'Bản ngã' dân tộc trong thời đại giao thoa văn hóa

'Tình trạng dị biệt - không giống ai đã bớt dần', là nhận xét của GS. TS. Hồ Sĩ Quý về nền văn hóa Việt Nam trải qua nhiều thập kỷ hội nhập với khu vực và thế giới. Theo đó, văn hóa Việt Nam hiện nay ở tất cả các dạng hoạt động và loại hình của nó đều có những bước phát triển mà trước kia khó có thể đạt được.

Giao thoa và hội nhập văn hóa diễn ra trên mọi lĩnh vực

Giao thoa và hội nhập văn hóa diễn ra trên mọi lĩnh vực

Bớt dần “tình trạng dị biệt”

Cách đây khoảng 30 năm, nếu nhắc đến Việt Nam bạn bè quốc tế thường chỉ nhớ tới những cuộc chiến chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc. Nền văn hóa Việt Nam vẫn còn lạc lõng, tụt hậu so với các nước phát triển trên thế giới.

Tại thời điểm này, trong nhận thức xã hội, các quan niệm về “nhân quyền”, “tự do tôn giáo”, “dân chủ”, “phát triển bền vững”, “tự do văn hóa, báo chí, sáng tác”… chưa được nhận thức đúng đắn và quan tâm nhiều như hiện nay. Sản phẩm văn hóa trong nước vẫn chưa đa dạng, chưa định nghĩa được bản sắc. Mà công tác quản lý văn hóa cũng còn hạn chế, thậm chí không được coi trọng. Điều này đã tạo nên một khoảng cách lớn về khác biệt văn hóa giữa Việt Nam và các nước khác trong khu vực nói riêng, trên thế giới nói chung.

Chính vì vậy, từ năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã xác định văn hóa là “nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội”; đồng thời cũng là “một trong bốn trụ cột của phát triển bền vững, có vị trí ngang với kinh tế, chính trị và xã hội”. Do đó, quá trình đổi mới, hội nhập văn hóa trên mọi mặt đã tạo ra những động lực mới để đa dạng hóa nền văn hóa Việt Nam, góp phần vào xu hướng cởi mở, năng động, sáng tạo, tự chủ, phát huy tính tích cực của xã hội, hình thành các nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam.

Bằng cách tích cực và chủ động mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa, văn hóa truyền thống được tôn trọng và phục hồi rất căn bản. Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được xác định và đánh giá theo Tiêu chuẩn quốc tế. Kết quả đem lại là nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên và di sản ký ức thế giới được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đơn cử, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Quan họ (Bắc Ninh), Ca trù, Nhã nhạc cung đình Huế, Thực hành tín ngưỡng Tam phủ… đều là những di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.

Bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống, bản sắc Việt Nam là trách nhiệm lớn của toàn xã hội.

Bên cạnh việc tiếp nhận các giá trị văn hóa nước ngoài, nhu cầu tìm hiểu về văn hóa bản địa của giới trẻ cũng ngày một nâng cao. Học tập phong trào tìm hiểu văn hóa của các nuớc láng giềng, giới trẻ Việt Nam cũng sôi nổi những hoạt động tìm hiểu về di sản văn hóa, lịch sử của đất nước như hát chèo, hát xoan, áo Nhật Bình, trang phục cung đình… Có thể kể đến một số sự kiện nổi bật mới đây đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trẻ như: “Triển lãm Thư pháp Hàn Mặc” lần thứ 8 của nhóm Nhân Mỹ Học Đường hướng tới văn hóa truyền thống từ những trích dẫn kinh điển của Nho giáo, Phật giáo, danh Bi, danh tác thi ca, từ phú Hán Nôm Việt Nam.

Hay triển lãm “Hầu đồng và Queer” của nhóm Hầu Đồng Tứ Phủ nhằm làm rõ yếu tố giới trong tín ngưỡng Việt Nam. Hoặc chiến dịch “Save Sơn Đoòng” của tổ chức Action4Future (Hành động về tương lai) với sứ mệnh bảo vệ sự nguyên sơ của Sơn Đoòng và nâng cao nhận thức của người Việt Nam về giá trị của các di sản thiên nhiên, ý thức bảo vệ những di sản quốc gia…

Điểm sáng của hội nhập văn hóa

Theo TS. Nguyễn Ngọc Mai - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định: “Song song với việc xác định được mô hình phát triển của nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, những đổi mới mạnh mẽ trên phương diện quản lý văn hóa đã tạo ra những bước ngoặt quan trọng trong hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa; tham gia tích cực vào việc tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và cả nước, tăng trưởng GDP địa phương và thúc đẩy phát triển du lịch”.

Mặt khác, ở nhiều hoạt động văn hóa trong các lĩnh vực như văn học, nghệ thuật, âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật… các hoạt động văn hóa diễn ra nhiều hơn, hiện đại hơn theo hướng giao lưu và mở rộng. Sản phẩm văn hóa tăng đáng kể về số lượng, thể loại. Văn học, nghệ thuật đã tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh mọi lĩnh vực đời sống, đang nỗ lực đổi mới tư duy sáng tạo, tìm tòi phương thức mới để nâng cao năng lực khám phá cuộc sống.

Ví dụ, văn học số là khái niệm trước đây chưa hề có. Nhưng hiện nay, hiện tượng người sáng tác tự xuất bản và tự tạo các diễn đàn tương tác với người đọc đã trở thành phổ biến. Blog của nhiều nhà văn như Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Trần Thu Trang, Trang Hạ, Đinh Vũ Hoàng Nguyên, Di Li… có lúc đã trở thành những diễn đàn văn học, đóng vai trò như những “salon văn học” phổ biến trong các giai đoạn trước. Sự phát triển của internet và các loại hình thông tin đại chúng có thể nhanh chóng, trực tiếp chuyển tải, truyền bá văn hóa đến với công chúng trong nước, cũng như bạn bè trên thế giới.

Bên cạnh đó, những kênh trao đổi học thuật với nhiều quốc gia văn minh cũng được mở rộng, qua các phương thức khác nhau từ du học đến trao đổi học giả… Từ đó, có nhiều thay đổi tư duy, lối sống và phong cách sống của người Việt biểu hiện ở cách ăn, mặc, ở, đi lại, ứng xử…

Nói tóm lại, giao thoa và hội nhập có nhiều ý nghĩa tích cực đối với đời sống văn hóa của người Việt hiện nay, thể hiện ở mọi khía cạnh, góc độ. Như nhà nghiên cứu, GS.TS Hồ Sĩ Quý đã ghi nhận: “Sau hơn 30 năm hội nhập và phát triển, có đủ cơ sở để nói rằng, hệ giá trị văn hóa Việt Nam sau mấy chục năm phát triển theo xu thế đổi mới đã xác lập được các khuôn mẫu văn hóa mới, thực sự hội nhập tương đối sâu vào văn hóa nhân loại theo các chuẩn mực phổ biến của cộng đồng thế giới”.

Hòa nhập không hòa tan

Trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2017, nhiều chính khách quốc tế đánh giá Việt Nam là “một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trái đất hiện nay”. Thông qua sự giao lưu quốc tế, không thể phủ nhận văn hóa bản địa của chúng ta đang tiếp nhận các tác động của rất nhiều văn hóa nước ngoài.

Chỉ trong chưa đầy 10 năm, ta có thể chứng kiến sự xâm nhập vô cùng mạnh mẽ của các nước láng giềng – đơn cử như Hàn Quốc, Nhật Bản vào Việt Nam. Chúng ta dần làm quen với những văn hóa xếp hàng, văn hóa giữ trật tự nơi công cộng, văn hóa đúng giờ,… những điều có giá trị tích cực đến lối sống bản địa. Người dân – đặc biệt là giới trẻ dần tiếp nhận những thói quen tốt và lan tỏa chúng, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng nói chung.

Tuy nhiên, sự xâm nhập của những nền văn hóa nước ngoài cũng đồng thời gây nên những cuộc khủng hoảng văn hóa đến chính chúng ta. Tác động tiêu cực đến văn hóa hiện nay là một loạt những vấn nạn lớn và không kém phần nghiêm trọng về kinh tế - chính trị - xã hội, dù ai đó muốn lãng quên cũng không thể. Hòa nhập không hòa tan là một thách thức, một nhiệm vụ tất yếu trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước hiện nay.

So sánh với câu chuyện nước Nhật hòa nhập với xu thế chung của thế giới, họ bỏ Tết âm lịch và giữ Tết dương lịch vì đòi hỏi của nền kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người Nhật Bản muốn khôi phục lễ hội đón năm mới cổ truyền, với mong muốn giúp làm tăng sức mạnh cộng đồng. Như Công sứ Nhật Bản Hideo Suzuki từng chia sẻ với báo giới: “Nhật Bản lẽ ra vẫn có thể giữ Tết Nguyên đán như một nét văn hóa cổ truyền và là sợi dây liên kết cộng đồng. Chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu hóa... Điều đó tạo ra một xã hội mở, nhưng mặt khác nó khiến con người mất đi bản sắc, sự nhận diện: chúng ta là ai?”. Theo ông, gìn giữ bản sắc quốc gia trong môi trường hội nhập văn hóa là vấn đề lớn, thậm chí còn là vấn đề an ninh, chủ quyền của quốc gia.

Nói cách khác, mặc dù giao thoa văn hóa mang tới nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho một đất nước, nhưng có nhiều giá trị văn hóa cốt lõi, truyền thống không thể bị thay thế. Một nhận xét của GS. Hoàng Chương cách đây dù nhiều năm nhưng vẫn đáng suy ngẫm tới tận ngày hôm nay: “Đất nước phát triển kinh tế mà văn hóa thụt lùi, nghệ thuật dân tộc xuống cấp, mất bản sắc thì không thể gọi là đất nước ổn định và phát triển kinh tế được.

Còn văn hóa là còn đất nước, mất văn hóa là mất tất cả”. Cũng như cách ví von, một quốc gia có thể có trong tay những vũ khí máy bay chiến đấu hiện đại nhất, tinh xảo nhất, nhưng nếu những người điều khiển máy bay không có niềm tự hào dân tộc và ý chí mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền quốc gia thì các máy bay hiện đại ấy chẳng có tác dụng gì. Điều đó cho thấy, việc gìn giữ được hồn cốt, bản sắc dân tộc trong thời kỳ giao thoa văn hóa quốc tế đầy thách thức, cám dỗ như hiện nay là một trách nhiệm đặc biệt của toàn thể xã hội.

Đỗ Trang - Hương Thảo

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/ban-nga-dan-toc-trong-thoi-dai-giao-thoa-van-hoa-478849.html