Băn khoăn sức mạnh nội tại của du lịch

Dự kiến, đầu tháng tới, Việt Nam sẽ chào đón vị khách quốc tế thứ 15 triệu của năm nay, một con số đầy ấn tượng của ngành du lịch. Thế nhưng, giới kinh doanh cho rằng, tăng trưởng về số lượng khách là chưa đủ thể hiện sức mạnh nội tại của ngành du lịch.

Khách du lịch nước ngoài tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Đào Loan

Điểm đến đang lên

Cuối tháng 12 tới, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Hàn Quốc, Jeju Air sẽ mở thêm đường bay nối thành phố Daegu của nước này và Đà Nẵng, với tần suất 7 chuyến/tuần. Cùng với đường bay này, hãng sẽ tăng chuyến bay từ Muan đến Đà Nẵng lên 7 chuyến/tuần, nâng tổng số đường bay giữa hai nước mà hãng khai thác lên 7 và tổng số chuyến bay mỗi tuần lên 63.

Jeju Air mới tham gia thị trường Việt Nam được bốn năm nhưng số chỗ cung cấp đã tăng trưởng rất nhanh. Năm 2015, hãng cung cấp 150.000 ghế; năm 2017 tăng lên gấp ba lần với 450.000 ghế và đến tháng 10-2018 đã cung ứng 720.000 ghế.

Theo ông Yang, Seong Jin, Giám đốc phụ trách quan hệ công chúng của Jeju Air, ba năm trước, Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan là ba điểm đến thu hút nhiều du khách Hàn Quốc nhất nhưng nay Việt Nam đã soán ngôi của Thái Lan, trở thành điểm đến hấp dẫn thứ ba của người Hàn. Trong đó, Đà Nẵng đã trở thành điểm đến đầu tiên ở Việt Nam mà người Hàn Quốc muốn ghé thăm khi đi du lịch.

“Trước đây, chúng tôi không thể dự đoán được là người Hàn Quốc lại đến Đà Nẵng nhiều như vậy. Hiện giờ, doanh thu trên thị trường Việt Nam rất tốt, chỉ đứng sau thị trường lớn nhất là Nhật Bản”, ông nói.

Hàn Quốc là thị trường lớn thứ hai của du lịch Việt Nam, sau Trung Quốc nhưng lại có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, trong 10 tháng của năm 2018, đã có hơn 2,8 triệu lượt khách nước này đến Việt Nam, tăng 48,3% so với cùng kỳ. Hiện có đến chín hãng hàng không khai thác các đường bay nối hai nước, với tổng số chuyến bay lên đến hơn 380 chuyến/tuần.

Khách Hàn “đổ bộ” đến Đà Nẵng, Quảng Nam... đã làm cho bộ mặt du lịch ở đây thay đổi rõ rệt. Khu di tích lịch sử sinh thái rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh (Hội An) không còn là nơi yên ả với vài chiếc thuyền thúng chai đưa khách phương Tây dạo chơi như những năm trước. Số lượng thuyền thúng chai hiện giờ ít nhất phải lên đến vài trăm chiếc.

Phố cổ Hội An cũng dần thay đổi. Nếu bạn có vẻ bề ngoài hao hao giống người Hàn Quốc mà đứng lóng ngóng chỗ chị bán dừa tươi thì chắc hẳn chị sẽ tươi cười cầm trái dừa chào giá: “Sam man tông” (ba mươi ngàn đồng). Việc các bà, các chị có thể dùng tiếng “Tây” để mời khách mua hàng đã trở thành chuyện cũ, nay những người bán hàng đã nhanh chóng cập nhật thứ ngôn ngữ mới, tiếng Hàn để phục vụ khách đến từ thị trường lớn này.

Câu chuyện về thị trường Hàn Quốc cho thấy phần nào sự tăng trưởng vượt bậc của ngành du lịch trong thời gian qua. Năm ngoái, lần đầu tiên, Việt Nam đón hơn 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,1% so với năm 2017. Nếu như kế hoạch đón vị khách thứ 15 triệu diễn ra đúng như dự kiến vào đầu tháng 12 này thì năm 2018 sẽ tiếp tục là một năm tăng trưởng “nóng” của du lịch và thể hiện sức hút mạnh mẽ của điểm đến Việt Nam với du khách quốc tế.

“Sau hội chợ du lịch quốc tế ở TPHCM hồi tháng 9-2018, tôi có dẫn một số khách hàng ở Ý, trong đó có vài đơn vị bán sỉ rất lớn nhưng chưa bán tour đến Việt Nam. Khoảng 2-3 tuần sau đó, họ hỏi thông tin liên tục để làm sản phẩm và nói rằng, Việt Nam là điểm đến đang lên và họ không muốn chậm chân”, ông Đồng Hoàng Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Đồng Thị, nói.

Sức mạnh nội tại còn yếu

Trao đổi với TBKTSG, nhiều doanh nhân cho rằng sự tăng trưởng về lượng khách chưa làm giới kinh doanh cảm thấy yên tâm vì còn nhiều vấn đề về sản phẩm, giá cả, quy hoạch, tiếp thị... chưa được giải quyết để tạo sự cạnh tranh bền vững cho điểm đến.

Trong đó, điểm đến Việt Nam chưa thể hiện được sự năng động trong việc thu hút khách. Thị trường đang phát triển lệch, quá nghiêng về hai thị trường lớn là Trung Quốc và Hàn Quốc. Thêm vào đó, việc chưa chủ động trong khai thác và điều hành thị trường rất dễ dẫn đến những cuộc khủng hoảng suy giảm lượng khách như Khánh Hòa và Bình Thuận đã từng gặp vài năm trước.

Trong 10 tháng đầu năm nay, cả nước đón hơn 12,8 triệu lượt khách quốc tế thì có đến hơn 7 triệu lượt khách Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khi Hàn Quốc có hơn 380 chuyến bay mỗi tuần thì Trung Quốc có khoảng 500 chuyến bay/tuần, chiếm phần nhiều trong đó là các chuyến bay thuê bao đổ đến các điểm du lịch biển do doanh nghiệp của nước này khai thác. Một thị trường lớn khác là Nga cũng tương tự. Doanh nghiệp lữ hành Nga đang nắm phần lớn thị trường này, có công ty còn khai thác một số dịch vụ khác như lưu trú để khép kín vòng tròn dịch vụ. Lượng khách tăng hay giảm phần lớn đến từ quyết định của những đơn vị này nên khi thị trường có biến động thì cả điểm đến sẽ bị “hụt chân”.

Có doanh nghiệp cho TBKTSG biết, có thể thời gian tới thị trường Nga sẽ có biến động vì hiện tại doanh nghiệp Nga không còn đón được nhiều khách như hồi đầu năm nên bắt đầu giảm chuyến bay thuê bao. Một số chuyến bay đến TPHCM đã xin phép bay rồi nhưng lại hủy và chưa có kế hoạch phát động thị trường vì giá tour tăng nên khó thu hút khách.

Một doanh nhân (giấu tên) cho biết, hồi đầu năm nay, khoảng 55-60 rúp là mua được 1 đô la Mỹ, nay phải 65-68 rúp mới mua được 1 đô la. Trong khi đó, nhiều khách sạn ở Việt Nam lại tăng giá, một số dịch vụ khác cũng tăng nên giá tour tăng, khách mua ít hơn làm doanh nghiệp phải nhanh chóng cắt chuyến bay để cắt lỗ. Tuy nhiên, biến động này chưa được cơ quan quản lý ghi nhận để có những đối sách nhằm hạn chế sự suy giảm của thị trường.

Một số doanh nghiệp cho rằng, chuyện tăng giá hàng năm, sản phẩm ít đổi mới, thiếu định hướng về thị trường - dịch vụ là những vấn đề làm sức mạnh nội tại của điểm đến chưa cao. Trong đó, giá tour đến Việt Nam tăng hàng năm đang tạo áp lực lớn cho cạnh tranh điểm đến, còn sản phẩm thì ít thay đổi vì ngoài sản phẩm chính như du lịch biển, tham quan thắng cảnh, doanh nghiệp không có nhiều dịch vụ mới để đưa vào.

Bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc điều hành Công ty Asian Trails Co., LTD, cho biết giá tour mùa du lịch 2019-2020 sẽ phải tăng từ 3-5% vì giá khách sạn ở một số nơi như Phan Thiết tăng từ 3-5%, khách sạn ở Phú Quốc tăng 5-8%, giá xe tăng 5-10%. “Với một điểm đến, nếu giá cứ tiếp tục tăng như vậy là khó thu hút khách”, bà nói và cho biết hiện có thể đặt phòng khách sạn 5 sao cao cấp ở Kuala Lumpur (Malaysia) với giá 120 đô la Mỹ/đêm nhưng cũng với loại phòng đó ở TPHCM thì phải trả cỡ 300 đô la Mỹ và chỉ có ít khách sạn đạt tiêu chuẩn đó.

Doanh nhân này cũng đề cập đến việc cần phải có những chiến dịch dài hơi về phát triển các dòng khách cùng dịch vụ đi kèm để phục vụ dòng khách đó. Cơ quan quản lý nên xác định nơi nào phát triển du lịch đại trà, nơi nào dành cho những phân khúc khách hàng đặc biệt để tính toán đầu tư nhằm tránh tình trạng thị trường này tăng trưởng thì thị trường khác suy giảm làm cho hiệu quả kinh tế đem lại ít đi. Chẳng hạn, du khách châu Âu rất thích đi Sa pa nhưng hiện nay ít đi do nơi đây có quá nhiều khách du lịch, làm biến đổi phần nào bộ mặt của điểm đến. Vì thế, doanh nghiệp lữ hành phải đưa khách sang một số vùng lân cận, sang Mù Căng Chải nhưng ở đó lại không đủ chỗ ở và các dịch vụ khác.

Bên cạnh đó, sự kém linh hoạt về các hoạt động tiếp thị cũng được nhắc đến như là một trong những tồn tại lâu năm chưa được giải quyết. Các chương trình tiếp thị vẫn là giới thiệu điểm đến chung, thiếu những chiến dịch dành riêng cho từng thị trường cùng các hoạt động tác động đến doanh nghiệp, nơi trực tiếp đưa khách hàng đến.

Trong khi đó, những điểm đến lân cận đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Trong đó, Singapore vừa đưa ra thông điệp mới, hướng tới những người Việt thích giao lưu nhằm mời khách đến giao lưu ở các quán bar, câu lạc bộ và trải nghiệm cuộc sống về đêm sôi động ở đảo quốc này. Đại diện cơ quan xúc tiến du lịch ở Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc thì liên tục làm việc với doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ kinh phí quảng bá, cùng đưa ra các sản phẩm theo mùa. Hầu như các sự kiện lớn đều được tận dụng để quảng bá và đưa ra sản phẩm mới nhằm phát động thị trường.

Đào Loan

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282164/ban-khoan-suc-manh-noi-tai-cua-du-lich-.html