Bản lĩnh thép của KSV trong vụ án 20 cán bộ ngân hàng 'dính' vòng lao lý

Đứng trước thủ đoạn 'lập khống' 562 bộ hồ sơ để chiếm đoạt hơn 114 tỉ đồng của cán bộ tín dụng Ngân hàng Agribank, khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án, Kiểm sát viên Lê Viết Hùng đã giữ được bản lĩnh, tinh thần 'thép' trước ngổn ngang thách thức…từng bước vạch trần các thủ đoạn, đưa ra lập luận, chứng cứ vững chắc chứng minh hành vi phạm tội của 20 bị cáo một cách thuyết phục.

Cán bộ tín dụng chiếm đoạt hơn 114 tỉ đồng

Theo hồ sơ vụ án, Chu Ngọc Hải là cán bộ tín dụng Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk (viết tắt là Agribank Krông Bông). Từ ngày 6/4/2015 đến ngày 20/2/2017, Hải lợi dụng sơ hở của lãnh đạo và cán bộ trong chi nhánh để lập khống 562 bộ hồ sơ của khách hàng vay vốn, chiếm đoạt hơn 114 tỉ đồng.

Liên quan đến hành vi phạm tội của Hải cũng phải nói đến Ngô Quốc Vinh, nguyên Giám đốc Chi nhánh Agribank Krông Bông đã có hành vi đưa ra chủ trương trái với quy định của Agribank Việt Nam, như: Cho cán bộ tín dụng được thực hiện giải ngân, thu nợ của khách hàng và quản lý hồ sơ vay vốn để Hải lợi dụng chiếm đoạt... Bên cạnh đó, ngày 24/2/2017, khi phát hiện việc Hải lập khống hồ sơ để chiếm đoạt tiền của ngân hàng nhưng Vinh không kịp thời báo cáo sự việc với cấp có thẩm quyền mà vẫn để cho Hải tiếp tục công tác và yêu cầu nộp tiền vào khắc phục hậu quả. Việc làm này của Vinh đã dẫn đến việc Hải tiếp tục dùng thủ đoạn thu tiền của các hộ dân vay vốn rồi chiếm đoạt hơn 3 tỉ đồng.

Đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.

Đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.

Ngoài ra, Trần Thị Bích Hồng, Phó Giám đốc Agribank Krông Bông, Trưởng Ban kho quỹ, từ tháng 9/2001 đến hết tháng 07/2015; Tô Đắc Hải, Phó Giám đốc Agribank Krông Bông từ tháng 9/2015 đến tháng 5/2017 bị miễn nhiệm và 16 nhân viên, cán bộ Agribank Krông Bông khác cũng có hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" nên Hải mới dễ dàng thực hiện được hành vi chiếm đoạt số tiền rất lớn.

Hơn 10 ngàn bút lục trong hồ sơ vụ án

Xác định đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ngay sau khi được giao nhiệm vụ kiểm sát vụ án, đồng chí Lê Viết Hùng, Phó Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự các tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, các tội phạm về chức vụ, tham nhũng (Phòng 3), VKSND tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp chặt chẽ với các Điều tra viên để từng bước điều tra vạch trần các thủ đoạn lập khống hồ sơ, chiếm đoạt tiền rất tinh vi của Hải.

Dù đã từng tham gia giải quyết nhiều vụ án phức tạp nhưng quá trình thực hiện kiểm sát và giải quyết vụ án nói trên, Kiểm sát viên Lê Viết Hùng cũng gặp không ít khó khăn. Kiểm sát viên Lê Viết Hùng cho hay: “Ban đầu, khi được phân công thực hành quyền công tố, tôi chỉ mới hình dung đây là vụ án có tính chất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, không xác định được hậu quả là bao nhiêu và phương thức, thủ đoạn chiếm đoạt của Chu Ngọc Hải như thế nào. Để khắc phục những khó khăn này, tôi cho rằng, cần phải nắm rõ các quy trình, quy định của ngân hàng khi giải quyết cho vay, có như vậy mới hiểu rõ bản chất của sự việc để có định hướng đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội”.

Không chỉ vậy, do lượng hồ sơ mà Hải lập khống rất lớn nên hồ sơ vụ án lên đến hơn 10 ngàn bút lục. “Trong khi đó, kiến thức về tài chính, ngân hàng của tôi còn hạn chế, trong khi các quy trình, quy định của ngân hàng khi giải quyết cho vay thì có rất nhiều văn bản quy định của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng” – Kiểm sát viên Lê Viết Hùng chia sẻ.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ án.

Đứng trước những thử thách nói trên, Kiểm sát viên Lê Viết Hùng luôn giữ được bản lĩnh, tinh thần “thép” để vượt qua mọi khó khăn, chủ động tìm kiếm các loại văn bản liên quan đến tài chính, ngân hàng rồi từng bước đọc nghiên cứu, vận dụng vào giải quyết vụ án. Cùng với việc nghiên cứu tỉ mỉ hồ sơ, Kiểm sát viên Lê Viết Hùng luôn chủ động, kịp thời bám sát tiến độ giải quyết vụ án, thường xuyên cùng Điều tra viên, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án trao đổi, đánh giá các tài liệu chứng cứ đã thu thập được. Đồng thời, đề ra những yêu cầu điều tra có chất lượng, phù hợp với từng giai đoạn.

Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án, Kiểm sát viên Lê Viết Hùng đã kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo VKSND tỉnh ban hành một số Công văn đôn đốc Cơ quan điều tra đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án. Mặt khác, nhanh chóng tham mưu cho Lãnh đạo VKSND tỉnh trao đổi để liên ngành tố tụng địa phương thống nhất xác định, đây là vụ án điểm và xác định Viện kiểm sát là trung tâm đầu mối giữa Công an và TAND tỉnh Đắk Lắk trong việc giải quyết vụ án nghiêm trọng này.

Vạch trần thủ đoạn “lập khống” 562 bộ hồ sơ vay vốn

Nhờ tinh thần làm việc không mệt mỏi, Kiểm sát viên Lê Viết Hùng đã cùng các Điều tra viên nhanh chóng vạch trần thủ đoạn phạm tội của Chu Ngọc Hải. Theo đó, từ ngày 06/4/2015 đến ngày 16/05/2017, lợi dụng việc Agribank Krông Bông cho cán bộ tín dụng được tiếp quỹ và cho phép cán bộ tín dụng được thu nợ từ các hộ dân vay vốn tại địa bàn do mình phụ trách, quản lý, Hải đã có hành vi gian dối, lừa đảo thông qua việc lập khống hồ sơ khách hàng vay vốn để tham ô tổng số tiền hơn 81,6 tỉ đồng.

Không chỉ vậy, Hải còn giả chữ ký của lãnh đạo chi nhánh để lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng. Theo đó, khoảng tháng 10/2016, ông Ngô Quốc Vinh (Giám đốc Agribank Krông Bông từ tháng 08/2008 đến tháng 05/2017) cho thay đổi quy trình và chỉ đạo các nhân viên giao nhiệm vụ giải ngân vốn vay của khách hàng cho bộ phận kế toán. Giai đoạn này, khi giải ngân vốn vay, bộ phận kế toán đã yêu cầu phải có hồ sơ vay vốn và tài sản thế chấp đảm bảo mới được giải ngân. Tuy nhiên, do sự quản lý lỏng lẻo nên Hải vẫn đăng nhập được vào User của giao dịch viên khác để được giải ngân cho hồ sơ vay lập khống, chiếm đoạt số tiền lớn...

Để che giấu hành vi phạm tội, tránh bị phát hiện do khoản vay bị chuyển qua nợ xấu, Hải đã nhiều lần nộp tiền gốc và lãi của các bộ hồ sơ do Hải lập khống. Với thủ đoạn này, từ ngày 07/11/2016 đến ngày 20/02/2017, Hải đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt là hơn 32,4 tỉ đồng.

Vụ án gây ra hậu quả “đặc biệt nghiêm trọng”

Sau những ngày tháng làm việc không biết mệt mỏi và từ những kết quả điều tra, vụ án nhanh chóng được truy tố, đưa ra xét xử. Trong quá trình thực hành quyền công tố tại phiên tòa, Kiểm sát viên Lê Viết Hùng gặp không ít khó khăn, trở ngại, bởi vụ việc có tính chất rất phức tạp, ngoài 20 bị cáo còn có 20 luật sư tham gia bào chữa. Không quản ngại khó khăn, Kiểm sát viên Lê Viết Hùng đã không ngừng tìm kiếm, nghiên cứu để nắm vững các quy định của pháp luật, nhất là các quy định có liên quan đến lĩnh vực Ngân hàng. Mặt khác, chuẩn bị chu đáo các tài liệu, chứng cứ buộc tội sắc bén và dự liệu trước nhiều tình huống xảy ra tại phiên tòa. Do đó, tại phiên tòa, Kiểm sát viên Lê Viết Hùng đã đưa ra các lập luận, chứng cứ đối đáp sắc bén để tranh luận với các bị cáo và luật sư nên đã bảo vệ một cách thuyết phục quan điểm giải quyết vụ án và xử lý đối với từng bị cáo, được Tòa án chấp nhận.

Cơ quan điều tra khám xét tại Ngân hàng Agribank, chi nhánh Krông Bông.

Xét thấy hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên tại Bản án số 22/2019/HSST ngày 6/5/2019, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên phạt bị cáo Chu Ngọc Hải mức án chung thân về Tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tử hình về Tội “Tham ô tài sản”. Tổng hình phạt chung cho bị cáo Hải là tử hình. Đồng thời, tuyên phạt 3 cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Chi nhánh Agribank Krông Bông gồm bị cáo: Ngô Quốc Vinh 8 năm tù; bị cáo Trần Thị Bích Hồng 3 năm 6 tháng tù; bị cáo Tô Đắc Hải 3 năm 10 tháng tù.

Ngoài ra, 16 cán bộ, nhân viên của Agribank Krông Bông cũng bị tuyên án từ 3 năm tù đến 6 năm tù (trong số này chỉ có 2 bị cáo được áp dụng biện pháp cải tạo không giam giữ) cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Vụ án đã khép lại nhưng hậu quả mà bị cáo Hải trực tiếp gây ra và làm cho 19 cán bộ đồng nghiệp cũng “dính” vòng lao lý đã để lại sau bản án này là rất nghiêm trọng. Sau khi vụ án kết thúc, Kiểm sát viên Lê Viết Hùng đã xây dựng và trình lãnh đạo VKSND tỉnh ký ban hành văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh tỉnh Đắk Lắk có biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật và yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cần có quy chế, quy định chặt chẽ hơn nữa trong việc giám sát quy trình duyệt cho vay vốn của các cán bộ, tổ chức tín dụng nhằm ngăn chặn việc hợp thức hóa, lập hồ sơ vay vốn giả, rút tiền ra khỏi Ngân hàng nhằm chiếm đoạt như vụ án nêu trên.

Chính Cương

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/nhan-to-dien-hinh/ban-linh-thep-cua-ksv-trong-vu-an-20-can-bo-ngan-hang-dinh-vong-lao-ly-79560.html