Bản, làng văn hóa vùng biên

Những năm qua, nhờ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã được nâng lên rõ rệt.

Sức sống mới ở bản, làng biên giới

Cổng chào vào bản văn hóa Bắc Cương (huyện Bình Liêu).

Cổng chào vào bản văn hóa Bắc Cương (huyện Bình Liêu).

Tôi khởi hành chuyến đi đến với Bắc Cương (huyện Bình Liêu) từ lúc trời tờ mờ sáng. Con đường lên với Bắc Cương nay cũng thuận lợi hơn trước nhiều, nhưng cũng mất chừng hơn 3 tiếng đồng hồ sau khi vượt qua quãng đường dài. Trong màu nắng vàng của mùa thu tháng 8, Bắc Cương hiện lên xinh đẹp với những ngôi nhà mái ngói đỏ kiên cố xen giữa những ngôi nhà trình tường cổ lâu năm. Đây là một trong những bản khó khăn và xa nhất của xã biên giới Hoành Mô. Có lẽ ở khu vực thành thị, chiếc cổng chào khu phố văn hóa sẽ chẳng xa lạ, nhưng đối với một bản miền núi biên giới như Bắc Cương lại trở thành một biểu tượng, khẳng định một sức sống mới.

Nhiều năm về trước, mảnh đất biên cương ấy bị bao trùm bởi đói nghèo, những hủ tục. Những nếp nhà xiêu vẹo nằm chênh vênh bên sườn núi. Những ngọn đồi thưa thớt lá, những cây lúa, cây ngô èo oặt và cả những cái "không" về cơ sở hạ tầng, làm cho Bắc Cương loay hoay mãi trên con đường thoát đói, giảm nghèo. Thế nhưng, cánh cửa ấm no và cuộc sống bình yên đã thực sự mở ra khi người dân Bắc Cương đoàn kết cùng nhau thực hiện mô hình phát triển kinh tế, tự quản về an ninh trật tự. Bắc Cương đã và đang đổi thay, từng bước vươn lên với những cánh rừng hồi, thông xanh ngát, những con đường nội thôn được bê tông thẳng tắp. Đón chúng tôi trong ngôi nhà mới vẫn chưa kịp sơn, Phó trưởng bản Bắc Cương, anh Chìu Chăn Sềnh chia sẻ: Những năm qua, bà con dân tộc ở Bắc Cương đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ hủ tục, thực hiện nếp sống mới. Song nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc vẫn được bà con lưu giữ trong các bộ trang phục dân tộc mặc mỗi ngày. Bản hiện chỉ còn 2 hộ nghèo…

Cán bộ Lâm trường 156 (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327) hướng dẫn, giúp người dân bản Bắc Cương (huyện Bình Liêu) xây dựng chuồng trâu hợp vệ sinh.

Ngược Bình Liêu đi theo quốc lộ 18C đến xã vùng cao biên giới Hải Sơn (TP Móng Cái), chúng tôi ấn tượng với chiếc cổng chào văn hóa, những ngôi nhà tại xóm Họ Đặng (thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn) đều có tường vẽ tranh. Các bức tranh vẽ mang đến một hình ảnh làng quê thanh bình, trù phú, hiện hữu cuộc sống đời thực, cũng như gửi gắm mong ước về một tương lai no ấm của nhân dân nơi đây. Toàn bộ xóm Họ Đặng có chưa đầy 20 hộ dân, nhưng gần như nhà nào cũng vẽ tranh tường. Những ngôi nhà được vẽ tranh này là kết quả xây dựng thôn điểm nông thôn mới.

Bừng sáng trong sự đổi thay, cấp ủy chính quyền địa phương đã hỗ trợ, chung tay cùng nhân dân xây dựng công trình vệ sinh, xóa nhà tạm; hỗ trợ di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở; công trình nước sạch... cùng các chính sách hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống thông qua các mô hình phát triển sản xuất, như nuôi lợn, ngan, dê, bò, trồng lạc... Nhờ vậy, nhiều năm liền, xóm Họ Đặng trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh trật tự trên khu vực biên giới. Anh Phùn Quốc Việt (thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn) phấn khởi cho biết: "Xóm Họ Đặng bây giờ thay đổi lắm, cơ sở vật chất của xóm được xây dựng đồng bộ từ điện, đường, trường học. Trẻ em được đến trường học chữ. Giờ đây, chúng tôi luôn nỗ lực phát triển kinh tế, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước nữa. Đời sống của người dân ổn định hơn trước nhiều rồi".

Cồng chào vào xóm Họ Đặng (thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái).

Chung sức xây dựng bản văn hóa

Không riêng bản Bắc Cương (huyện Bình Liêu), hay xóm Họ Đặng, xã Hải Sơn (TP Móng Cái), việc xây dựng các bản làng văn hóa ở khu vực vùng biên luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng - an ninh ở địa phương. Tuy nhiên, do đặc thù về địa lý, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều làng, bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ. Trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào còn thấp, cùng với việc ở một số làng, bản chưa khắc phục được các hủ tục lạc hậu.

Ngày 9/3/2018, Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 11-NQ/TU "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững"; Quyết định số 931-QĐ/TU phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Trong đó, chỉ rõ nhiệm vụ lực lượng vũ trang làm nòng cốt, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương xây dựng “Làng, bản văn hóa gắn với nhiệm vụ quốc phòng” trên địa bàn đặc biệt khó khăn trong khu vực phòng thủ tỉnh. Đề án được xác định là mô hình mới, việc làm mới của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nói chung và lực lượng vũ trang tỉnh nói riêng, trong quá trình tổ chức thực hiện, vừa làm, vừa bổ sung hoàn chỉnh để rút kinh nghiệm.

Tiểu đội dân quân thường trực xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu) hướng dẫn đồng bào dân tộc ăn, ở hợp vệ sinh.

Đề án được thực hiện gắn với đẩy mạnh các phong trào: “Xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đến nay, Đề án đã và đang được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm tại các xã, phường biên giới: Hải Sơn, Bắc Sơn, Hải Yên, Trần Phú, Hải Hòa (TP Móng Cái); Hoành Mô, Đồng Văn, Lục Hồn, Đồng Tâm, Vô Ngại (huyện Bình Liêu); Quảng Sơn, Quảng Đức (huyện Hải Hà)….

Tại các địa phương, việc xây dựng môi trường văn hóa được đưa vào các tiêu chí công nhận các danh hiệu thi đua xây dựng gia đình văn hóa, làng, khu phố văn hóa, nếp sống văn minh trong cưới, tang, lễ hội và nội dung của hương ước, quy ước. Các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang tuyên truyền, vận động, chung sức cùng nhân dân xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh đã vận động nhân dân hiến trên 14.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn; làm mới 13,9km đường bê tông; nâng cấp 7,25km đường cấp phối; phát quang 19,2km đường liên xóm; tu sửa, hỗ trợ xây 9 nhà ở cho các đối tượng chính sách, hộ gia đình khó khăn.

Cùng với đó, tỉnh đầu tư xây dựng nhiều công trình, hạng mục quan trọng, góp phần giúp các xã, thôn bản khó khăn như: Cải tạo 1 đập chứa nước; xây mới 10 bể chứa nước; sửa chữa gần 5km đường ống dẫn nước về xóm, bản, bảo đảm nguồn nước sản xuất và nước sạch sinh hoạt cho nhân dân; xây mới 346 nhà vệ sinh; di dời 318 chuồng trại gia súc, gia cầm ra khỏi gầm nhà sàn của các hộ gia đình... Từ đó, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp ở các thôn, bản, xây dựng khu vực biên giới ổn định bền vững.

Xây dựng bản, làng văn hóa ở khu vực vùng biên không chỉ góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức cộng đồng, mà còn tạo động lực cho nhân dân thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế; đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đơn vị; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc.

Trúc Linh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201909/ban-lang-van-hoa-vung-bien-2452909/