy nước mặt sông Đuống thuộc Tập đoàn AquaOne của Chủ tịch Đỗ Thị Kim Liên đã khánh thành giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư giai đoạn này lên đến 5.000 tỷ đồng. Đây là dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn tại miền Bắc với công suất 300.000 m3/ngày đêm và quy hoạch lên tới 900.000 m3/ngày đêm vào năm 2030.

Ngoài ra, Tập đoàn AquaOne còn sở hữu Nhà máy nước mặt sông Hậu tại Hậu Giang, quy mô 100.000 m3/ngày đêm và dự án Nhà máy nước mặt Xuân Mai - Hòa Bình, công suất giai đoạn 1 là 150.000 m3/ngày đêm.

Kiều Mai

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/ban-khoan-lan-song-dau-tu-tu-nhan-vao-nuoc-sach-1571632974749.htm