Bản sắc dân tộc và chuỗi giá trị toàn cầu

Tại sao doanh nghiệp Việt không thể tự tạo ra chuỗi giá trị toàn cầu? Có lẽ chỉ duy nhất doanh nghiệp Việt mới có thể trả lời rốt ráo câu hỏi đó.

Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ lớn để làm lớn và cũng đừng băn khoăn về chuyện doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước; cũng không nên phân biệt doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ mà quan trọng là dòng máu Việt, văn hóa Việt phải chảy trong doanh nghiệp Việt. Chính sự kết tinh đó sẽ hun đúc sức mạnh và trở thành bệ đỡ để doanh nhân Việt tự xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu “make in Vietnam”.

Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2019 với chủ đề Việt Nam 2045 - Khát vọng hùng cường và sứ mệnh doanh nhân: Tổ quốc gọi tên mình.

Cội nguồn dân tộc

Cách đây hơn một thế kỷ, những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, ở nước ta, đã xuất hiện một lớp người giàu có với sản nghiệp được bồi đắp nên từ các hoạt động giao thương, buôn bán, tổ chức sản xuất công nghiệp… Trong số những người giàu có ấy, có một số người được người dân kính trọng, gọi là những “nhà tư sản dân tộc”, những “đại doanh gia”. Câu chuyện về công cuộc kinh doanh của những con người này đầy ắp những yếu tố phi thường, những cạnh tranh, sóng gió khốc liệt thương trường… Họ đã khẳng định được khát vọng làm giàu và tính cách độc lập, tự chủ của cộng đồng dân tộc Việt.

Ở miền Bắc, những “Nhà tư sản dân tộc” như: “Vua tàu thủy đất Bắc” Bạch Thái Bưởi, chủ hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi Trịnh Văn Bô, nhà đại tư sản quý tộc Đỗ Đình Thiện… Ở miền Nam, những “Đại doanh gia” như: “Tứ đại phú hộ: Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định” với những tên tuổi: Lê Phát Đạt (còn có tên là Sỹ), Đỗ Hữu Phương (Tổng đốc Phương)…

Dân tộc Việt Nam được thế giới biết đến và nể phục trong đấu tranh cách mạng, giành lại độc lập tự do thì tại sao trong hòa bình xây dựng đất nước hôm nay ta không thể làm cho thế giới biết đến là một dân tộc biết làm ăn và làm ăn giỏi, có những sản phẩm nổi tiếng được nhiều người biết đến, nhiều nước biết đến,toàn cầu biết đến.

Ngày 13/10, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 15 năm ngày doanh nhân Việt Nam, 74 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho giới Công Thương, VCCI trao tặng danh hiệu DOANH NHÂN TIÊU BIỂU - CUP THÁNH GIÓNG 2019.

Kỷ nguyên số và nền kinh tế số đang dần hiện hữu trong từ “ngóc ngách đời sống”, hơn lúc nào hết, tinh thần dân tộc phải cháy trong tâm thế của mỗi doanh nhân Việt và từ đó lan tỏa trong mỗi doanh nghiệp Việt.

Chính vì vậy, biểu trưng của phong trào thi đua “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” do VCCI phát động chính là chữ “V” của chúng ta: Chữ “V” là chữ cái đầu tiên trong tên nước Việt Nam, là chữ cái đầu tiên trong từ tiếng Anh Victory - Chiến thắng. Chữ “V” đặt trên nền tảng văn hóa Việt - Trống Đồng và được tỏa sáng bằng các sắc cầu vồng của 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Đó cũng là mong muốn của mỗi người dân dành cho doanh nghiệp Việt: Tâm thế của các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi, chuyển từ trạng thái bị động sang trạng thái chủ động hơn: Chinh phục người tiêu dùng Việt là con đường duy nhất để các thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển bền vững.

Lịch sử đã cho thấy có những thương hiệu "nhàng nhàng" ở nước ngoài được định vị thành cao cấp ở thị trường Việt Nam nhờ chủ nhân thương hiệu đó dẫn dắt bằng phong thái của mình. Nhưng cũng rất nhiều thương hiệu cao cấp bị bình dân hóa khi sang thị trường Việt Nam vì đẳng cấp của chủ nhân không đủ tinh tế. Và ngược lại, doanh nghiệp Việt ra thế giới phải trả lời câu hỏi: định vị mình ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu?

Từ Viettel, VinFast nghĩ tới giá trị toàn cầu

Thực tế không ít các doanh nghiệp của Việt Nam thành công khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và được bạn bè quốc tế công nhận.

Hãy nhìn nhận từ câu chuyện VinFast. Ở góc độ doanh nghiệp, được viết tắt bởi các từ: “Việt Nam - phong cách - an toàn - sáng tạo - tiên phong” - VinFast mang hàm nghĩa tự tôn dân tộc, đáp ứng niềm mong mỏi sở hữu một thương hiệu ô tô Việt trong nhiều thập kỉ của người dân Việt Nam.

Và rõ ràng, thành công là một quá trình chứ không hẳn là đích đến. Một trong số đó có thể kể đến tập đoàn Viettel. Ngày 22/1/2019, tại Davos - Thụy Sĩ, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Brand Finance – nhà tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới đã định giá Viettel 4,316 tỷ USD.

Lịch sử ghi, năm 1909, Bạch Thái Bưởi bước vào lĩnh vực kinh doanh được gọi là "vùng cấm" với người Việt, là kinh doanh vận tải đường sông. Các hãng tàu biển nổi tiếng lúc bấy giờ là của người Pháp và người Hoa, họ đã liên minh với nhau, để "bóp chết" Tàu Bưởi. Khi đứng bên bờ vực phá sản, Cụ Bạch đã nghĩ đến thứ vũ khí mà đối thủ không có trên đất nước Việt Nam, đó là tinh thần dân tộc. Ông cho rằng, mình là người Việt, kinh doanh trên đất nước mình, phục vụ cho đồng bào mình thì cớ sao đồng bào mình lại không ủng hộ mình? Trong vòng 6 năm, “Tàu Bưởi” đã bắt các đối thủ bỏ cuộc chơi… Hơn 100 năm trước, Việt Nam đã có “Tàu Bưởi” và bây giờ chúng ta hy vọng “ô tô Vượng” sẽ chiến thắng… Chúng ta tin doanh nhân Việt không thua kém. Nhiều thương hiệu Việt khác đang đi con đường của Tinh thần Việt và Công nghệ của tương lai.

Hiện nay, việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu có thể nói là bước đi bắt buộc của mọi doanh nghiệp nếu muốn lớn mạnh. Sáng tạo, chia sẻ và liên kết sẽ là chìa khóa để dẫn tới thành công. Nhưng tinh thần dân tộc chính là mạch nguồn sức mạnh của mỗi doanh nghiệp Việt.

Trung Quốc

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/ban-sac-dan-toc-va-chuoi-gia-tri-toan-cau-159292.html