Băn khoăn về các phố đi bộ

Các tuyến phố đi bộ ở Hà Nội đồng loạt được mở hoặc đề xuất mở, có thể gây ra hàng loạt vấn đề phức tạp khó giải quyết

Ngoài 4 tuyến đi bộ đã đi vào hoạt động, thời gian qua, thêm nhiều quận, huyện ở Hà Nội đã đề xuất mở cửa không gian đi bộ như: phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng); hồ Ngọc Khánh, hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình); phố đi bộ khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 (quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì)...

Còn nhiều bất cập

Quận Hoàn Kiếm là địa phương đầu tiên của Hà Nội và là một trong những nơi đi đầu cả nước về xây dựng các không gian đi bộ, tạo cơ hội cho người dân và du khách có thêm điểm vui chơi về đêm. Chỉ sau vài năm mở cửa, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã trở thành thương hiệu của du lịch Hà Nội. Những ngày cao điểm, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm thu hút hàng vạn người dân và du khách tới tham quan.

Phố đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận dần thu hút được nhiều người dân, du khách .Ảnh: HỮU HƯNG

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết không gian đi bộ hồ Gươm và phụ cận hoạt động chính thức từ ngày 1-9-2016, đã dần tạo thành một chỉnh thể hoàn chỉnh, cộng hưởng giá trị, đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách đến tham quan, du lịch văn hóa và mua sắm, ẩm thực.

Đối lập với không khí nhộn nhịp ở phố đi bộ quanh hồ Gươm, không gian đi bộ ở phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) khai trương vào giữa năm 2018, lại không nhận được sự quan tâm của người dân (trừ những người dân sống ở khu vực này). Chị Lương Thị Mỹ Linh (trú tại quận Hoàng Mai), từng cùng cả gia đình vượt 10 km tới phố đi bộ Trịnh Công Sơn để trải nghiệm nhưng thất vọng. Chị Mỹ Linh cho biết là lần duy nhất chị đến đó bởi phố đi bộ này không đặc sắc, dịch vụ cũng không đa dạng...

Ngoài những hiệu ứng tích cực thì việc mở các tuyến phố đi bộ cũng gây nhiều phiền toái, khó khăn cho cuộc sống hằng ngày của người dân và giao thông đô thị. Anh Trần Mạnh Cường (trú tại phố Trúc Bạch, quận Ba Đình) - nơi đang được đề xuất mở tuyến phố đi bộ, cho rằng khu vực anh sống nằm ở trong ngõ, khi mở phố đi bộ thì người dân ngụ tại các phố đi bộ nếu có ô-tô sẽ phải gửi xa hơn, người thân và bạn bè muốn tới thăm viếng cũng rất bất tiện vì phương tiện phải để xa bên ngoài.

"Nhìn vào phố đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận thì thấy rõ mỗi tuyến phố được hình thành và đi vào hoạt động là hàng chục khu phố, tuyến đường xung quanh đều cấm phương tiện giao thông qua lại khiến người dân phải đi vòng xa hơn, đường phố vốn đã đông đúc càng thêm ách tắc, gây nhiều phiền toái" - anh Cường bày tỏ.

Cần hài hòa

KTS Vương Thùy Dương, chuyên gia về quy hoạch và phát triển đô thị, cho rằng ở Việt Nam có 2 mô hình phố đi bộ thành công là phố đi bộ hồ Gươm (TP Hà Nội) và phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP HCM). "Sự thành công của không gian công cộng nằm ở việc lắng nghe nhu cầu của người dân và thiết kế phù hợp với nó. Để phát huy tiềm năng du lịch của thủ đô Hà Nội, điều chúng ta nên quan tâm không phải số lượng phố đi bộ hình thành, mà là chất lượng kết nối không gian và tạo ra giá trị của các tuyến phố đó" - bà Dương nói.

Cũng theo bà Dương, sau khi đã có 2 mô hình thành công này, chúng ta có thể thấy nhu cầu sử dụng không gian công cộng trong các thành phố là rất lớn. Khi lượng ô-tô, xe máy đã trở nên quá tải và rất thiếu không gian xanh, người dân luôn có nhu cầu đi bộ, hoạt động ngoài trời, chia sẻ thời gian với gia đình.

Thông thường, các mô hình phố đi bộ ở Việt Nam sẽ được thiết kế để kết nối, đi kèm tốt với các không gian mở chính và quan trọng của thành phố. Điểm đến có thể là không gian xanh, thương mại điểm nhấn, hay công trình có giá trị văn hóa lịch sử. Ai cũng có quyền tiếp cận không gian xanh và không gian mở này, vì thế việc quan trọng là thiết kế phố đi bộ như thế nào để kết nối với nhau và khiến người dân có trải nghiệm tốt nhất, đồng thời khai thác hiệu quả về thương mại và các lợi ích kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội), Hà Nội đang có xu hướng "đi bộ hóa" các tuyến đường nhưng việc mở các phố đi bộ tràn lan sẽ không phát huy hiệu quả. Điều quan trọng là phải tận dụng các giá trị văn hóa - kinh tế - không gian của đô thị hiện hữu.

"Thực tế, phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đã thực sự hoàn thiện chưa, tôi cho là chưa. Do đó, cần tập trung hoàn thiện những điểm xung quanh phố đi bộ Hoàn Kiếm. Có đúc kết, rút kinh nghiệm, hoàn thiện để phát triển chứ không phải đâu đâu cũng mở phố đi bộ theo phong trào" - ông Phú nói.

Vẫn còn bát nháo

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, thời gian gần đây, tình trạng hàng quán kinh doanh dịch vụ vi phạm quy định cấm trên tuyến phố đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận có chiều hướng gia tăng, diễn ra ngang nhiên, gây mất trật tự, lộn xộn, thiếu văn minh đô thị. Những hình ảnh hàng rong bủa vây vỉa hè, người bán hàng rong mời chào, đeo bám du khách tham quan phố đi bộ hồ Gươm, cửa hàng bán trà đá, đồ ăn nhanh mọc lên như nấm, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường... khiến người dân ở nơi khác đến không có không gian thông thoáng để đi lại. Hầu hết hàng quán này ngoài số hộ dân có nhà mặt tiền trên tuyến phố, còn lại chủ yếu là những cá nhân từ nơi khác đến kinh doanh hàng quán tự phát.

Về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết quận sẽ tập trung chấn chỉnh, khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế vừa phát sinh, đồng thời tiếp tục phát huy tiềm năng giá trị văn hóa lịch sử khu phố cổ Hà Nội (di tích quốc gia), khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (di tích Quốc gia đặc biệt) và kích cầu phát triển du lịch trên địa bàn quận.

BẠCH HUY THANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ha-noi/ban-khoan-ve-cac-pho-di-bo-202206022057178.htm