Bán lẻ Việt giữ vững thị trường nội địa

Không nên lo doanh nghiệp bán lẻ ngoại chiếm lĩnh thị trường nội. Lý do, bán lẻ Việt Nam thời gian qua phát triển rất tốt. Đó là ý kiến của các chuyên gia nêu ra tại hội thảo 'Tương lai của bán lẻ Việt Nam' diễn ra ngày 28/2.

Doanh nghiệp bán lẻ nội – ngoại đang cạnh tranh gay gắt.

Bán lẻ cạnh tranh về mọi mặt

Nhận định về thị trường bán lẻ, các chuyên gia trong ngành cho rằng, nhiều điều kiện giúp bán lẻ phát triển hơn. Đơn cử, thị trường bán lẻ Việt Nam đang có những kết quả phát triển khả quan với GDP tăng trưởng ổn định mức 5% trong 10 năm qua, cao nhất trong khu vực các nước Asean. Chưa hết, doanh thu bán lẻ Việt Nam dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép lên đến 11,9% tới thời điểm 2020, cao gần gấp 3 lần so với nước đứng vị trí tiếp theo tại Đông Nam Á. Tất cả thông tin trên cho thấy, không gian bán lẻ hiện đại còn rất nhiều. Đây là mảnh đất tiềm năng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo bà Rebecca Pearson – Phó Giám đốc CBRE Việt Nam, năm 2018 Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về niềm tin người tiêu dùng khi ngành bán lẻ phát triển mạnh. Nhiều thương hiệu Việt Nam vươn ra thế giới, đáng chú ý là bán lẻ hàng điện tử, dịch vụ giao nhận. Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển thị trường bán lẻ.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho rằng: “15 năm trước không ai có thể định hình được bán lẻ Việt Nam phát triển như thế nào. Không hình dung được bán lẻ có thể phát triển như ngày hôm nay, luôn tăng trưởng ở hai con số. Sắp tới bán lẻ Việt Nam hết sức tươi sáng”. Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam đã dẫn chứng về điều kiện thuận lợi hỗ trợ ngành này phát triển thời gian qua. Cụ thể, GDP cả nước tăng cao cùng với dân số hơn 90 triệu người, trong khi đó đông đảo người tiêu dùng trẻ, đô thị hóa lại tăng nhanh. Ngoài ra, tỷ lệ bán lẻ hiện đang ở mức thấp, chưa đến 30%. Đây chính là lý do thời gian qua thị trường bán lẻ Việt Nam ghi nhận sự có mặt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo đó, Việt Nam đang thu hút một lượng lớn nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ. Các nhà bán lẻ ngoại đua nhau xây dựng các trung tâm thương mại tại Việt Nam, như: Big C, Lotte, Aeon, MM Mega Market, Auchan,… Ghi nhận, hàng loạt cửa hàng tiện lợi của doanh nghiệp nước ngoài cũng mọc lên như “nấm sau mưa”. Để giành thị phần bán lẻ, doanh nghiệp trong nước nỗ lực phủ sóng thị trường với các tên tuổi nổi tiếng, Sài Gòn Co.op, Vinmart, Satra, Bách hóa xanh,… “Mạng lưới bán lẻ hiện đại đang cạnh tranh gay gắt về giá trị, thương hiệu, quản trị doanh nghiệp” - bà Đinh Thị Mỹ Loan nhận xét.

Giữ thị trường bằng chất lượng và lòng tin

Trước sự phát triển chóng mặt của thị trường bán lẻ, đặc biệt là sự có mặt của các nhà đầu tư ngoại, nhiều quan điểm bày tỏ lo ngại, nguy cơ thị trường này bị chiếm lĩnh. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế phát triển, ông Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) khẳng định: “Với thị trường bán lẻ, chưa chắc cá lớn nuốt cá bé, có thể cá bé sẽ rỉa cá lớn”.

Lý giải về điều kiện tốt cho hoạt động cạnh tranh, ông Long nhấn mạnh, doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài rất nhiều, song bán lẻ nội cũng đông đảo không kém, gồm 800 trung tâm thương mại, 9.000 chợ, 2,2 triệu hộ bán lẻ. Đây là điều kiện tốt để bán lẻ nội cạnh tranh với bán lẻ ngoại. “Đừng lo bán lẻ bị doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh. Nội ngoại có thể bắt tay hợp tác với nhau. Điều cần thiết phải để ý là làm sao đó giữ thị trường, giữ người tiêu dùng tốt nhất” - bà Rebecca Pearson – Phó Giám đốc CBRE Việt Nam nêu quan điểm.

Theo các chuyên gia trong ngành, các chuỗi siêu thị của Việt Nam cạnh tranh tốt vì không hoàn toàn trở thành bản sao chép các chuỗi lớn trên thế giới. Bán lẻ Việt Nam có sáng tạo và sự khác biệt;hiểu rõ văn hóa Việt cùng với phong cách tiêu dùng Việt. “Khó khăn về tài chính cộng với thương hiệu nhưng những năm qua bán lẻ nội đã hết sức cố gắng phát triển. Điều quan trọng nhất, yếu tố hiểu văn hóa tiêu dùng Việt giúp bán lẻ nội địa thắng thế.

Thế nhưng để thành công và chiếm lĩnh thị trường bán lẻ hiện đại, doanh nghiệp cần bỏ bớt khẩu hiệu “khách hàng là thượng đế” mà cần tìm hiểu rõ nhu cầu khách hành nhiều hơn” - bà Loan nhấn mạnh. Không ít ý kiến cho rằng, kinh tế thị trường bắt buộc phải cạnh tranh, thậm chí cạnh tranh gay gắt. Vì vậy, doanh nghiệp phải nắm bắt rõ thị hiếu người tiêu dùng. Doanh nghiệp phải cung cấp sản phẩm người tiêu dùng cần, thay vì sản phẩm doanh nghiệp có. Song song đó, phải chú ý xây dựng niềm tiên tin dùng bằng sản phẩm chất lượng, an toàn. Nói về xu thế bán lẻ sắp tới, các chuyên gia dự báo, phát triển bán lẻ theo chuỗi sẽ trở thành xu thế tất yếu trong thời gian tới. Mô hình này hứa hẹn mang tới những chuẩn mực văn minh tiêu dùng tại thị trường Việt Nam. Ở đó bao gồm sự cộng hưởng của mua sắm, tham quan, vui chơi, trải nghiệm,… Trong đó, trải nghiệm của khách hàng ảnh hưởng lớn đến bán lẻ trong tương lai.

Thanh Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/ban-le-viet-giu-vung-thi-truong-noi-dia-tintuc430800