Băn khoăn về điều kiện người đóng thuế thu nhập cá nhân không được mua nhà ở xã hội

Đại biểu Quốc hội phân tích rằng, mức đóng thuế thu nhập cá nhân hiện chỉ hơn 10 triệu đồng trong khi người lao động còn phải lo cho cha mẹ, con cái. Nếu loại toàn bộ đối tượng này ra khỏi chính sách hỗ trợ thì nhiều người sẽ không bao giờ có cơ hội mua nhà.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân.

Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi quy định 12 nhóm đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội, trong đó có công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Khi thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị sửa thành "công nhân, người lao động có thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân" để bảo đảm công bằng đối với người lao động có thu nhập thấp nói chung, không phân biệt là làm việc trong hay ngoài khu công nghiệp.

Tuy nhiên tại phiên thảo luận tổ sáng 5/6, nhiều đại biểu phản bác ý kiến trên. Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Đoàn Lai Châu) cho rằng, nếu quy định như vậy thì sẽ loại bỏ hàng loạt trường hợp cũng cần hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Theo ông Toàn, hiện người lao động có thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng đã phải đóng thuế thu nhập cá nhân, trong khi họ phải lo nhiều thứ, lo cho con cái học hành, thì lấy đâu tiền mua nhà. “Những người đóng góp cho xã hội mà lại bị loại ra thì cần cân nhắc”, ông Toàn nói và cho rằng nếu quy định về mức thuế thu nhập cá nhân thì cần quy định cụ thể là mức thuế bao nhiêu.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn TP HCM) cũng đề nghị không quy định người lao động phải thuộc diện không nộp thuế thu nhập cá nhân mới được mua nhà ở xã hội. "Hiện mức giảm trừ gia cảnh đã lạc hậu, nhiều công nhân dù phải đóng thuế nhưng mức sống vẫn chật vật, khó khăn. Do vậy, cần bỏ điều kiện này", bà cho hay.

Ngoài ra, đại biểu này cũng kiến nghị Quốc hội, cần xem xét lại quy định về mức thu nhập phải đóng thuế thu nhập cá nhân hiện nay. Theo bà Tuyết, ý kiến của nhiều công nhân, người lao động cho biết, quy định này đến nay đã lạc hậu. Phần thu nhập của người lao động cao hơn mức họ phải nộp thuế thu nhập cá nhân, nhưng với thu nhập đó, họ phải nuôi thêm 2 đứa con và mức chi phí hiện nay cho các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống thì không có dư.

"Nếu giữ quy định này, họ sẽ không có tiền để mua nhà được. Do đó, cần xem xét điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện cho công nhân, người lao động có cơ hội sở hữu nhà của riêng mình", bà Tuyết nêu.

Đồng tình với ý kiến của bà Tuyết, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP HCM) cho biết, người đóng thuế phải được biểu dương, chưa kể hiện nay ngưỡng đóng thuế thu nhập thấp, trong khi người lao động phải lo cho cha mẹ, con cái.

Góp ý thêm về đối tượng mua nhà ở xã hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu thực trạng, hiện TP HCM có khoảng 2-3 triệu công nhân, nhưng trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao chỉ khoảng 330.000 lao động, còn lại là lao động ở ngoài. Nếu dự thảo Luật Nhà ở chỉ giới hạn đối tượng mua nhà ở xã hội chỉ là công nhân khu công nghiệp thì 80-90% lao động sẽ bị bỏ sót.

Ngoài ra, đại biểu Trần Hoàng Ngân còn cho rằng, cần chú trọng, đề cao xây dựng nhà ở cho thuê cho công nhân bởi đại đa số người dân hiện không tiếp cận được mua nhà ở. Việc tăng diện tích nhà cho thuê sẽ giúp tăng nguồn cung nhà ở cho người dân, người lao động, từ đó giảm áp lực nhà ở, giúp giá nhà giảm.

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ban-khoan-ve-dieu-kien-nguoi-dong-thue-thu-nhap-ca-nhan-khong-duoc-mua-nha-o-xa-hoi-post22542.html