Bản lĩnh những người vợ xa chồng

Thời bình, những người vợ bộ đội vẫn đằng đẵng chờ chồng. Giữa sự ồn ào, tấp nập của cuộc sống, họ một mình lặng lẽ lo chuyện 'cơm áo gạo tiền', vừa làm mẹ, vừa làm cha song vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, dù ở lĩnh vực nào cũng hoàn thành tốt công việc mà mình gánh vác.

“Khu thu nhập thấp” (khu quy hoạch đất ở cấp cho cán bộ, công chức, viên chức, LLVT và người có thu nhập thấp chưa có nhà ở theo Quyết định số 21/2012/QĐ-UBND ngày 5-10-2012 của UBND tỉnh Gia Lai) nằm ở tổ 5, đường Âu Cơ, phường Thắng Lợi, TP Pleiku vẫn thường được gọi vui là “xóm vắng chồng”. Bởi ở đây có rất nhiều hộ gia đình mà người chồng-người cha-trụ cột gia đình là bộ đội thường xuyên vắng nhà, mọi công việc lớn nhỏ đều do một tay người phụ nữ quán xuyến.

Sáng nào cũng vậy, đúng 4 giờ 30 phút, chị Hoàng Thị Kiều Oanh, ở Lô 99B lại tất bật giặt giũ quần áo, chuẩn bị đồ ăn sáng cho các con. Chị là giáo viên dạy môn Âm nhạc tại Trường THCS và THPT Kpă Klơng (trường liên cấp), huyện Mang Yang, cách nhà 50km; chồng chị là Trung úy QNCN Hoàng Đăng Nghĩa, Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng 729 đóng ở huyện Chư Prông. Do đặc thù công việc, khoảng 2-3 tháng anh mới về thăm nhà một lần. Vì thế, mọi việc trong nhà đều do chị Oanh lo liệu. Không ai giúp đưa đón hai con đi học để kịp giờ làm nên lúc trời còn tờ mờ sáng, chị phải chở hai bé đến gửi nhà người quen gần trường học và không quên dặn con ôn bài, tới giờ học tự vào lớp rồi vội vã đi làm. Chiều tan tầm, chị lại vội vàng chạy về để kịp giờ đón con, ghé qua chợ mua thức ăn cho bữa cơm chiều. Cứ thế, hơn 10 năm nay, chị một mình gánh vác trọng trách gia đình để chồng yên tâm công tác. Đồng lương giáo viên ít ỏi, để kiếm thêm thu nhập, chị nhận quần áo về may. Buổi tối, khi con ngủ say, soạn giáo án xong chị mới tranh thủ may quần áo cho khách. Bận rộn, vất vả là thế nhưng chưa bao giờ chị kêu ca, phàn nàn mà luôn cảm thấy hạnh phúc.

 Chị Hoàng Thị Kiều Oanh và con gái. Ảnh: PHƯƠNG THÚY.

Chị Hoàng Thị Kiều Oanh và con gái. Ảnh: PHƯƠNG THÚY.

Chị Oanh cho biết: “Làm vợ bộ đội nhiều lúc cũng thấy buồn và tủi thân, nhất là khi con cái ốm đau không có người san sẻ. Tuy nhiên, mỗi lần lên thăm chồng nơi biên giới mới biết những khó khăn của mình chẳng thấm vào đâu so với công việc anh ấy đang làm. Mình ở nhà vất vả nhưng còn có con cái bên cạnh, chỉ thương chồng thiếu thốn tình cảm gia đình”. Sống xa nhau, những lần anh về chỉ đếm trên đầu ngón tay, song điều đó không làm vơi bớt tình cảm chị dành cho chồng. Chính tình yêu ấy đã giúp chị quên đi biết bao vất vả, nhọc nhằn để nuôi dạy con cái chu đáo, làm tròn bổn phận với cha mẹ nội, ngoại hai bên. Việc gia đình, việc xã hội chị luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc, nhiều năm liền đạt danh hiệu “Phụ nữ hai giỏi”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, là một trong những giáo viên dạy giỏi của nhà trường.

Làm vợ bộ đội biên phòng đã 9 năm, cũng là chừng ấy thời gian chị Trịnh Thị Phượng, ở Lô 70D, vợ Đại úy Phan Văn Hùng, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (Đức Cơ, Gia Lai) một mình tần tảo, khuya sớm chăm sóc, nuôi dạy con thơ để chồng yên tâm làm nhiệm vụ. Chị chia sẻ: “Đã xác định lấy chồng bộ đội là rất vất vả, những lúc khó khăn, hoạn nạn, con cái ốm đau phải một mình gánh vác. Dù mạnh mẽ đến đâu người phụ nữ cũng không thể tránh khỏi những phút chạnh lòng, yếu đuối, dẫu vậy mình đều cố gắng vượt qua”. Được biết, vợ chồng chị quen và yêu nhau từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hồng Đức (Thanh Hóa), chị về dạy môn Địa lý tại Trường THPT Yên Định III, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa (quê của hai vợ chồng), còn anh vào Gia Lai nhận nhiệm vụ sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng. Lúc này, khoảng cách địa lý cũng không làm vơi đi tình cảm gắn bó giữa hai người, sau 6 năm yêu xa với nhiều thử thách, cuối cùng anh chị cũng về chung một nhà. Để được gần nhau, chị đành gác lại đam mê đứng trên bục giảng theo chồng vào Gia Lai sinh sống. Chị nhớ lại: “Hồi mới theo anh vào, mọi thứ ở đây đối với tôi rất lạ lẫm, cứ nghĩ rằng khó có thể thích nghi được. Tiếng là vào sống để được gần chồng nhưng anh công tác cách nhà cả trăm ki-lô-mét, khoảng hai tháng mới được về một lần. Em có bầu, sức khỏe lại yếu nên không đi làm được. Hằng ngày chỉ quanh quẩn ở nhà, hết ra lại vào, có bầu nhưng mỗi lúc ốm đau đều phải tự mình làm mọi việc. Được cái tuy không ở gần song ngày nào anh cũng gọi điện quan tâm, động viên vợ, mỗi lần được về là giành làm hết việc nhà, nấu đủ món tẩm bổ cho vợ. Nhờ vậy, em cũng đỡ tủi thân và dần quen với cuộc sống mới”. Hai đứa con lần lượt chào đời, chồng thì vẫn xa nhà triền miên, một mình chị xoay xở mọi thứ. Những lần con ốm nhập viện, chị không dám cho chồng biết vì sợ anh lo lắng, ảnh hưởng đến công việc. Chị một mình thức đêm trông con, dỗ dành lúc con quấy khóc đòi bố, nhiều lúc tưởng như kiệt sức, thế rồi chị cũng vượt qua được. Hiện giờ, con gái út của anh chị đã đi mẫu giáo, đứa lớn chuẩn bị vào lớp 3, còn chị đang làm nhân viên kinh doanh cho một công ty thực phẩm gần nhà. Cuộc sống vất vả, thiếu bàn tay người đàn ông, chị luôn cố gắng làm tốt việc công ty lẫn việc gia đình, nuôi dạy con chu đáo để chồng yên tâm làm nhiệm vụ.

Cùng hoàn cảnh, chị Phan Thị Thảo, ở Lô 102B, công nhân vệ sinh môi trường, có chồng là bộ đội đang công tác tại Tiểu đoàn 30, Cục Kỹ thuật Quân đoàn 3. Quê chị ở Quảng Nam, vào Gia Lai lập nghiệp rồi quen và lấy chồng. Ở nơi đất khách quê người, không bà con thân thích, chồng thường xuyên vắng nhà, công việc công nhân vệ sinh môi trường vất vả, độc hại, các con còn nhỏ hay đau ốm... song người phụ nữ ấy luôn làm người khác phải nể phục bởi sự mạnh mẽ, đảm đang, tháo vát. Hơn 10 năm gắn bó với công việc làm sạch, làm đẹp thành phố, năm nào chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 4 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Chị kể, sau giờ làm, về đến nhà lại tất bật lo cho con cái ăn uống, học hành, tăng gia sản xuất. Có lẽ thương mẹ vất vả nên cậu con trai đầu của chị rất ngoan ngoãn, học giỏi, mới 8 tuổi đã biết phụ mẹ trông em, làm việc nhà. Chồng chị cũng hiểu được nỗi vất vả của vợ nên mỗi lần nghỉ phép, như để bù đắp cho vợ, anh chăm chỉ làm hết mọi việc, từ giặt giũ quần áo, quét dọn nhà cửa đến đi chợ, nấu cơm, đưa đón con đi học... Nhìn anh chăm sóc vợ con, chị cảm thấy mình là người may mắn, hạnh phúc, tự hào với bạn bè, đồng nghiệp, bà con lối xóm vì có chồng là bộ đội.

Làm vợ bộ đội thời bình, tưởng chừng cũng giống như cuộc đời làm vợ của bao người phụ nữ khác, nhưng chỉ khi được sống gần, tiếp xúc mới hiểu hết sự vất vả, thiệt thòi cũng như nghị lực phi thường của họ. Bởi những gia đình có vợ, chồng sớm tối bên nhau thì mọi khó khăn trong cuộc sống đều được san sẻ, nhưng là vợ bộ đội, ngoài trách nhiệm, thiên chức của người vợ còn phải gánh thêm vai của người chồng. Không chỉ chị Oanh, chị Phượng, chị Thảo mà còn nhiều phụ nữ là vợ bộ đội giữa thời bình. Mỗi người một hoàn cảnh, song tựu trung họ cùng là điểm tựa, hậu phương vững chắc, đầy nghĩa tình, trọn vẹn thủy chung. Sự nỗ lực, lặng thầm hy sinh của họ đã giúp biết bao cán bộ, chiến sĩ yên tâm làm nhiệm vụ, chắc tay súng bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc.

NGUYỄN PHƯƠNG THÚY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/ban-linh-nhung-nguoi-vo-xa-chong-630249