Bán tài liệu mật để có tiền trả nợ

10 giờ tối ngày 21-6-2001, Brian Patrick Regan, nhân viên thuộc Cơ quan Trinh sát quốc gia (NRO), Mỹ, lái chiếc Ford Everest đến trước lối vào công viên Pocahontas, bang Virginia rồi dừng lại. Giây lát, ông ta bước xuống, kín đáo quan sát xung quanh bằng cách hút một điếu thuốc lá…

Lúc thấy không có gì bất thường, Regan đeo chiếc ba lô lên vai, đi vào công viên trong bóng tối tạo ra bởi những cành cây rậm rạp. Mục đích của Regan là chôn giấu những tài liệu tuyệt mật mà ông ta lấy cắp được từ NRO để bán nó cho Iraq, Libya và một quốc gia châu Á…

Mưu sâu kế hiểm

Trước khi tránh những con đường mòn do những người chạy bộ tạo thành, Regan móc từ túi áo khoác chiếc kính hồng ngoại nhìn đêm, đeo lên mắt. Sau đó ông ta men theo một con lạch, vừa đi vừa quan sát những cây sồi và những cây phong. Đến một đoạn dốc, Regan dừng lại, đặt ba lô xuống rồi tháo lấy chiếc xẻng cùng tấm vải nhựa, trải nó lên mặt đất.

Regan đang sao chụp tài liệu tại văn phòng của ông ta ở NRO.

Gần 1 tiếng sau, Regan lần lượt đào một loạt 12 chiếc hố nhỏ. Đất đào lên được ông ta đổ vào tấm vải nhựa để bảo đảm không một mẩu nào lọt ra ngoài. Cuối cùng, Regan mở ba lô lấy ra 12 gói tài liệu bọc trong những cái túi đựng rác, cho xuống từng chiếc hố, lấp đất lại như cũ.

Những tài liệu ấy bao gồm những bức ảnh từ vệ tinh trinh sát Mỹ, chụp các hệ thống tên lửa phòng không của Libya, Iraq và một quốc gia châu Á cùng các đĩa CD, các thẻ nhớ chứa 15 nghìn trang tài liệu, băng video, các báo cáo có đóng dấu tối mật về mạng lưới gián điệp Mỹ ở nước ngoài. Nó tiết lộ chính xác những gì mà nước Mỹ biết về hệ thống phòng thủ của các quốc gia ấy, đủ để Mỹ chiếm thế thượng phong nếu chiến tranh xảy ra.

Sau khi xóa sạch các dấu vết, Regan đến một cây phong cạnh đó, đóng lên thân cây một chiếc đinh nhỏ. Bằng cách sử dụng thiết bị định vị GPS, Regan ghi lại tọa độ của chiếc đinh. Quay ra xe rồi trở về nhà, tại phòng khách, ông ta ghi lại tọa độ nơi cất giấu tài liệu vào một mảnh giấy nhỏ, nhét nó trong chiếc hộp đựng bàn chải đánh răng rồi chôn nó sát hàng rào ở khu vườn gần nhà. Việc cuối cùng cần làm là xóa tọa độ trên thiết bị GPS. Bây giờ, Regan chỉ còn chờ câu trả lời của Libya, Iraq và một quốc gia châu Á về giá tiền mà họ sẽ trả cho ông ta để mua những tài liệu ấy là bao nhiêu.

Những tài liệu Regan đánh cắp mà FBI thu được.

Sinh ngày 23-10-1962 tạithành phố New York, từ tháng 7-1995 đến tháng 8-2000, Brian Patrick Regan là chuyên gia tình báo tín hiệu tại Cơ quan Trinh sát quốc gia (NRO) căn cứ đặt tại hạt Chantilly, bang Virginia, nơi quản lý và điều hành hoạt động của các vệ tinh gián điệp. Đến tháng 10-2000, Regan được Cơ quan sản xuất thiết bị do thám điện tử TRW thuê, nhưng chỉ một thời gian ngắn ông ta lại quay về NRO.

Với cương vị của mình tại NRO, Regan được quyền truy cập vào một hệ thống, gọi là “Khoang nhạy cảm”, trong đó lưu trữ tất cả những tài liệu tuyệt mật về một số quốc gia không cùng chiến tuyến với Mỹ do vệ tinh trinh sát Mỹ thu thập, từ những căn cứ tàu ngầm, hệ thống tên lửa phòng không, các sân bay, số lượng máy bay, tàu chiến, các cuộc chuyển quân trên bộ, trên biển đến những nhà máy sản xuất bom và đầu đạn hạt nhân, vũ khí sinh học,...

Sau này, khi Regan bị bắt, các nhà phân tích thuộc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) nhận định rằng nếu những tài liệu mà Regan đánh cắp lọt vào tay Saddam Hussein ở Iraq hoặc Gaddafi ở Libya thì hai nhà lãnh đạo này hoàn toàn có thể thay đổi thế trận phòng thủ, thậm chí tạo ra những trận địa giả nhằm đánh lừa không quân, bộ binh, pháo binh và xe tăng Mỹ. Hậu quả là khi Mỹ đưa quân xâm lược Iraq ngày 20-3-2003, cái giá phải trả sẽ rất nặng nề.

Túng quá hóa liều

Vậy thì nguyên nhân nào dẫn Regan đến cái việc liều lĩnh ấy? Năm 1999, Regan mua một căn nhà và vẫn còn nợ 117 nghìn USD trong lúc mức lương của ông ta chỉ 25 nghìn USD/năm. Đã vậy Regan còn phải nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn học cùng người vợ làm nghề điều dưỡng. Viễn cảnh mất nhà nếu không kiếm được tiền trả nợ đã khiến ông ta “túng quá hóa liều”.

Một ngày gần cuối năm 1999, khi truy cập vào “Khoang nhạy cảm”, Regan nhìn thấy những bức không ảnh, chụp sự di chuyển của một hệ thống tên lửa phòng không ở thành phố Tirkit, quê hương Saddam Hussein. Bên cạnh đó, ông ta cũng thấy nhiều ảnh chụp một tàu vận tải của một quốc gia châu Á, chở vũ khí đến Libya và những phân tích kèm theo của điệp viên CIA nằm vùng trong lúc Libya đang bị Liên Hiệp Quốc cấm vận. Trong đầu Regan nổi lên ý nghĩ, rằng tại sao ông ta lại không bán nó để kiếm tiền vì ông ta biết người mua sẵn sàng trả giá cao.

Brian Patrick Regan.

Và thế là tại một dịch vụ vi tính công cộng cách nhà 8km, Regan lập một tài khoản trên mạng Internet với cái tên giả là James. Tiếp theo, ông ta gửi cho Saddam Hussein một email thông qua địa chỉ của Đại sứ quán Iraq ở Geneve, Thụy Sĩ. Email có đoạn viết: “Tôi hy vọng ngài sẽ trả cho tôi 13 triệu USD khi ngài nhận được những tài liệu mà tôi sắp gửi đến ngài. Ở nước Mỹ, có những vận động viên, những ca sĩ kiếm tiền nhiều hơn thế chỉ bằng những trò tào lao thì tại sao tôi lại không xứng đáng được hưởng từ những gì tôi đã lấy bằng tất cả nỗ lực…”. Với Libya và một quốc gia châu Á, Regan cũng đưa ra đề nghị tương tự.

Giữa tháng 7-2001, một điệp viên của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở nước ngoài gửi về trụ sở Langley một bản tin, cho biết đã thu được một số email của một người có nickname là James, nội dung đề nghị bán những bí mật quân sự Mỹ cho Iraq, Libya và một quốc gia châu Á. Điểm đặc biệt là người viết email thường viết sai từ vựng, chẳng hạn như chữ “imprisoner” thì trở thành “emprisoner”, “espionage” thành "esponage".

Tiến hành sàng lọc những nhân viên làm việc trong các đơn vị có liên quan đến chương trình trinh sát vệ tinh, CIA thấy nổi lên Brian Patrick Regan. Tìm hiểu thêm, CIA còn biết Regan có tật nói lắp, và hay viết sai chính tả trong các bản báo cáo. Vụ việc được CIA bàn giao cho Cục Điều tra Liên bang FBI. Nhằm có đủ chứng cứ để chứng minh Regan lấy cắp tài liệu, FBI cho đặt những camera bí mật trong phòng làm việc của ông ta. Hình ảnh thu được sau đó cho thấy Regan đã thực hiện việc sao chép một số tài liệu từ “Khoang nhạy cảm” vào những con chip, ghi lại các video clip từ vệ tinh trinh sát vào các đĩa CD.

Ngày 23-8-2001, Regan xin nghỉ phép với lý do đưa vợ con đi du lịch ở Orlando, bang Florida. Tuy nhiên, lúc 4 giờ chiều, ông ta lái xe đến sân bay Dulles, Washington DC với vé máy bay đi Geneve, Thụy Sĩ. Sau khi hoàn tất các thủ tục an ninh, Regan cùng các hành khách lên xe bus ra máy bay. Lúc cánh cửa xe bus sắp sửa đóng lại, một đặc vụ FBI là Steven Carr cùng một đặc vụ nữa, lách qua đám đông đến trước mặt Regan, mời ông ta xuống.

Khám xét nhanh, Steven Carr thu được trong đế giày của Regan một mẩu giấy, ghi địa chỉ cùng số điện thoại của Đại sứ quán Iraq, Libya và một quốc gia châu Á ở Geneve, Thụy Sĩ. Trong ví của Regan, Steven Carr còn thu được một tờ giấy ghi nhiều mẫu tự và những dãy số nhưng Regan không thừa nhận nó là của mình.

Cuộc đấu trí

Những ngày tiếp theo, tất cả những bộ óc xuất sắc nhất về mật mã ở NSA, NRO, CIA và FBI tập trung tìm hiểu tờ giấy thu trong ví Regan. Suốt 2 tháng, họ chỉ có thể biết rằng những ký tự và những dãy số đề cập đến tên lửa, súng phòng không, những bãi phóng và các tọa độ. Cuối cùng, họ phải nhờ đến Daniel Olson, một chuyên gia mã hóa, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Quantico, Virginia.

Theo Olson thì đây là một cuộc đấu trí cực kỳ căng thẳng: “Regan đã tạo ra bộ mật mã bằng cách sử dụng một cuốn niên giám điện thoại, pha trộn nó với bộ mã cổ có từ thời Hoàng đế La Mã Julius Cesar. Trong tờ giấy, dòng đầu tiên là những chữ “NVOAIPG…”.

Bảng mật mã do Regan sáng tác và địa điểm nơi ông ta chôn giấu tài liệu mật.

Sau khi giải mã, nó trở thành “MUNZHOF BANHOF-STR”, nhìn như tiếng Đức.Giải thêm một lần nữa, nó là địa chỉ của ngân hàng UBS ở Zurich, Thụy Sĩ. Tại dòng thứ 2, hàng chữ “BUNDESPLATZ” là địa chỉ của một ngân hàng Thụy Sĩ khác ở Bern”. Tuy nhiên, địa điểm mà Regan chôn giấu những tài liệu đánh cắp ở đâu thì Olsen không giải nổi, còn Regan cũng không chịu nói.

Đầu tháng 1-2003, Regan ra tòa về tội phản quốc, gián điệp. Mức án mà công tố viên đề nghị cho ông ta là án tử hình. Bào chữa cho Regan, luật sư Nina Ginsberg cố gắng giảm nhẹ: “Các bức thư gửi Hussein và Qaddafi đã chứng minh đó là tâm trí trẻ con hơn là mưu đồ. Regan bị ảo tưởng gián điệp chi phối. Những chi tiết ghi trên tờ giấy chỉ là những cụm từ vô nghĩa và đó chính là lý do vì sao không ai giải được”.

Ngày 21-3-2001, bồi thẩm đoàn Tòa án Tối cao Liên bang tuyên phạt Regan tử hình. Ngay hôm sau, Regan xin khai báo về nơi chôn giấu tài liệu để đổi lấy án tù chung thân không ân xá.

Steven Carr, đặc vụ FBI nói: “Đầu tiên, ông ta chỉ chỗ giấu tờ giấy ghi tọa độ nơi ông ta chôn tài liệu, đặt trong một chiếc hộp nhựa đựng bàn chải đánh răng. Khi chúng tôi lấy được, ông ta khai tiếp cách giải mã để tìm ra tọa độ ấy”.

Kết quả trong 19 cái hố, gồm 12 hố ở công viên Pocahontas, bang Virginia và 7 hố ở công viên thung lũng Patapsco, bang Maryland, FBI thu hồi được 6 đĩa CD, 5 cuốn băng video, 20 con chip thẻ nhớ cùng hàng trăm bức ảnh vệ tinh. Một quan chức của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) cho biết với số tài liệu ấy, những quốc gia thù địch với Mỹ sẵn sàng bỏ ra - không phải là vài chục triệu - mà là hàng trăm triệu USD để có được chúng.

Theo đặc vụ Steven Carr, khi đưa Regan đến địa điểm mà ông ta chôn giấu tài liệu đã đánh cắp thì trời đang mưa. Regan bước ra khỏi xe với chiếc áo mưa trùm kín đầu, tay bị còng, hai bên có hai đặc vụ đi kèm. Lúc bước tới con lạch, sợ Regan nhảy xuống tự tử nên Steven Carr phải túm chặt lấy cái áo mưa. Đến gần một cây phong, Regan dừng lại, suy nghĩ một lát rồi chỉ sang bên cạnh: “Đó, tôi chôn nó ở chỗ này”. Một vài người chạy bộ đang trú mưa khi thấy các đặc vụ FBI đào bới đã tò mò đến xem. Để tránh gây náo động, Steven Carr trả lời rằng họ đang tiến hành thăm dò địa chất để phục vụ cho một dự án khảo cổ.

Vẫn theo đặc vụ Steven Carr, khi đưa Regan trở lại nhà tù Hazelton ở quận Preston, bang West Virginia, Carr và các đồng nghiệp dừng xe trước cửa tiệm McDonald để mua nước uống: “Nhân dịp ấy, tôi hỏi Regan có muốn ăn gì không? Regan trả lời rằng làm ơn mua cho ông ta 3 cái bánh hamburger và chỉ trong một loáng, ông ta ăn hết sạch…”.

Vũ Cao (theo FBI Files)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/ban-tai-lieu-mat-de-co-tien-tra-no-502710/