Bản không điện và giấc mơ ánh sáng

Sau những cú xóc lộn ruột, những lần vượt dốc trầy trật, bụi mù, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Sa Lai. Mưa lũ kết thúc đã cả tháng, nhưng 18km từ trung tâm xã Tân Xuân vào đến Sa Lai còn rất nhiều đoạn lầy lội, có nơi còn nguyên dấu tích cả mảng đồi sạt xuống. Nhìn tôi sốc lại ba lô, mũi, miệng 'thay nhau thở', Đại úy Đinh Minh Nghiệp, cán bộ Đồn Biên phòng Tân Xuân, BĐBP Sơn La cười, bảo: 'Gọi điện tạm biệt người yêu đi, sắp hết sóng điện thoại rồi đấy!'.

Với trẻ em ở Sa Lai, mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Ảnh: Mai Hoàng

Đêm ở Sa Lai

Đại úy Nghiệp ở địa bàn nhiều hơn ở đồn, nhưng anh cũng phải khá vất vả để đưa tôi lên được đến Sa Lai - một trong những bản khó khăn nhất của xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Trò chuyện với Bí thư Chi bộ bản Sa Lai - ông Lý A Sênh mới hay, trước kia vào Sa Lai còn khó gấp trăm lần, phải đi bộ xuyên rừng, qua 11 khúc quanh của suối Con thì mới nhìn thấy bản. “Từ khi được Đảng và Nhà nước quan tâm mở cho con đường đất, việc đi lại dễ hơn nhiều rồi. Nhưng điện lưới thì chưa có đâu. Bản có mấy cái máy xát chạy bằng dầu, nhưng dầu cũng phải mua tận dưới xã. Cực lắm!” – Ông Sênh chia sẻ với chúng tôi dưới ánh đèn tù mù, trong căn nhà gỗ dựng theo đúng kiểu truyền thống đồng bào Mông.

Chuyển đến bản Sa Lai ở từ năm 1991, lúc đó bản chỉ có 30 nóc nhà, lại trải qua nhiều vị trí, từ công an viên, trưởng bản rồi bí thư chi bộ bản nên gần như không có gì ở Sa Lai mà ông Sênh không hay. Theo lời ông, cả 7 dòng họ ở Sa Lai đều là người Mông chuyển từ các nơi đến, sống khá hòa thuận. Về đây, người Mông mang theo bản tính cần cù, chịu khó và cả những tập tục lạc hậu. Đơn cử như chuyện lập gia đình. Với người Mông, dù không có máu mủ ruột già, nhưng cùng họ là không được kết hôn. Nếu là con dì, con bác mà khác họ thì vẫn lấy nhau được. Cũng chính từ suy nghĩ lạc hậu này mà hiện nay ở Sa Lai không thiếu những cặp vợ chồng là con anh – con em, con dì, con già. Không ít những đứa trẻ còi cọc, ốm yếu - hậu quả trông thấy của việc kết hôn cận huyết thống.

- Không chỉ có hôn nhân cận huyết mà đến nay, nạn tảo hôn vẫn còn khá phổ biến ở Sa Lai. Câu chuyện của Khứ Thị Cao là một ví dụ. Cô gái có gương mặt còn “búng ra sữa” này rất vô tư cho tôi hay, cô đang là mẹ của 2 bé trai. Vợ chồng Cao kết hôn từ năm 15 tuổi. Bạn bè của Cao cũng đều kết hôn sớm như vậy. “Có tuyên truyền đấy, nhưng phong tục tập quán lâu đời nên khó bỏ. Con gái 18, 19 tuổi mà chưa lấy chồng là đàn ông họ bảo: Ối, cái em đó già rồi, không lấy nữa” - Trưởng bản Sa Lai Giàng A Dềnh nói. 2 cô con gái của ông Dềnh học xong lớp 9 cũng nhất định không chịu đi học tiếp với lý do: “Già rồi. Ở nhà lên nương làm giúp mẹ rồi lấy chồng thôi”. Những câu chuyện được người Sa Lai kể rất hồn nhiên, nhưng chúng tôi nghe mà không khỏi chạnh lòng, nhất là khi chứng kiến những cô gái chưa kịp lớn đã vội làm vợ, làm mẹ.

Đêm ở Sa Lai xuống nhanh, mới hơn 18 giờ, bóng tối đã bao trùm khắp bản. Không có điện lưới, mỗi gia đình ở Sa Lai tự trang bị cho mình chiếc máy phát điện nhỏ chạy nhờ nước suối. Dưới ánh sáng yếu ớt, việc băm rau, thái sắn, tẽ ngô, nấu nướng vẫn được người dân ở Sa Lai thao tác khá nhanh nhẹn. Tiễn tôi ra cửa sau bữa cơm tối ấm cúng, ông Dềnh đeo chiếc đèn pin lên trán, vừa chào khách, vừa hướng chiếc đèn để chúng tôi biết lối ra. Dù giàu hay nghèo, thì trong mỗi gia đình người Mông ở Sa Lai đều có những chiếc đèn pin như thế. Đêm xuống, chiếc đèn pin theo người đi họp bản, qua thăm người bà con bị ốm, chốt lại cái cửa chuồng trâu bò, be lại bờ ruộng để giữ nước... Nhờ chiếc đèn pin, từ xa, người Sa Lai có thể chào đúng tên nhau, dẫu xung quanh là đêm tối mịt mù.

Sa Lai ngày mới

Sáng thức dậy ở Sa Lai, âm thanh rõ nhất mà tôi nghe được là tiếng trẻ nhỏ nô đùa. 7 giờ 30 phút mới là giờ vào lớp học, nhưng trước đó cả tiếng đồng hồ, học sinh đã đến chơi đùa, đá bóng ở sân trường... Cô giáo Phan Thị Nga, người vào Sa Lai cắm bản lần thứ 2 cho biết: Người dân ở Sa Lai nghèo, nhưng rất hiếu học.

Tại điểm trường Sa Lai hiện có 79 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 và 38 trẻ mầm non theo học. Đây có thể xem như một kỳ tích đối với bản vùng xa xôi khó khăn này. Bởi lẽ, như lời Bí thư Chi bộ Sênh thì trước năm 2007, cả bản Sa Lai hầu như mù chữ.

Năm 2007, được chính quyền, các thầy cô giáo và BĐBP giải thích, người dân Sa Lai đã tình nguyện xẻ gỗ dựng lên lớp học đầu tiên ở trung tâm bản. Thầy giáo đến, con chữ về, cũng là lúc những suy nghĩ tích cực bắt đầu nảy nở nhiều hơn ở Sa Lai. Từ chỗ chỉ trồng lúa nương năng suất thấp, nay người dân Sa Lai đã biết trồng lúa nước, biết chăm sóc trâu bò, lợn gà để chúng ít bị dịch bệnh hơn. Mấy năm gần đây, Sa Lai đã xuất hiện những gia đình làm kinh tế giỏi, nuôi con ngoan như: Gia đình Giàng A Tổng, Vàng A Dơ, Giàng A Mang... Thậm chí, gia đình Giàng A Tổng còn mạnh dạn mua cả chiếc máy xúc hơn 400 triệu đồng để giúp bà con mở rộng diện tích trồng cấy, sửa chữa đường sá – chuyện chưa từng có ở Sa Lai. “Tính theo chuẩn nghèo đa chiều mới thì 100% hộ ở Sa Lai nghèo. Nhưng nếu chỉ nói về cái ăn, thì 90% là đủ ăn rồi, còn 10% vẫn đói do lười lao động lại nghiện ngập...” - Ông Dềnh cho hay.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tân Xuân thăm gia đình người dân ở Sa Lai. Ảnh: Mai Hoàng

Kể về những đổi thay của Sa Lai hôm nay, Bí thư chi bộ Sênh, Trưởng bản Dềnh đều luôn miệng nhắc tới vai trò của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Xuân. Đã có gần 40 căn nhà trong bản là do BĐBP hỗ trợ tiền và ngày công xây dựng. Hằng năm, Đồn Biên phòng Tân Xuân còn phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội trao bò giống cho bà con trong bản; góp phần đưa số lượng trâu, bò của bản lên tới gần 400 con.

Với người dân ở Sa Lai, không biết tự bao giờ, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Xuân đã trở thành những người con của bản. “Anh Nghiệp, anh Sửu, anh Tòng, anh Trịnh... và rất nhiều anh khác đã lên với Sa Lai giúp dân trồng trọt, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chống buôn người, phòng chống ma túy. Trận lũ vừa rồi, mấy chục cán bộ Biên phòng ở bản cả nửa tháng để giúp đồng bào khắc phục hậu quả bão lũ. BĐBP sống ân tình với bản lắm!” - Ông Dềnh phấn khởi chia sẻ. Minh chứng cho lời ông Dềnh là những cái bắt tay thật chặt, nụ cười xởi lởi, lời mời cơm, mời rượu chân tình của dân bản khi thấy màu áo xanh Biên phòng lên với Sa Lai. Tình cảm quân - dân thật đậm sâu và dễ thấy ở những bản vùng cao biên giới.

Mai Hoàng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ban-khong-dien-va-giac-mo-anh-sang/