Bán rẻ đất vàng trung tâm TP.HCM, HĐND rất xót lòng...

Khi thực hiện giám sát, cá nhân tôi cũng như các đại biểu HĐND thành phố rất xót lòng trước thực trạng trên...

4 vấn đề

Ông Cao Thanh Bình, Phó ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP.HCM cho biết, quá trình thực hiện giám sát, ông đã đi thực tế, tiếp nhận các ý kiến phản ánh của cử tri, lắng nghe những bức xúc của dư luận... Sau khi thực hiện việc đối chiếu với các quy định, làm các phép tính so sánh tại nhiều địa điểm..., ông kết luận, công tác quản lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.HCM hiện nay có nhiều vấn đề cần phải quan tâm.

Bắt buộc phải thu hồi khu đất 8 - 12 Lê Duẩn, quận 1, TPHCM. Ảnh: Sài gòn giải phóng

Theo thống kê của ông Bình, toàn thành phố hiện có khoảng gần 13.000 địa chỉ đất thuộc sở hữu nhà nước. Trong đó có hơn 2.000 địa chỉ được thành phố giao cho Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà thành phố quản lý, khai thác và sử dụng, phần còn lại của các công ty trực thuộc thành phố quản lý.

"Qua giám sát thực tế, tôi thấy việc quản lý, khai thác và sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước trên phố có mấy vấn đề cần xem xét.

Thứ nhất, còn nhiều địa chỉ đất công thuộc các địa phương, tổng công ty trực thuộc nhà nước chưa được kê khai đầy đủ. Tình trạng này dễ dẫn tới những nguy cơ chiếm dụng, sở hữu đất trái phép.

Thứ hai, còn nhiều diện tích mặt bằng đất công bị bỏ trống, chưa được khai thác. Hoặc việc cho thuê lại đang áp dụng cơ chế cũ, có nhiều địa chỉ cho thuê với giá của năm 1994. Mức giá này thấp hơn giá thị trường rất nhiều.

Thứ ba, một số khu đất công được bán lại cho doanh nghiệp sử dụng nhưng không qua đấu giá mà thực hiện theo cơ chế chỉ định với giá rất rẻ. Ví dụ như vị trí trên đường Đồng Khởi, Lê Duẩn, Hàm Nghi... được định giá hơn 300 triệu đồng/m2 là rất rẻ mạt.

Thứ tư, hiện tượng cho thuê không qua đấu thầu, mà thông qua cơ chế chỉ định, gây thất thoát, lãng phí lớn. Điển hình là khu đất thuộc địa chỉ 4/19 Hậu Giang, Q.Tân Bình, thuộc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) quản lý. Công ty này ký hợp đồng liên kết với công ty Đức Bình, chỉ thu 70 triệu/tháng nhưng Đức Bình cho thuê lại kho này với giá gần 900 triệu/tháng, gấp 13 lần.

Trong khi đó, một số khu đất được cho thuê nhưng lại thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ, dẫn tới tình trạng cho thuê lại, sử dụng không đúng mục đích. Ví dụ như Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà thành phố, còn để nợ đọng tới 73 tỷ tiền cho thuê nhà, đất là số tiền quá lớn.

Tại công ty này, hiện, cũng có khoảng 100 địa chỉ đất công bị bỏ hoang, chưa khai thác. Các diện tích được khai thác, sử dụng thì bị định giá thấp, gây thất thoát, lãng phí.

Đối với các diện tích bán và cho thuê cũng có nhiều vấn đề bất cập. Việc Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà thành phố ký hợp đồng cho Vạn Thịnh Phát thuê cao ốc số 8 Nguyễn Huệ với giá thuê là 134.910,4 USD/tháng tương đương 13,571 USD/m2/tháng. Vạn Thịnh Phát cho thuê lại với đơn giá bình quân 28 USD/m²/tháng, chênh lệch 14,429 USD/m²/tháng, tức là chênh lệch khoảng 143.000 USD/tháng là khó chấp nhận được", ông Bình thống kê.

5 giải pháp

Phó ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP.HCM nhận xét, việc quản lý đất công không chặt chẽ dễ để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công, kéo dài tranh chấp giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

Tiếp đến, từ việc quản lý thiếu chặt chẽ dẫn tới tình trạng làm trái thẩm quyền, dễ nảy sinh nhưng thỏa thuận, lợi ích khác. Tình trạng đơn vị nào cũng cho thuê được, ai cũng cho thuê được, thậm chí cả văn phòng, các phòng ban của huyện, UBND các phường cũng được cho thuê đất là rất bất cập.

Trên cơ sở đó, ông Bình yêu cầu thành phố phải thực hiện rà soát chặt chẽ toàn bộ các diện tích đất công trên địa bàn thành phố theo nguyên tắc:

Một, yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc nhà nước phải có trách nhiệm kê khai đầy đủ các diện tích đất công trực thuộc đơn vị mình quản lý. Trong trường hợp, không thực hiện kê khai đầy đủ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.

Hai, yêu cầu các đơn vị cho thuê sai thẩm quyền buộc phải thu hồi diện tích đất cho thuê, đồng thời yêu cầu chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc.

Ba, chấn chỉnh khung giá đất, giá nhà phù hợp với giá thị trường hiện nay.

Bốn, những địa chỉ đất, nhà có ý định cho thuê, bán phải được thực hiện theo cơ chế đấu giá công khai, minh bạch, tuyệt đối không ưu tiên, chỉ định.

Năm, những diện tích đất công đang thực hiện hợp tác liên doanh cũng phải được thu hồi để đánh giá lại về tính hiệu quả của dự án. Tôi lấy ví dụ, như mặt bằng 101 đường Nguyễn Du dù được thực hiện theo cơ chế hợp tác liên doanh, nhà nước góp đất, doanh nghiệp góp vốn nhưng nhiều năm liền địa phương không thu đường đồng tiền nào do doanh nghiệp liên tục báo thua lỗ. Năm 2015 đơn vị này cũng đang báo lỗ tới 36 tỷ.

Vụ bán đất TPHCM giá bèo: Chưa tính được chuyện bồi thường

Như vậy, rõ ràng việc khai thác quỹ đất này đã không hiệu quả, phải nghiên cứu lại.

"Khi thực hiện giám sát, cá nhân tôi cũng như các đại biểu HĐND thành phố rất xót lòng trước thực trạng trên, vì đất đai là tài sản chung của nhà nước và cũng là tài sản của nhân dân. Vì thế, quan điêm chung là phải chấn chỉnh ngay hiện tượng trên, đồng thời xem xét, xử lý trách nhiệm với từng cá nhân, tập thể cụ thể. Ai làm sai đều phải chịu trách nhiệm.

Trước mắt, trách nhiệm của HĐND là đi giám sát, phát hiện và nêu lên hiện tượng như vậy, tới đây, HĐND sẽ tái giám sát và theo tới cùng việc thực hiện, xử lý những vấn đề liên quan tới câu chuyện này", ông Bình cam kết.

Lam Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/ban-re-dat-vang-trung-tam-tphcm-hdnd-rat-xot-long-3358552/