Bản quyền truyền hình thể thao: Giá cả leo thang, vi phạm tràn lan

Sau kỳ bản quyền World Cup 2018 (WC 2018), đến kỳ bản quyền ASIAD 2018 vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng trầy trật: Mua đã khó, nhưng vừa mua xong thì đã bị vi phạm tràn lan.

Tâm điểm chú ý về ASIAD 2018 là các trận đấu của đội tuyển bóng đá Olympic Việt Nam. Ảnh:VTC

Trầy trật vì giá…

Từ bản quyền WC 2018 đến bản quyền ASIAD 2018 đều chung một mẫu số là rất trầy trật để có được. WC 2018 phải đến những ngày cuối VTV mới mua được, còn bản quyền ASIAD 2018 thì đến khi giải đã khởi tranh VTC mới có thể có được.

Nguyên nhân chính của sự trầy trật ở đây chính là mức giá. Với WC, năm 2010 Việt Nam sở hữu được bản quyền với mức giá khoảng 3 triệu USD, nhưng đã tăng lên khoảng 7 triệu USD kỳ WC 2014 và đến kỳ WC 2018 tăng lên trên 10 triệu USD.

Bản quyền ASIAD có tỉ lệ tăng, thậm chí còn “khủng” hơn: ASIAD 2014 bản quyền cho gói độc quyền trên một nền tảng phát sóng là 400.000USD và không độc quyền là 200.000USD. Nhưng đến kỳ ASIAD 2018 mà VOV/VTC mới vừa sở hữu, mức giá được cho là gần 1,7 triệu USD, gấp khoảng hơn 4 lần. Còn nếu tính từ kỳ ASIAD 2006 đến kỳ ASIAD 2018 thì mức giá tăng từ con số 10.000USD lên gần 1,7 triệu USD, tăng hơn 100 lần.

Hầu hết các nhà đài sẽ không mua hoặc không mua được bản quyền các giải thể thao trên nếu không có sự tài trợ của các doanh nghiệp. Song có được bản quyền rồi, bài toán nan giải tiếp theo là thương mại hóa để thu hồi vốn và trang trải các chi phí làm chương trình, thậm chí để có lãi.

Nhưng trên thực tế còn một bài toán nan giải khác là tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan. Tình trạng vi phạm như thế tất nhiên sẽ tác động tiêu cực đến rating của đài từ đó ảnh hưởng đến việc thương mại hóa. Song song đó về hình ảnh, nhà đài như VTV hay VOV/VTC cũng bị ảnh hưởng tiêu cực.

Phải quen với việc xem truyền hình trả phí

Chúng ta phải dũng cảm nhìn vào một sự thật là: Một bộ phận khá đông đảo người hâm mộ Việt Nam rất muốn xem các giải đấu thể thao đỉnh cao miễn phí nhưng cũng rất dễ dàng “công kênh” những kênh phát vi phạm bản quyền, từ đó khiến cho xã hội thiếu sự chung tay góp sức cùng nhà đài bảo vệ bản quyền.

Khi nhà đài có được sự chung tay góp sức cùng bảo vệ bản quyền từ chính người hâm mộ thì họ mới có thêm động lực tìm kiếm bản quyền để phục vụ miễn phí như trong trường hợp bản quyền World Cup và ASIAD 2018. Còn ngược lại, nhiệt huyết cũng sẽ giảm dần.

Từ bao năm nay mãi cho đến dịp WC 2018 mới nhen nhóm được chút ý thức trong cộng đồng khi hình thành tự phát nhóm “hiệp sĩ bảo vệ bản quyền” WC, nhưng còn nhỏ lẻ và thưa thớt.

Với giá cả bản quyền truyền hình thể thao leo thang như hiện nay khó mà đòi hỏi nhà đài cứ đến hẹn lại lên lại mua bản quyền để phát phục vụ miễn phí. Đơn cử trường hợp bản quyền giải Ngoại hạng Anh (EPL), Facebook vừa bỏ ra 264 triệu USD mua độc quyền để phát tại 4 quốc gia gồm: Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia trong 3 mùa giải từ năm 2019-2022.

Riêng phần tại Việt Nam được cho rằng mức giá khoảng 100 triệu USD, tức là đắt hơn gấp 2,5 lần so với giá bản quyền 3 mùa từ 2016-2019 mà K+ đã và đang sở hữu. Những năm trước, dư luận nhiều lần “gào” lên rằng K+ độc quyền và bắt phải chia sẻ. Còn hiện nay, liên minh đã được Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam hình thành nhằm đàm phán mua bản quyền EPL cho dù có trả giá cao gấp đôi so với trước cũng không còn cơ hội nữa. Và liệu dư luận sẽ “kêu” ai nếu Facebook không chịu chia sẻ bản quyền?

Với mức giá mua để chặn để triệt như Facebook (và rất có thể Facebook sẽ còn mua lan sang bản quyền các giải thể thao khác khác như WC, EURO…), sẽ chẳng có nhà đài Việt Nam nào mua nổi để kinh doanh chứ đừng nói là phát miễn phí lại còn bị vi phạm bản quyền tràn lan.

Thẩm Hồng Thụy

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-thao/ban-quyen-truyen-hinh-the-thao-gia-ca-leo-thang-vi-pham-tran-lan-627293.ldo