Ban Mê Thuột - 'trái tim' cao nguyên

Chiều buông đỏ thẫm phía chân trời một ngày đầu tháng Bảy. Dòng người hối hả ngược xuôi trên phố. Giờ tan tầm, hàng cây sũng nước, mưa đến vội vàng và đi cũng thật nhanh.

Tiếng còi xe vang lên khắp nơi, nhắc tôi nhớ về ngày trước, thuở mười tám, đôi mươi, đã từng coi phố là chốn đi về. Hơn mười năm trôi qua, tôi từ một cô bé lớn lên trên cánh đồng thơm mùi rơm rạ, lần đầu tiên gặp, đã nhìn thành phố bằng ánh nhìn ngơ ngác; nay là một cô giáo mà tuổi nghề cũng chính bằng khoảng thời gian tôi xa nơi này, trở lại ngoảnh nhìn chỉ còn kí ức rưng rưng, giấu mình trong long lanh của một chiều mưa bất chợt.

Thành phố ấy chính là Buôn Ma Thuột, trái tim cao nguyên, nơi mà ngày trước chúng tôi hay gọi là Ban Mê, hay đơn giản hơn chỉ gọi gọn bằng một từ: Phố. Ngã sáu đông đúc hay những ngõ nhỏ im ắng, bình yên; những tòa nhà chọc trời hay ngôi nhà giản dị nép mình khiêm nhường, đều thường nấp dưới tán cây lớn, tỏa bóng cả một khoảng trời, khiến phố trong mắt tôi, dù ồn ào náo nhiệt, nhưng rất đỗi hiền hòa. Trong chiều mưa bay, phố lại càng khiến tôi thấy dễ chịu và thân thuộc. Phố được tắm mưa cũng thích, bao muộn phiền, bụi bặm, gánh nặng, chợt được rửa trôi, trả lại sự bình yên, trong trẻo.

Tôi rẽ vào đường Phan Đình Giót, nơi mà hồi học đại học, lâu lâu tôi lại rủ bạn đi ba bốn cây số, chỉ để ngồi nơi chiếc bàn nhựa nhỏ kê tạm bên lề đường, trên ấy là tô bún đỏ bình dân đang bốc khói nghi ngút, chỉ chút nữa thôi sẽ lấp đầy cái bụng đang réo lên vì đói, của con bé sinh viên sư phạm văn lãng đãng. Bây giờ, mấy quán bún đỏ đã lùi về một góc nhỏ ở đường Lê Hồng Phong. Trước mắt tôi là một con đường mới, với bức tường chạy dài kín họa, sống động. Hai hàng cây đã thành cổ thụ, đan tán vào nhau, hứng mưa rơi, che mát toàn bộ con đường. Tôi nghĩ đến những ngày nắng, nắng rơi chỗ này, rớt chỗ kia, cắt bóng râm thành vũng nhỏ như mắt lưới, đậu trên vai người qua, đẹp biết bao. Mới hay, dẫu là mưa nắng, là buồn vui, là thời tóc còn xanh, hay sau này mái đầu đã lâm râm điểm bạc, thì nơi nào ta yêu, nơi đó đều trở thành nhà, là vùng trời bình yên và thuần khiết, cho ta trú tạm vào ngày bão giông. Với tôi, phố là như thế. Tôi cách phố hơn một trăm cây số, nhưng vẫn thấy thật gần, chỉ cần tôi muốn, tôi sẽ đi gặp, phố sẽ ôm tôi vào lòng, xoa dịu bằng kí ức về nỗi nhớ niềm thương giữ mãi cho riêng mình, chưa dám ngỏ giữa một sân trường tím biếc cánh phượng rơi, bằng cánh hoa dầu xoay xoay khi cơn gió ào qua, bằng màu vàng chói mắt của mùa hoa hoàng yến nhiều kỉ niệm, bằng màn mưa bay trong một buổi chuyển mùa...

Bạn tôi bảo phố đã thay đổi nhiều. Chỉ còn quán cà phê Văn ở đầu đường Đinh Tiên Hoàng là vẫn gần như cũ. Quán thường mở nhạc Trịnh. Thời sinh viên tôi thỉnh thoảng tới đó ngồi nhâm nhi cà phê và nghe nhạc. Người ta thường thích Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn, còn tôi ngày ấy nghe chỉ thấy rờn rợn, nhất là vào những đêm chỉ có một mình, bên ngoài trời mưa rả rích. Khi nghe ở quán Văn cùng bạn, cảm giác rờn rợn vơi bớt hơn rất nhiều. Lần tới tôi sẽ quay lại quán, đắm mình trong giai điệu đã từng rất quen thuộc của ngày xưa.

Tôi ngồi nhìn qua ô cửa sổ phòng thi. Dưới khoảng sân đầy rêu, lá bàng rụng dày. Mưa đến, tất cả nhòe nhoẹt nước nhưng ngày mai nắng sẽ lại lên, hong khô tất cả. Đời người đi qua bao lần mưa nắng sẽ trưởng thành, có những lúc vì mưa nắng mà trở nên cằn cỗi, cũng có thể nhờ mưa nắng mà trở lại tươi xanh. Thành phố tôi yêu cũng đang sống đời của nó, vô tư đón nhận mưa nắng thuộc về mình, để rồi trở thành niềm thương, nỗi nhớ cho muôn người trên vạn nẻo đường ngoài kia.

Trong mắt tôi, khoảnh khắc ấy, chỉ còn lại hình ảnh của "những chiều thành phố mưa bay".

Nguyễn Hiên

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ban-me-thuot-trai-tim-cao-nguyen-336883.html