Bản lĩnh Son Heung-min tạo ra lịch sử bóng đá châu Á

Những giọt nước mắt vì suy sụp sau chấn thương của Andre Gomes đã không đánh bại được Son Heung-min, mà trở thành động lực giúp anh tạo ra vinh quang chưa từng có.

Ba ngày sau khi ôm mặt khóc nức nở trên sân Goodison Park vì cú tắc bóng khiến Andre Gomes nhập viện, Son Heung-min quay trở lại trong đội hình Tottenham tại Champions League.

Không nhiều người kỳ vọng về sự trở lại đột ngột như thế của Son. Đối với một cầu thủ được đào tạo phải tôn trọng đối thủ từ khi còn là một cậu bé, việc để đối thủ nhập viện trong tình trạng phải dùng ống thở là một trải nghiệm khó tưởng tượng.

Báo chí Hàn Quốc lẫn châu Âu đều mổ xẻ những vấn đề xung quanh phản ứng của Son sau sự cố đó. Phần lớn tin rằng ngôi sao sinh năm 1992 cần nghỉ ngơi để hồi phục tinh thần.

Song Son đã trở lại, thậm chí anh còn làm được nhiều hơn việc xỏ giày ra sân thi đấu.

Son Heung-min lập cú đúp trước Red Star Belgrade giúp Tottenham thắng 4-0.

Son Heung-min lập cú đúp trước Red Star Belgrade giúp Tottenham thắng 4-0.

Lịch sử gọi tên Son Heung-min

Cú đúp trong chiến thắng 4-0 của Tottenham trước Red Star Belgrade đưa Son vượt qua huyền thoại Cha Bum-kun để trở thành chân sút châu Á ghi nhiều bàn nhất tại đấu trường châu Âu trong lịch sử với 123 bàn.

Con số này nhiều cỡ nào? Trong 18 năm thi đấu chuyên nghiệp, Zinedine Zidane huyền thoại cũng chỉ có 117 bàn.

Dĩ nhiên so sánh tiền đạo với tiền vệ là khập khiễng, song đặt vào bối cảnh Son có bàn đầu tiên vào tháng 10/2010 khi là cầu thủ trẻ của Hamburg và phải vật lộn trong hành trình khẳng định tên tuổi tại lục địa già, con số 123 bàn của ngôi sao người Hàn Quốc ở tuổi 27 là đáng để nể phục.

Son Heung-min đã vượt qua kỷ lục của huyền thoại Cha Bum-kun.

Người Son vượt qua, Cha Bum-kun, cũng không phải nhân vật tầm thường. Đây là người đã thay đổi bộ nhận diện của cầu thủ châu Á trong mắt các đội bóng châu Âu, trực tiếp mở ra nhiều cơ hội cho những lứa cầu thủ ngày nay với sự xuất sắc trong màu áo Frankfurt (Đức).

Cha cùng Frankfurt vô địch cúp UEFA ngay mùa giải đầu tiên khoác áo vào năm 1979 và trở thành cầu thủ được trả lương cao thứ 3 nước Đức. Frankfurt của Cha Bum-kun đã đả bại Aberdeen của HLV Alex Ferguson. Huyền thoại người Hàn Quốc được Sir Alex nhận xét là “không thể ngăn cản”.

Lothar Matthaus gọi Cha Bum-kun là “cầu thủ tấn công hay nhất thế giới” sau khi Gladbach của “Tiểu hoàng đế” thất bại trước Frankfurt trong trận chung kết cúp UEFA năm 1980.

Sau khi rời Frankfurt, Cha Bum-kun còn khoác áo Bayer Leverkusen, đưa CLB này vô địch thêm cúp UEFA năm 1988 ở tuổi 35.

Sức ảnh hưởng của Cha Bum-kun khiến người Đức và Bundesliga nhìn về Hàn Quốc với nhiều thiện cảm. Họ tin tưởng nếu may mắn như Frankfurt trong quá khứ, Cha Bum-kun mới sẽ xuất hiện.

Son Heung-min có 123 bàn tại các giải đấu tại châu Âu. Ảnh: Reuters.

Làn sóng cầu thủ Hàn Quốc tới Đức và châu Âu thi đấu sau đó bùng nổ. Park Ji-sung huyền thoại, hay chính Son Heung-min hiện tại đều xuất hiện từ danh vọng mà Cha Bum-kun để lại.

Với một dân tộc coi trọng truyền thống và các giá trị lịch sử như Hàn Quốc, việc Son vượt qua Cha Bum-kun để trở thành chân sút châu Á vĩ đại nhất còn hơn cả một chiến công.

Đó là minh chứng cho những giá trị đỉnh cao tiếp nối nhau của Hàn Quốc trong bóng đá đỉnh cao, điều mà chỉ duy nhất quốc gia này làm được tại châu Âu.

Bản lĩnh của Son Heung-min

"Son đã cho thấy bản lĩnh. Tôi tự hào vì cậu ấy", HLV Mauricio Pochettino chia sẻ ngắn gọn sau chiến thắng giòn giã 4-0 của Tottenham.

Đó có thể là cảm giác chung của những người theo dõi vụ việc Son Heung-min khiến Andre Gomes chấn thương nặng cách đây 3 ngày và chứng kiến cú đúp của anh trước Red Star Belgrade.

Son đã chắp tay sau khi ăn mừng bàn thắng như để xin lỗi người đồng nghiệp vừa hoàn thành cuộc phẫu thuật và chắc chắn sẽ không thể tiếp tục thi đấu trong mùa giải này.

Son Heung-min chắp tay xin lỗi Andre Gomes sau bàn thắng đầu tiên.

Thay vì suy sụp và đến gặp bác sĩ tâm lý như nhiều người tưởng tượng, Son đã ghi bàn. Thay vì ăn mừng như để giải tỏa toàn bộ áp lực, Son đã chọn cách nghĩ tới Gomes trước. Sự khiêm tốn đúng phong cách Á Đông đó đã chinh phục hoàn toàn giới mộ điệu trên toàn thế giới.

Trang Sportbible nhấn mạnh "Thật khó để không yêu chàng trai này" và nhận được sự hưởng ứng lớn từ mạng xã hội.

Son là ngôi sao đã luôn đối mặt với những thất bại lớn từ những ngày đầu tiên trong sự nghiệp, song ở bất kỳ hoàn cảnh nào anh đều biết cách vượt lên bằng sự kiên nhẫn và chăm chỉ.

Son gia nhập đội trẻ Hamburg khi 17 tuổi, nhưng không chịu nổi áp lực nên trở về Hàn Quốc chỉ sau 1 năm. Anh mất 4 tháng để nén giận trước khi gói ghém trở lại Hamburg, vụt sáng trong màu áo lứa trẻ nhờ tài năng và sự cần mẫn để chiếm suất đá chính năm 19 tuổi và không bao giờ đánh mất vị trí trước khi chuyển đi.

Khi mới tới Tottenham với vị thế của cầu thủ châu Á đắt nhất lịch sử, Son gây thất vọng khi chỉ có 8 bàn trong mùa giải đầu tiên. Anh từng nghĩ đến chuyện trở lại Đức khi gõ cửa phòng HLV Mauricio Pochettino và đề bạt nguyện vọng được chuyển nhượng.

Son Heung-min đang là cầu thủ châu Á đắt nhất khi được định giá 72 triệu bảng.

Song sau những lời động viên của ông thầy, Son quyết định ở lại. Anh ghi thêm 66 bàn để trở thành một trong những cầu thủ hay nhất của đội bóng và công phá kỷ lục ghi bàn mọi thời đại của Cha Bum-kun.

Sau World Cup 2018, giải đấu đội tuyển Hàn Quốc bị loại ngay từ vòng bảng dù thắng ĐT Đức 2-0 ở lượt trận cuối cùng, Son bị ném trứng thối và kẹo cứng khi trở về quê nhà.

Trong văn hóa Hàn Quốc, câu thành ngữ “Đi mà ăn kẹo đi” đồng nghĩa với “Hãy cút đi cho khuất mắt”. Cùng với trứng thối và một chiếc gối in hình quốc kỳ Anh, thông điệp được các cổ động viên (dù chỉ là số ít) đưa ra khá rõ ràng: “Mày chỉ là một quả trứng thối và hãy cút về Anh đi”.

Hai tháng sau khi thất bại tại World Cup, Son chạy dọc sân Pakansari với quốc kỳ Hàn Quốc trên lưng cùng nụ cười tươi rói. Anh đã đưa Olympic Hàn Quốc giành huy chương vàng ASIAD 2018 sau khi đánh bại Olympic Nhật Bản trong trận chung kết.

Những khó khăn trong suốt sự nghiệp chỉ càng khiến Son thêm cứng rắn để vượt qua chúng. Sự rắn rỏi trong tâm lý ấy của Son được hình thành từ sự khổ luyện của những năm tháng đầu đời.

Anh không trưởng thành từ một lò đào tạo nào mà vụt biến thành ngôi sao từ sự rèn giũa của ông bố Son Woong-jung nghiêm khắc, một cựu cầu thủ phải giải nghệ vì chấn thương.

Sau những giọt nước mắt, Son luôn biết cách trở lại bằng các màn trình diễn xuất sắc trên sân cỏ.

Son từng chia sẻ trên tờ Guardian: "Ngay khi biết đi, tôi đã có thể đá vào quả bóng. Cha tôi từng bắt tôi và anh trai tâng bóng trong 4 tiếng đồng hồ. Sau 3 tiếng, tôi bắt đầu nhìn thấy 3 quả bóng, còn sàn nhà thì như màu đỏ. Tôi mệt vô cùng và ông ấy tỏ ra tức giận. Sau này, những lúc ngồi lại với nhau, chúng tôi lại mang chuyện đó ra kể. 4 tiếng đồng hồ tâng bóng không rớt đâu có đơn giản".

Mục đích của ông Woong-jung là để Son không đi vào vết xe đổ của chính mình và những cầu thủ Hàn Quốc nổi tiếng khác như Park Ji-sung hay Ki Sung-yeung, những người ham thành tích từ sớm và khiến cơ thể dần bị kiệt quệ bởi thi đấu và tập luyện cường độ cao thay vì luyện tập căn bản.

Những năm tháng khó khăn nhưng cũng đầy khoa học ấy đã hình thành nên Son rắn rỏi và bản lĩnh của ngày hôm nay. Anh có thể bật khóc và suy sụp trong chốc lát, nhưng khi xỏ giày ra sân, đó vẫn sẽ là Son xuất sắc, đầy khiêm tốn mà tất cả đều yêu mến.

Thứ bản lĩnh ấy, không phải cầu thủ nào cũng có được.

HLV Pochettino: 'Son Heung-min đã bị tổn thương tinh thần' Ở trận hòa 1-1 của Tottenham trước Everton hôm 3/11, tiền đạo người Hàn Quốc đã không giữ được bình tĩnh và òa khóc sau tình huống phạm lỗi khiến Andre Gomes gãy cổ chân.

Nhật Anh
Ảnh: Reuters

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ban-linh-son-heung-min-tao-ra-lich-su-bong-da-chau-a-post1010552.html