Băn khoăn về đề xuất cấm bán rượu, bia theo giờ

Điều 13 của Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, quy định về địa điểm, phương thức, thời gian không được bán rượu, bia.

Nhiều chuyên gia pháp luật và cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, quy định cấm bán rượu bia theo giờ mà Bộ Y tế đề xuất trong Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia là khó khả thi và không thể tiếp cận quy định tách rời góc độ y tế và góc độ thương mại, vì các văn bản luật phải thống nhất và được thực hiện.

Hình minh họa.

Hạn chế thời gian bán có thể khiến người uống bia uống cấp tập hơn?

Điều 13 của Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, quy định về địa điểm, phương thức, thời gian không được bán rượu, bia, nêu rõ, không được bán rượu, bia tại các địa điểm:

Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục; Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em; Nơi làm việc của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; Trạm dừng nghỉ trên đường quốc lộ, tỉnh lộ.

Bia rượu không được bán bằng máy bán tự động và bia rượu không được bán cho người dưới 18 tuổi, người đã có biểu hiện say rượu, bia.

Về thời gian bán rượu, bia, Dự thảo đưa ra 3 phương án. Phương án 1, chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 11 giờ đến 14 giờ và từ 17 giờ đến 22 giờ hàng ngày, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.

Phương án 2, chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 22h giờ trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.

Phương án 3, thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ trong trường hợp cần thiết căn cứ yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Trong hội thảo góp ý về Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia vừa diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) — cho rằng, việc hạn chế thời gian bán rượu bia sẽ tạo ra hiệu ứng phụ, khiến người uống bia càng uống nhiều hơn, cấp tập hơn.

Ông Tuấn cho biết, một số nước có ban hành quy định này nhưng thực ra không có nhiều ý nghĩa. “Cấm có thể sẽ hạn chế được sản phẩm đủ nhãn mác, nhưng lại không kiểm soát được thị trường không nhãn mác” — ông Tuấn nói.

Vì thế, ông Đậu Anh Tuấn đề nghị cần xem lại tính khả thi, tránh tình trạng doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc thì bị thiệt, cơ sở nhỏ, lẻ không những trốn thuế, không thực hiện bất cứ hoạt động gì lại có lợi.

Tạo điều kiện cho mua bán “chui”?

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam Nguyễn Tiến Vỵ, hiện tại, ở Việt Nam đang không kiểm soát được 200 triệu lít rượu nấu thủ công, rượu lậu và 28% sản lượng bia, rượu trên thị trường là bất hợp pháp.

Tổng giá trị của thị trường bia, rượu bất hợp pháp này lên tới 910 triệu USD và khiến 441 triệu USD ngân sách nhà nước bị thất thoát. “Nếu thực hiện việc hạn chế giờ bán rượu, bia như trong Dự thảo đưa ra thì chỉ khiến người dân mua hàng bất hợp pháp trong khung giờ cấm nhiều hơn” — ông Nguyễn Tiến Vỵ nói.

Đây cũng là quan điểm của ông Matt Wilson - Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Công ty TNHH Heineken Việt Nam. Ông Matt Wilson cho rằng, đề xuất giờ cấm càng thúc đẩy thị trường bia, rượu bất hợp pháp có “đất” phát triển. Hơn nữa, chưa có cơ chế rõ ràng xác định đâu là địa điểm ẩm thực, du lịch...

Còn Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico — quả quyết, không nên giữ quan điểm quản lý không được thì cấm.

“Việc bán rượu bia theo giờ là không khả thi. Hơn nữa, ai sẽ kiểm soát việc này? Hiện việc cấm bán rượu đã được quy định trước đây với hình thức phạt khá nặng, song thực thi là câu chuyện nan giải. Vì thế cấm cũng chẳng thể được” - ông Đức nói.

Ông Đức cho rằng, Luật này nên hướng đến khuyến cáo người dân sử dụng khoa học, chứ không nên mang tính áp đặt.

Bách Nguyễn

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/ban-khoan-ve-de-xuat-cam-ban-ruou-bia-theo-gio-d68188.html