Bản sắc văn hóa là động lực để phát triển kinh tế

'Đại dịch Covid-19 chứng minh dù thử thách rất nhiều, chúng ta không đầu hàng mà luôn tìm cách vươn lên. Đó là bản chất con người Việt Nam', PGS. TS Nguyễn Viết Thông phân tích.

Từ năm 2014, Nghị quyết 33 của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đề ra nhiều mục tiêu cụ thể.

Đó là hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam; từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa…

Dù các văn kiện quan trọng đều đề cao vai trò và tầm quan trọng của văn hóa, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương, cho rằng trong thực tế, thành tố này chưa thực sự được coi trọng.

"Rất tiếc có những thời điểm ta nhìn nhận chưa đúng, còn mờ nhạt khiến văn hóa chưa phát huy hết giá trị vốn có", ông Thông chia sẻ.

“Động lực và nguồn lực cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam” - tầm quan trọng của văn hóa một lần nữa được nhắc đến trong bài viết của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hồi cuối tháng 8, với tiêu đề "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới".

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Đảng từ lâu đã nhìn ra được động lực này. Nhiều văn kiện đề cập đến việc phải phát huy được lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường dân tộc.

"Đây là vấn đề được đúc rút ra qua mấy nghìn năm lịch sử và bây giờ cần coi đó là động lực để phát triển đất nước", ông Thông nhấn mạnh.

Nhắc lại bài học từ thời Việt Nam liên tục phải đối mặt với giặc ngoại xâm mạnh hơn nhiều lần nhưng chúng ta đều chiến thắng, ông Thông lý giải đó chính là nhờ sức mạnh của văn hóa và bản sắc con người Việt Nam, là tinh thần yêu nước, tính đoàn kết cộng đồng...

Bởi thế, không có lý do gì không coi đây là động lực mạnh mẽ để phát triển đất nước, huy động nguồn lực ấy vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Để làm được điều đó, chúng ta phải coi đây là một trong những nội dung đột phá chiến lược trong giai đoạn mới.

Trong văn kiện của các đại hội trước, vấn đề này đều được đề cập nhưng không rõ ràng. Văn kiện trình Đại hội XIII lần này, theo ông Thông, nói rõ hơn đến giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Và đặc biệt, nhấn mạnh khát vọng phát triển.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói ‘văn hóa soi đường cho quốc dân đi’, nhưng rất tiếc có những thời điểm ta nhìn nhận chưa đúng, còn mờ nhạt khiến văn hóa chưa phát huy hết giá trị vốn có”, ông Thông chia sẻ và kỳ vọng giai đoạn tới những tồn tại này sẽ được khắc phục.

Đặc biệt, theo ông, chúng ta phải phát huy hơn các giá trị đó trong kinh tế. Đây sẽ là một lợi thế bởi con người Việt Nam vốn rất cần cù, chịu khó, thông minh và sáng tạo.

“Đại dịch Covid-19 đã chứng minh, dù khó khăn, thử thách rất nhiều, chúng ta không đầu hàng mà luôn tìm cách vươn lên. Đó là bản chất con người Việt Nam, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù hay trước thiên tai, dịch bệnh”, Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương nói.

Ứng với xã hội ngày nay, theo ông Thông, tinh thần và văn hóa Việt Nam cần được phát huy trong nhiều lĩnh vực khác như kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Với nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới, TS Nguyễn Viết Thông cho rằng trước hết phải khái quát, đúc kết thành những luận đề để hoàn thiện, phát huy. Trước đó, đã có những đề tài nghiên cứu về vấn đề này nhưng chưa đủ cơ sở đưa vào văn kiện, và lần này đã được khái quát, cụ thể để đưa vào văn kiện trình Đại hội XIII.

Để xây dựng hệ giá trị quốc gia và con người Việt Nam, ông Thông gợi ý cần có mẫu số chung, ví dụ mẫu số về đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngày 20/10, bốn văn kiện quan trọng trình Đại hội Đảng XIII chính thức được công bố và lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Trong đó, dự thảo Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm của Đại hội.

TS Nguyễn Viết Chức (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng) góp ý báo cáo cần có điểm nhấn cụ thể, sâu đậm, thay vì cách trình bày “cái gì cũng phải có cho đầy đủ”.

Với kinh nghiệm thực tiễn trong nhiều năm công tác, ông Chức góp nhiều ý kiến về lĩnh vực văn hóa.

Theo ông, phần chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong dự thảo Báo cáo chính trị khá nghiêm khắc và rất chính xác: “Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có xu hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần’’... Tuy nhiên, điều này không mới vì đã nói nhiều.

Nghị quyết Trung ương đã chỉ rõ: “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển”. Bác Hồ cũng nhấn mạnh "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Văn hóa tư tưởng cũng từng được coi là một trong ba cuộc cách mạng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng CNXH.

“Vậy vì sao văn hóa vẫn chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế, chính trị?”, ông Chức đặt câu hỏi và bày tỏ tiếc nuối vì trong đổi mới, kinh tế phát triển, chính trị ổn định, nhưng lĩnh vực này chưa được quan tâm tương xứng.

“Sự mất cân bằng ấy đã sinh ra hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sự trong sạch và vững mạnh của Đảng, làm phâm tâm, suy giảm khối đại đoàn kết toàn dân. Nhân dân không thể tin vào ‘bộ phận không nhỏ’ tham nhũng, thoái hóa, biến chất! Nhân dân không thể chấp nhận thói tham lam, vụ lợi, bè phái trái với văn hóa truyền thống”, TS Nguyễn Viết Chức nêu quan điểm.

Theo ông, ai cũng nhận ra tác hại to lớn khi không coi trọng văn hóa. Kinh nghiệm lịch sử và lý luận từ truyền thống đến hiện đại đều chứng thực, ở đâu vai trò và vị trí của văn hóa bị hạ thấp, ở đó sẽ có hàng loạt bất cập trong kinh tế - xã hội, thậm chí bất ổn về chính trị.

GS Chức đồng thời nhấn mạnh nếu nói "đao to, búa lớn” về văn hóa nhưng không làm được thì chẳng những không có lợi mà còn gây bất lợi.

Góp ý về nhiệm vụ xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, TS Nguyễn Viết Chức nói: “Khi đọc gần hai trang A4, gặp phải quá nhiều cụm từ quen thuộc như đẩy mạnh, nâng cao, từng bước vươn lên, tăng cường, khẩn trương, chú trọng... tôi thực sự không thể hình dung vì sao lĩnh vực văn hóa lại được điểm đến một cách khiêm tốn như vậy”.

Ông góp ý nên dựa vào quan điểm đã được đưa ra trong văn kiện Đại hội XII với trọng tâm xây dựng văn hóa, con người Việt Nam là nhiệm vụ hàng đầu; đồng thời, yêu cầu cụ thể việc xây dựng hệ chuẩn giá trị con người Việt Nam.

Theo ông, xét cả hai mặt lý luận và thực tiễn, việc đưa vấn đề xây dựng văn hóa, con người lên hàng đầu là hoàn toàn đúng đắn, đúng tầm và có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực, không thể thiếu được. Bên cạnh đó, cần đánh giá vì sao vấn đề lớn như vậy chưa làm được? Giải pháp là gì?

“Văn hóa không chỉ là chuyện đàn ca, hát múa, càng không thể nặng về tuyên truyền, cổ động hình thức... Một loạt vấn đề hay, mới và rất thiết thực Đại hội XII của Đảng đã chỉ ra về văn hóa mà dự thảo lần này không đánh giá là một khiếm khuyết”, ông Chức nói và đề nghị xem lại cách đặt vấn đề, cả nội dung và cấu trúc phần nói về văn hóa trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII.

Ông lưu ý đổi mới cần cách nhìn mới, tư duy và hành động mới, nhưng không thể thiếu bài bản. Nếu thấy gì làm nấy sẽ lợi bất cập hại và hậu quả khôn lường.

Ở góc độ địa phương, lãnh đạo các tỉnh, thành cũng rất quan tâm đến mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa trong thời kỳ mới.

Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân coi văn hóa là một trong ba động lực phát triển chính của thành phố. Ông cho biết TP.HCM xác định văn hóa là mục tiêu, là nền tảng phát triển xã hội. Bên cạnh việc chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, với việc hình thành và phát huy động lực văn hóa, nguồn lực con người của thành phố sẽ phát huy mạnh hơn nữa.

Kỳ vọng sớm xây dựng được không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn đã được cụ thể hóa, bổ sung vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo ông Nhân, văn hóa Hồ Chí Minh sẽ trở thành một phần rất quan trọng của văn hóa người dân thành phố, là sức mạnh tinh thần đặc trưng của người dân trong thế kỷ 21.

Trong khi đó, là một tỉnh miền núi có nhiều khó khăn, song Yên Bái đã xây dựng được điểm đột phá trong nhiệm kỳ mới khi hướng tới hạnh phúc của người dân. “Chỉ số hạnh phúc” là nét riêng đặc sắc, lần đầu tiên được Yên Bái thể hiện trong văn kiện Đại hội đảng bộ tỉnh.

Bí thư Yên Bái Đỗ Đức Duy khẳng định yếu tố bản sắc luôn được tỉnh chú trọng, bởi địa phương có hơn 30 dân tộc anh em với những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo. Lãnh đạo tỉnh coi đây là nguồn tài nguyên quý, vì phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị văn hóa sẽ trở thành “nguồn sinh lợi”.

“Bản sắc văn hóa không chỉ là động lực tinh thần mà trở thành yếu tố làm gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Duy nhấn mạnh.

Để hiện thực hóa nhiệm vụ phát triển văn hóa, ông cho biết địa phương có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch thông qua hỗ trợ các đội văn nghệ cộng đồng; hay nói cách khác, Yên Bái chọn lối đi thông qua phát triển kinh tế để bảo tồn các giá trị văn hóa và sử dụng giá trị, bản sắc văn hóa để phát triển du lịch, kinh tế.

Nhắc đến đầu tư, phát triển văn hóa, đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ “một câu chuyện buồn” để minh chứng cho quan điểm dù Đảng và Nhà nước luôn đề cao vị trí, vai trò của văn hóa, thực tế lĩnh vực này vẫn chưa thực sự được coi trọng.

Câu chuyện được ông Quốc nhắc đến gắn với nơi ông làm việc là Bảo tàng Lịch sử quốc gia - nơi lưu giữ những hiện vật, phản ánh nền văn hóa, lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt từ thuở sơ khai. Vậy nhưng theo ông Quốc, nơi này lại không xứng tầm với những ý nghĩa vốn có.

Nhắc lại chủ trương đầu tư 11.000 tỷ để xây mới bảo tàng, ông Quốc cho biết khi đưa ra, rất nhiều ý kiến phản đối bởi cho rằng không cần thiết, cần đầu tư trường học, bệnh viện, đường sá hơn… “Những mục đích đó không sai, nhưng rõ ràng nó cho thấy lĩnh vực quan trọng nhất của chúng ta là văn hóa đã không được xem trọng”, ông Quốc nói.

Theo ông, Việt Nam đang trên con đường phát triển, tiếp cận với nhiều giá trị lớn, nếu còn giữ suy nghĩ đầu tư cho văn hóa là xa xỉ thì rất nguy hiểm.

“Trước nay chúng ta luôn quan niệm ‘phú quý sinh lễ nghĩa’, luôn đặt văn hóa, tức “lễ nghĩa” sau mục tiêu về kinh tế. Nhưng thời đại ngày nay đã khác, xã hội cũng thay đổi rất nhiều nên phải đặt lại nguyên lý ‘lễ nghĩa sinh phú quý’ mới đúng”, nhà sử học Dương Trung Quốc nêu quan điểm.

Ông Dương Trung Quốc cho rằng trong nhiệm kỳ mới, cần tập trung đầu tư cho văn hóa sao cho tương xứng với những giá trị nó mang lại cho xã hội.

Nhấn mạnh giai đoạn hiện nay đang là thời kỳ, là cơ hội của văn hóa, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng nếu biết tận dụng và khai thác, văn hóa sẽ đem lại những giá trị, lợi ích to lớn mà khó có thể đong đếm.

“Nếu chúng ta quan tâm, đầu tư cho văn hóa một cách xứng tầm thì đất nước mới phát triển ổn định và bền vững được”, ông Quốc nói.

Nhắc lại nhiệm vụ được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề cập là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc góp ý kết hợp những giá trị truyền thống với bối cảnh hiện đại, đôi khi phải thay đổi truyền thống để phát huy sức mạnh văn hóa trong thời kỳ mới.

Khi đã xây dựng được một hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam, ông Quốc cho rằng trước hết cần có một tầng lớp biết gương mẫu trong xã hội. Và đó thường là những người lãnh đạo, có vị trí trong xã hội.

Lãnh đạo nói mà không làm thì những giá trị truyền thống dù tốt đẹp cũng không thể đi vào đời sống, bởi giá trị truyền thống có những yếu tố mang tính chất hy sinh. Sự gương mẫu chính là một phần chứa đức hy sinh của con người đó”, ông Quốc nêu quan điểm.

TS Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội) thì cho rằng thời nay, không thể nói yêu nước, xây dựng truyền thống văn hóa của đất nước một cách chung chung, trừu tượng, mà phải có mục tiêu cụ thể, làm được những việc đột phá.

Đại dịch Covid-19 vừa qua, theo bà, là một bài học quý về xây dựng giá trị văn hóa và bản sắc con người Việt Nam. Bởi, ở đó có sự yêu nước, có tinh thần đoàn kết, tấm lòng nhân ái giữa con người với con người.

Đặc biệt, có sự tin tưởng tuyệt đối của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ nên bất cứ quyết sách gì được đưa ra, người dân đều hoàn toàn ủng hộ, làm theo. Trong khi đó nhìn ra thế giới, nhiều nước thậm chí biểu tình vì yêu cầu đeo khẩu trang hay giãn cách cách xã hội.

“Việc tin tưởng vào Đảng và có ý thức đoàn kết, kỷ luật tuyệt đối của Việt Nam là việc nhiều nước trên thế giới không có được”, bà Hồng nói.

Chia sẻ mục tiêu phát huy giá trị văn hóa trong ngành y nói riêng - lĩnh vực vừa qua đã có rất nhiều đóng góp trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh một trong những mục tiêu hướng tới của ngành y chính là xây dựng một môi trường văn hóa mà ở đó những giá trị nhân bản của ngành, của bệnh nhân và của thầy thuốc đều được đề cao và tôn trọng.

“Trong những năm tới, ngành y sẽ vẫn tiếp tục trau dồi y đức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ứng dụng những thành quả y học hiện đại để chăm sóc sức khỏe của người dân tốt hơn. Chúng tôi sẽ đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng văn hóa cho từng cơ sở y tế kết hợp giữa những yêu cầu chung của ngành với những đặc điểm văn hóa vùng miền và cộng đồng nơi cơ sở y tế đó hoạt động”, ông Sơn nói.

Theo ông, ngành y có rất nhiều thuận lợi để triển khai thực hiện, bởi xét về bản chất, hoạt động ngành y là tạo ra những giá trị tốt đẹp và nhân văn cho cuộc sống.

Hoài Thu
Đồ họa: Phượng Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ban-sac-van-hoa-la-dong-luc-de-phat-trien-kinh-te-post1129896.html