Bản lĩnh người lính cứu nạn trên biển

Không đắn đo, suy nghĩ, nhìn thấy người chới với dưới nước là bơi ra đưa vào bờ. Thậm chí nhường cả áo phao cho người bị nạn, còn bản thân thì đánh vật với sóng dữ để cứu người khác. Đó là tinh thần quả cảm của những chàng lính trẻ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) làm công tác cứu nạn, cứu hộ trên các bãi biển.

Cán bộ, chiến sĩ tổ cứu nạn, cứu hộ Phòng Cảnh sát PCCC số 2 thường trực trên biển Hải Hòa (Tĩnh Gia) nhắc nhở du khách tắm biển an toàn.

Giành giật sinh mạng từ tay thủy thần

Như mọi ngày, khoảng 17h30 phút ngày 11-7-2018, Trung sĩ Trần Thế Hùng, sinh năm 1996, quê ở xã Phú Sơn, huyện Tĩnh Gia và các cán bộ, chiến sĩ tổ cứu nạn, cứu hộ Phòng Cảnh sát PCCC số 2 thuộc Cảnh sát PCCC tỉnh đi tuần tra trên bờ biển xã Hải Hòa (Tĩnh Gia) thì thấy nhóm thanh niên cả nam và nữ đang chới với dưới nước. Không kịp gọi thêm đồng đội, Hùng bơi ngay ra chỗ 4 người đang dần đuối nước. Thấy Hùng lại gần, các nạn nhân vội túm lấy Hùng. Để cả nhóm không bị đuối nước, Hùng tìm cách tách 2 nạn nhân thành một cặp, cởi áo phao đang mặc trên người đưa cho họ bám vào, còn bản thân túm được 2 người đẩy dần vào bờ trao lại cho các đồng nghiệp đến tiếp viện, sau đó bơi tiếp ra cứu 2 người còn lại. Gần vào bờ thì Hùng cũng dần bị đuối sức. May mắn là các đồng nghiệp cùng người dân đã đưa Hùng và các nạn nhân vào viện cấp cứu kịp thời.

Gặp Hùng trong phòng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa huyện Tĩnh Gia khi Hùng đã dần hồi phục sức khỏe. Trong cơn đau cơ co thắt, Hùng nói ngắt quãng: “Thời điểm đấy, em chỉ nghĩ đến chuyện cứu người thôi, chứ không nghĩ rằng mình sẽ gặp nguy hiểm”.

Lòng dũng cảm, sẵn sàng xả thân cứu người khi bị nạn, không cần đắn đo suy nghĩ của Hùng cũng giống như bao người lính trẻ cảnh sát PCCC khi gắn bó với nghề cứu nạn, cứu hộ trên biển.

Cùng các cán bộ, chiến sĩ tổ cứu nạn, cứu hộ, Phòng Cảnh sát PCCC số 4 thường trực trên bãi biển Sầm Sơn chúng tôi mới cảm nhận hết những gian truân, vất vả từ nghề.

- “Để bảo đảm an toàn cho hàng triệu lượt khách từ mọi miền đất nước, bắt đầu từ 5h30 hằng ngày, chúng em phải có mặt trên bãi biển, phân công nhau ca trực, địa phận phụ trách, thường xuyên “phơi mình” dưới cái nắng rát bỏng, hoặc ngâm trong nước để quan sát và sẵn sàng cứu nạn khi có người đuối nước. Có những ngày cao điểm, du khách đông nghẹt bãi tắm, nhắc nhở du khách không xuể, em phải thường trực dưới nước từ sáng sớm đến trưa, thấy du khách có nguy cơ đuối là bơi ra cứu kịp thời. Có buổi em cứu được 15 người đưa lên bờ” - Thiếu úy Hà Xuân Thông, chia sẻ.

- “Làm nghề giành giật sinh mạng từ tay tử thần như vậy nhưng có nhiều du khách không hiểu đâu chị ạ. Nhắc nhở họ chỗ nguy hiểm không được tắm, hay hết giờ tắm biển nhưng họ vẫn cứ lao ra, thậm chí có người còn văng tục, mắng chửi, dọa đánh nữa... nhưng vì cái tâm của nghề đành nén giận để cứu họ đã, còn phải trái thì tính sau. Khó khăn nhất của các em khi cứu nạn đó là tầm quan sát. Vào những dịp lễ, tết, bãi biển Sầm Sơn đông nghịt du khách, trong khi đó lực lượng thì mỏng, phương tiện cứu nạn ít, không thể phát hiện được tất cả các vụ đuối nước nên vẫn có những trường hợp tắm ngoài xa bị cuốn vào vùng nước xoáy mất tích. Công việc tìm kiếm người mất tích cũng gian truân trăm bề. Đơn vị phải huy động toàn bộ lực lượng, phối hợp cùng với Hội Chữ thập đỏ TP Sầm Sơn và người nhà rà cả đêm trên biển, đến khi nào tìm thấy người mới thôi” - Thượng sĩ Hồ Văn Chung cho biết thêm.

Trò chuyện với chúng tôi nhưng các em vẫn không quên nhiệm vụ, mắt luôn dõi xuống biển, quan sát để phán đoán các tình huống có thể xảy ra với du khách, thỉnh thoảng các em lại đứng dậy thổi còi, nhắc nhở du khách không được ra xa tắm. Qua quan sát công việc của các em, tôi thiết nghĩ vẫn biết xã hội phân công mỗi người một nghề, nhưng không phải ai cũng có đủ bản lĩnh, sự dũng cảm để lựa chọn nghề cứu nạn, cứu hộ, bởi đối với nghề này thường xuyên phải đối mặt gian nguy, thử thách từ lửa, từ nước, đất đá, hang sâu, vực thẳm, các công trình cao tầng nhằm giữ lại cuộc sống cho một hoặc nhiều nạn nhân, nếu không mưu trí, dũng cảm, có kỹ năng thì họ có thể bị đánh đổi mạng sống của mình cho người bị nạn. Gian khổ là vậy nhưng các em vẫn vượt qua tất cả để góp phần bảo đảm an toàn cho du khách khi vui chơi, tắm biển.

Trăn trở với nghề

Đem những gian truân của các chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ trên biển trao đổi với Thượng tá Phạm Văn Bằng, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 và Trung tá Lê Xuân Cơ, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 4 thuộc Cảnh sát PCCC tỉnh, các anh không giấu nổi niềm tự hào khi nói về các chiến sĩ của mình, song cũng bày tỏ những băn khoăn, trăn trở với nghề: Nghề cứu nạn, cứu hộ biển không đơn thuần chỉ là biết bơi mà phải bơi giỏi, biết xử trí tình huống tốt, thành thạo sơ cấp cứu ban đầu và quan trọng phải có đam mê, nếu không đam mê với nghề thì rất khó gắn bó với nghề. Hằng ngày, các chiến sĩ phải chia ca trực từ sáng cho đến tối, mỗi buổi sáng phải đi kiểm tra con nước lên, xuống, quan sát xem chỗ nào nguy hiểm để cảnh báo cho du khách. Khi hàng ngàn người vui chơi, tắm biển thì tổ cứu nạn, cứu hộ phải căng mắt quan sát để phát hiện những trường hợp đuối nước, cứu vớt kịp thời. Trong khi đó, tại bãi biển Hải Hòa (Tĩnh Gia) tổ cứu nạn, cứu hộ chỉ có 8 người với một mô tô nước; tổ cứu nạn, cứu hộ tại bãi biển Sầm Sơn có 20 người, 2 mô tô nước, nhân lực như vậy so với số lượng du khách tắm vào những ngày cao điểm thì không thấm vào đâu. Các chiến sĩ làm công tác cứu nạn, cứu hộ đa phần còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong nghề, họ lại phải làm việc dưới cái nắng nóng bỏng rát, môi trường làm việc nguy hiểm, nhưng chế độ, chính sách ưu tiên đặc thù, bồi dưỡng khi làm việc tăng giờ, ngoài giờ không có. Ngoài ra, phương tiện cứu nạn, cứu hộ cũng thiếu, các chiến sĩ phải sử dụng sức người là chính. Hơn nữa, có một thực tế hiện nay là để huấn luyện chuyên sâu cho một cán bộ, chiến sĩ biết bơi, lặn giỏi mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng lực lượng cứu nạn, cứu hộ bờ biển của tỉnh hiện nay chủ yếu là các chiến sĩ nghĩa vụ 3 năm. Qua thời gian tôi luyện, làm nghề họ đã rèn luyện được sức khỏe, bản lĩnh, sự can trường, trí thông minh, khả năng phán đoán tình huống nhanh và quan trọng là bơi giỏi thì họ lại hết thời gian nghĩa vụ, ra quân. Vì vậy, lại mất công đào tạo người khác, nên chăng ngành cần có cơ chế cho những người lính “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” để họ yên tâm phục vụ nghề.

Qua tâm sự của các anh, tôi nhớ lại lời của Đại tá Lê Văn Cửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh khi trực tiếp đi chỉ đạo vụ đuối nước tập thể tại bãi biển Hải Hòa (Tĩnh Gia) vào tháng 7-2018, nói về Trung sĩ Trần Thế Hùng khi em quên bản thân để cứu người bị đuối nước: Nếu những tấm gương như Hùng mà được ở lại phục vụ lâu dài trong nghề, tôi nghĩ rằng đồng chí ấy sẽ cống hiến hết mình với công việc và còn là tấm gương sáng để các chiến sĩ noi theo. Thực tế, đã có nhiều chiến sĩ trong thời gian nghĩa vụ hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được phân công, họ còn có những năng khiếu bẩm sinh trong việc phán đoán tình huống để cứu người bị nạn, hay tìm nạn nhân bị mất tích nhưng khi hết nghĩa vụ họ phải ra quân là một điều đáng tiếc cho lực lượng cảnh sát PCCC.

Để bảo đảm an toàn cho du khách tắm biển trong mùa du lịch, tháng 5 năm 2015 Cảnh sát PCCC tỉnh thành lập 3 tổ cứu nạn, cứu hộ thường trực trên 3 bãi biển: Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (Tĩnh Gia) với 40 cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua 3 năm thành lập đến nay các tổ đã cứu được 525 người bị đuối nước trên biển, tìm kiếm được 26 nạn nhân bị mất tích.

Bài và ảnh: Tô Dung

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/0tl536/new-article.aspx