Băn khoăn 'phí chồng phí' nếu thu phí hòa giải, đối thoại tại tòa án

Ngày 19-11, Quốc hội đã nghe Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, qua tổng kết việc thí điểm đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án ở 16 tỉnh, TP, kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt 78,08% đã cho thấy ưu điểm của cơ chế mới này, góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước. “Do đó, Ủy ban Tư pháp tán thành với TAND TC về sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án”, bà Nga nói.

Vấn đề có thu phí hòa giải hay không được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Theo Tờ trình, TAND TC đề nghị Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác này, do đó không quy định về phí hòa giải, đối thoại tại tòa án trong dự thảo Luật.

Đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới nên cần có thời gian để đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả và cần khuyến khích người dân lựa chọn, do đó trước mắt chưa quy định thu phí hòa giải, đối thoại tại tòa án là phù hợp.

Việc thu phí hòa giải, đối thoại tại tòa án đang được xem xét. Ảnh tư liệu

Việc thu phí hòa giải, đối thoại tại tòa án đang được xem xét. Ảnh tư liệu

Bên cạnh đó, một số ý kiến tán thành việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án, tuy nhiên, có thể cân nhắc quy định thu một khoản phí đối với 2 trường hợp: Pháp nhân nộp đơn khởi kiện các vụ tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính; Cá nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại.

Tuy nhiên, nếu theo phương án này, thì phải sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan (vì hiện nay Luật Phí và lệ phí năm 2015 chưa có quy định về phí hòa giải, đối thoại tại tòa án trong Danh mục phí, lệ phí; Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH của UBTVQH chưa có quy định về trình tự, thủ tục, mức thu, miễn, giảm, nộp phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Thảo luận tại tổ, đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) đồng tình cho rằng, cần ban hành luật này, đồng tình với phương án Nhà nước bảo đảm kinh phí, không quy định phí hòa giải, đối thoại tại tòa án, vì đây là cơ chế hòa giải nhiều ưu điểm, là phương thức mới, cần có thời gian để kiểm nghiệm.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội cho rằng, đang có hai quan điểm, nếu đương sự trả thì vô hình trung họ phải chịu hai lần chi phí, một là khi hòa giải và nếu không hòa giải được, chuyển sang tòa, lại phải đóng phí theo qui định. Còn nếu Nhà nước trả mà hiện nay đang tinh giản biên chế, Nhà nước lại phải bù đắp chi phí này, nên cần tính phương án Nhà nước và nhân dân cùng tham gia để chi trả.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha cũng băn khoăn nếu thu phí với những vụ hòa giải thành công thì không sao, nhưng với những vụ hòa giải không thành, tiếp tục ra tòa thì đương sự sẽ phải nộp án phí, liệu có dẫn tới tình trạng phí chồng phí?

Tuy nhiên, một số đại biểu lại cho rằng, cần quy định kinh phí hòa giải do các bên đương sự chi trả, đây là phần lợi ích mà các bên được hưởng từ hoạt động hòa giải tại tòa án mà họ tự nguyện lựa chọn. Đồng thời, cũng nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước…

Về tiêu chuẩn hòa giải viên, Dự thảo Luật quy định, ngoài những đối tượng là những người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu (Thẩm phán, Kiểm sát viên…), thì những người là luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét bổ nhiệm.

Đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với quy định này, bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị quy định đối với luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác để được bổ nhiệm làm Hòa giải viên chỉ nên quy định là 5 năm kinh nghiệm.

Đại biểu Đào Tú Hoa cho rằng, quy định phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm mới có thể được xem xét bổ nhiệm hòa giải viên là cần thiết, vì tính chất của các vụ việc đòi hỏi hòa giải viên phải có trình độ chuyên môn, kinh nghệm sống nhất định để đưa ra các lập luận, hòa giải.

Tuy nhiên Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính lại cho rằng, yêu cầu thời gian công tác với luật sư chỉ cần 5 năm công tác trở lên là đủ, thời gian thâm niên 10 năm là không cần thiết. Liên quan đến chi phí, đại biểu cho hay, như thí điểm tại Hà Nội, kinh phí với hòa giải viên là 3,5 triệu đồng/tháng, mà theo mức thế này thì “không có mấy ai tham gia”…

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính, đa số các nước đều có mô hình hòa giải tại tòa án, đây là mô hình khác với hòa giải trong tố tụng. Trong thực tế, từ 2015 đến nay, trung bình lượng án tăng 2.000 vụ/năm, nhất là các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại.

Qua thí điểm tại Hải Phòng, và một số địa phương khác cho thấy, việc hòa giải, đối thoại tại tòa án đã giảm bớt áp lực về kinh phí, thời gian cho các bên đương sự, giảm áp lực của cán bộ tòa án, mà không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên đương sự.

Những vụ án cần giải quyết đưa ra hòa giải là 47.492 vụ, trong 9 tháng cuối năm 2018 đầu năm 2019, hòa giải được 36.985, đạt hơn 78%. Riêng tại Hà Nội, qua thí điểm tại 16 trung tâm trong 9 tháng đầu năm 2019, đã cho thụ lý 7.716 vụ, hòa giải thành 5.487 vụ, đạt 71,1%.

Hải Lý

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ban-khoan-phi-chong-phi-neu-thu-phi-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-170752.html