Bản quyền ASIAD 18: không chỉ là chuyện kinh doanh

Trước khi ASIAD 18 khai mạc, chuyện không có đơn vị nào ở Việt Nam mua bản quyền truyền hình ASIAD 18 đã được giới truyền thông nói đến nhưng dường như không thu hút được nhiều sự quan tâm, trong nhiều lý do có lý do... nước chưa đến chân. Vấn đề trở nên nóng khi các đội Việt Nam bắt đầu thi đấu và đạt kết quả khả quan, nhất là với bộ môn bóng đá vốn rất được yêu thích. Cùng với việc đông đảo người dân 'xem lậu' bằng nhiều cách khác nhau trên Internet, vấn đề vì sao Việt Nam không mua bản quyền được xới lên và tâm điểm dư luận tập trung vào VTV - đài truyền hình quốc gia.

Các cầu thủ Olympic Việt Nam tại ASIAD 2018, Indonesia. Ảnh: TTXVN

Câu trả lời của VTV xoay quanh bài toán tài chính khi mua bản quyền, rằng VTV sẽ và đã không mua bản quyền bằng mọi giá, trong khi dư luận tập trung vào chuyện một khi vin mình là đơn vị tự chủ tài chính, phải cân nhắc lời - lỗ trong hoạt động thì VTV cũng phải nhớ gốc gác họ là đơn vị thuộc Chính phủ, có chức năng “phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân” và vẫn đang nhận một phần ngân sách.

Công bằng mà nói, nếu giá bản quyền ASIAD lần này không quá cao, thì hẳn VTV đã mua để phục vụ người xem như nhiều chương trình khác trước nay. Nhưng cũng công bằng mà nói, nhìn nhận giá cao hay không còn phụ thuộc vào việc phương án khai thác bản quyền đó có được chuẩn bị kỹ lưỡng hay không và nghệ thuật đàm phán mua hàng. Vì sao lúc người ta bán hàng với giá rẻ VTV không mua, đến khi nó chuyển qua trung gian, tăng giá thì chê đắt? Ngoài ra, trong chuyện này, phải nói là cũng có yếu tố “ngoại tác” - mà cũng khó tính hết. Giá có thể trở nên không quá cao nếu lượng người xem đông đảo, khi đó việc mua bản quyền không chỉ có ý nghĩa “phục vụ” mà còn là cơ hội kinh doanh, như kinh doanh quảng cáo. Nhu cầu xem của người dân trong mấy ngày qua là... ngoại tác tích cực.

Cũng may, quá trình “tự chủ tài chính” của VTV đang diễn ra trong bối cảnh VTV không còn một mình một chợ nữa. Sau VTV đã có nhiều đài truyền hình khác ra đời, cho dù ở nước ta truyền hình trả tiền chưa phát triển thì chí ít tính cạnh tranh trong ngành cũng đã được thể hiện qua việc thu hút người xem - thu hút thuê bao. Cơ hội mua bản quyền truyền hình ASIAD 18 được chia đều cho các đài truyền hình. Đơn vị mua bản quyền truyền hình ASIAD 17 bốn năm trước là... Công ty Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV). Vì vậy, việc đài truyền hình kỹ thuật số VTC mua được bản quyền truyền hình ASIAD 18 sau khi ASIAD 18 khai mạc mấy ngày là tín hiệu đáng mừng, không chỉ với người xem, mà với cả ngành truyền hình.

Chuyện VTV không mua bản quyền hay VTC mua được bản quyền muộn cũng đặt ra nhiều khía cạnh khác. Khác với VTV vốn được mặc định trách nhiệm phục vụ bấy lâu nay, khi một đài truyền hình khác mua bản quyền, bài toán lời - lỗ không chỉ nằm trong các con số thu - chi cụ thể, phần lời có thể sẽ nằm ở tình cảm yêu quý của công chúng đối với thương hiệu. VTC nhập cuộc muộn, bài toán khai thác quảng cáo trong thời gian phát sóng chắc chắn là bị động nên có lẽ lợi ích kỳ vọng nằm ở chỗ quảng bá cho thương hiệu, thu hút người xem - khách hàng. Lợi ích cũng tương tự như vậy đối với doanh nghiệp tài trợ để VTC có bản quyền.

Trong câu chuyện mua bản quyền lần này, liệu có nên đặt hết gánh nặng trách nhiệm lên VTV? Những khi gặp tình huống như thế này, lại nghĩ đến vai trò kết nối, điều phối của các tổ chức xã hội, ngành nghề như hiệp hội truyền hình. Nếu các hiệp hội vận hành hiệu quả, có lẽ tính cục bộ của các đài truyền hình sẽ giảm bớt và các quyết định mang tính “phục vụ” dễ thu hút nguồn lực và triển khai hơn. Tất nhiên muốn làm được việc này thì phải có sự chuẩn bị.

Thiên Tường

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277422/ban-quyen-asiad-18-khong-chi-la-chuyen-kinh-doanh-.html