Bản Lầu - Đi lên từ 'Bốn không'

Nhớ lại thời điểm những năm 1990 của thế kỷ trước, khu vực biên giới xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai vẫn bị coi là xã '4 không', là 'vùng đất trắng'. 'Trắng' bởi đây là vùng đất không chỉ khó khăn về phát triển kinh tế, bom mìn còn sót lại nhiều sau chiến tranh, mà còn bị các đối tượng xấu thường lợi dụng địa hình giáp biên, để thực hiện các hành vi phạm pháp như buôn lậu, mua bán người, gây mất ổn định khu vực biên giới. Nhưng hôm nay, Bản Lầu đang là điểm sáng trong việc phát triển kinh tế-xã hội trên vùng biên giới Tây Bắc của Tổ quốc.

Vươn lên từ nghèo khó

Con đường từ quốc lộ 40 rẽ vào Đồn BP Bản Lầu giờ đã được trải nhựa phẳng lỳ. Đưa tôi đến thăm bà con các dân tộc của thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, Thượng tá Bùi Thế Nghi, Đồn trưởng Đồn BP Bản Lầu cho biết, xã Bản Lầu có diện tích tự nhiên 5.711ha, có đường biên giới Việt - Trung dài 13,5km. Toàn xã có 1.432 hộ với 6.140 khẩu, gồm 14 dân tộc anh em sinh sống, trong đó, dân tộc Mông chiếm 29,5%.

Những năm 90 của thế kỷ trước, bà con các dân tộc ở đây chủ yếu trồng cây ngô, cây sắn truyền thống. Chính vì vậy, đời sống của nhân dân trong xã còn nghèo nàn. Trong khi đó, bên phía Trung Quốc, người dân nước họ canh tác những đồi dứa, chuối xanh tốt, mang lại lợi ích kinh tế cao. Câu hỏi đặt ra đối với cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Bản Lầu và chính quyền địa phương là tại sao hai bên chỉ cách nhau có một con suối nhỏ, nhưng đời sống nhân dân lại có sự chênh lệch lớn như vậy?

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Bản Lầu bám dân, bám địa bàn xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Ảnh: H.A

Sau những tháng ngày trăn trở, cấp ủy, chỉ huy Đồn BP Bản Lầu chủ động phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng dứa, chuối theo hướng hàng hóa; đồng thời, tổ chức cho bà con đi tham quan các mô hình trồng chuối, dứa ở một số địa phương đem lại hiệu quả kinh tế cao, để về áp dụng vào vùng đất Bản Lầu.

Thời kỳ đầu, bà con các dân tộc trong xã Bản Lầu còn e ngại và chưa tin vào tiềm năng làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Song, với sự vào cuộc quyết liệt, cán bộ Biên phòng đã trực tiếp hướng dẫn nhân dân kỹ thuật canh tác, lao động sản xuất và phối hợp với các ngành tìm đầu ra cho sản phẩm... Dần dần, bà con thấy kỹ thuật canh tác cây dứa, chuối, chè, cao su hàng hóa đạt hiệu quả cao nên đã tin tưởng và yên tâm đầu tư vào sản xuất.

Mấy năm trở lại đây, bức tranh kinh tế của xã Bản Lầu đã có nhiều khởi sắc. Tính đến nay, diện tích trồng dứa của xã lên tới trên 726ha, chuối 430ha, chè thương phẩm 231ha, cao su 204ha, ngô 400ha, lúa giống mới 144ha... trở thành vùng trồng dứa, chuối, cao su, chè rộng nhất tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2013, sản lượng dứa thu 12.500 tấn, đạt 56 tỷ đồng; chuối 3.500 tấn, thu trên 15 tỷ đồng; thu nhập bình quân 18,2 triệu đồng/người/năm (tăng 6 triệu đồng so với năm 2011).

Toàn xã hiện có 619 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, điển hình như gia đình ông Thào Dìn, dân tộc Mông, thôn Cốc Phương với mô hình trồng dứa, chuối, thu nhập bình quân 250-300 triệu đồng/năm; gia đình ông Hoàng Huy Hùng, dân tộc Giáy, thôn Na Mạ 1, với mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng thu nhập bình quân từ 100-200 triệu đồng/năm... Tỷ lệ hộ nghèo của xã Bản Lầu đến nay chỉ còn 8,5%. Người Mông ở xã Bản Lầu đã có nhiều hộ mua được ô tô, xe máy và nhiều tiện nghi đắt tiền trong nhà.

Song song với việc giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở khu vực biên giới, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Bản Lầu còn phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương tổ chức thành công lớp xóa mù cho 14 học sinh thôn Cốc Lầy; tuyên truyền cho bà con xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Với hàng ngàn ngày công lao động, các chiến sĩ đã giúp nhân dân trong thôn xây dựng 19 nhà vệ sinh, mở 1 điểm trường mẫu giáo, mua tặng nhà sinh hoạt văn hóa thôn 1 tivi và 1 đầu thu trị giá 5 triệu đồng.

Quân y của Đồn BP Bản Lầu còn phối hợp với y tế xã tổ chức tiêm chủng, cấp phát thuốc miễn phí và tuyên truyền người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Đặc biệt, thực hiện phong trào "BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới", cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Bản Lầu đã vận động được 104 hộ tự nguyện hiến 32.675ha đất để làm đường giao thông và xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Đến nay, xã đã đạt 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2015, xã đạt chuẩn nông thôn mới.

"Chiếc nôi" của tình hữu nghị

Lâu nay, ít ai biết được rằng, mô hình "kết nghĩa đồn, trạm hữu nghị, chung tay xây dựng biên giới bình yên" giữa BĐBP Việt Nam với các lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc, lại xuất phát từ Đồn BP Bản Lầu và người "khởi xướng" chính là Thượng tá Trần Quốc Khải, nguyên Đồn trưởng Đồn BP Bản Lầu (hiện nay là Đồn trưởng Đồn BP Mường Khương).

Còn nhớ, những năm đầu của thế kỷ 21, các đơn vị BĐBP trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc chỉ tổ chức tuần tra đơn phương, mọi hoạt động liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia với phía bạn đều phải thông qua Công hàm ngoại giao để trao đổi giữa hai Chính phủ.

Đặc biệt, trong công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, nếu kẻ phạm tội vượt biên giới sang nước bạn ẩn náu là không thể truy bắt được; nhân dân hai bên biên giới không được giao thương, thăm hỏi lẫn nhau... Chính những vấn đề trên đã trở thành rào cản vô hình trong công tác đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân.

Để tháo gỡ những khó khăn trong công tác biên phòng, sau nhiều ngày đêm miệt mài nghiên cứu, tìm tòi các văn bản quy phạm pháp luật và với cách làm sáng tạo, đầu năm 2005, Thượng tá Trần Quốc Khải đã bàn bạc, thống nhất với cấp ủy, chỉ huy Đồn BP Bản Lầu sang đặt vấn đề với Chi đội Công an Biên phòng châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tổ chức xây dựng kế hoạch phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới, đồng thời báo cáo Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai xin ý kiến chỉ đạo.

Được sự nhất trí của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Bản Lầu nhanh chóng bắt tay vào xây dựng, thiết lập mối quan hệ tuần tra song phương với các lực lượng bảo vệ biên giới của Trung Quốc bằng những nội dung cụ thể, thiết thực.

Kể từ năm 2005 đến nay, thông qua các buổi tuần tra song phương giữa Đồn BP Bản Lầu với Chi đội Công an Biên phòng châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, lực lượng bảo vệ biên giới hai nước đã hiểu nhau hơn, xây dựng được lòng tin, tạo dựng tình cảm để cùng thực thi nhiệm vụ và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.

Các hoạt động tiếp xúc xã giao nhân các ngày, lễ, Tết được duy trì thường xuyên; nhân dân hai bên biên giới được tuyên truyền, giáo dục, chấp hành nghiêm các hiệp định, quy chế biên giới; tuần tra song phương được diễn ra chặt chẽ, hiệu quả; thường xuyên trao đổi thông tin và hỗ trợ nhau trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, nhất là xử lý tốt các vụ việc xảy ra trên biên giới, không để nảy sinh tình hình phức tạp.

Đặc biệt, Đồn BP Bản Lầu và Chi đội Công an Biên phòng châu Hồng Hà đã tham mưu cho chính quyền địa phương hai bên tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thôn, bản cụm dân cư hai bên biên giới kết nghĩa với nhau. Ngày 17-8-2013, lễ kết nghĩa giữa thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tổ Tam Bình Bá, thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), diễn ra trang trọng, đoàn kết, trước sự chứng kiến của chính quyền hai xã và BĐBP Lào Cai.

Đây cũng là hai thôn đầu tiên trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc tổ chức kết nghĩa, đỡ đầu, giúp nhau phát triển kinh tế. Sau khi kết nghĩa, hai bên đã phối hợp với nhau trong các hoạt động bảo vệ biên giới, thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa các dân tộc của hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Nói về ý nghĩa của công tác đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị của BĐBP Lào Cai, Đại tá Lương Văn Sơn, Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết, trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 11/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng lực lượng BĐBP trong tình hình mới, BĐBP Lào Cai nói chung và Đồn BP Bản Lầu nói riêng đã đẩy mạnh công tác đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân, xây dựng biên giới Việt - Trung hòa bình, hữu nghị, ổn định cùng phát triển.

Lực lượng Biên phòng hai nước thường xuyên phối hợp với nhau thi hành các điều ước quốc tế, các hiệp ước, các hiệp định, đấu tranh chống các loại tội phạm, ngăn chặn mọi hành động làm phương hại đến quan hệ biên giới giữa hai nước và xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ...

Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân vùng biên giới, tăng cường đoàn kết dân tộc, thực hiện các chủ trương và chương trình kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước, tích cực xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên vùng biên giới.

Với sự tác động tích cực của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, xã Bản Lầu đang từng ngày thay da đổi thịt, tiến gần tới 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Nhưng điều quan trọng nhất khi về thăm Bản Lầu là "không khí" bình yên nơi vùng biên một thời từng nghèo khó này.

Trần Hoàng Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ban-lau-di-len-tu-bon-khong/