Bàn tay làm nên tất cả

'Người của công chúng' là tên gọi vui mà anh chị em công nhân khai thác mủ cao su của Công ty 74 dành cho Rơ Mah Kíu khi anh xuất sắc vượt qua 55 tuyển thủ để đoạt giải 'Bàn tay vàng' trong Hội thi 'Thợ giỏi khai thác mủ cao su' năm 2020, do Binh đoàn 15 tổ chức.

Sinh ra từ làng, phải nghỉ học sớm vì gia cảnh nghèo khó, nhưng bằng ý chí và tài năng, Rơ Mah Kíu không chỉ giúp gia đình đến được bến bờ an vui, no ấm, mà còn truyền cảm hứng sống và làm việc tới nhiều chàng trai, cô gái cùng trang lứa.

25 tuổi, có một vợ và hai con, lại chăm sóc, nuôi dưỡng cha già mẹ yếu, chừng ấy là quá nhiều vất vả với Rơ Mah Kíu-chàng trai sinh ra trong một gia đình thuộc hộ cận nghèo của làng Lú 1, xã Ia Chía (Ia Grai, Gia Lai). Anh sớm có ý thức chăm chỉ lao động sản xuất cũng vì lẽ đó. Ban đầu, như tâm lý chung của bà con trong làng, Rơ Mah Kíu rất ngại ký hợp đồng dài hạn với công ty mà chỉ nhận khoán vườn cây để chăm sóc, vì lo sợ phải mất một khoản chi phí đóng bảo hiểm, lại bị ràng buộc ngày-giờ công. Giai đoạn ấy chỉ giúp xóa đói chứ chưa thể giảm nghèo. Nhờ bộ đội Công ty 74 kiên trì tới tận làng để tuyên truyền, giải thích về những lợi ích kinh tế lâu dài, bền vững, lại thêm Rơ Mah Kíu trẻ người nhưng không non dạ nên đầu năm 2015, anh chính thức tham gia Đội sản xuất 16.

Cán bộ Công ty 74 hướng dẫn Rơ Mah Kíu kỹ thuật khai thác mủ cao su.

Cán bộ Công ty 74 hướng dẫn Rơ Mah Kíu kỹ thuật khai thác mủ cao su.

Nhiệt tình, chịu thương chịu khó là những phẩm chất đáng quý nhất của anh công nhân Rơ Mah Kíu. Nói về đồng đội, Thiếu tá Trần Văn Thạch, Đội trưởng Đội sản xuất 16, cho biết: “Qua các đợt kiểm tra định kỳ, Rơ Mah Kíu đều đạt loại giỏi. Càng về sau, Rơ Mah Kíu càng nắm vững quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác mủ cao su. Vườn cây do anh chăm sóc luôn có độ sinh trưởng tốt, cho năng suất cao”.

Gặp Rơ Mah Kíu giữa vườn cao su lặng gió, nét bẽn lẽn của anh khiến chúng tôi có cảm tình ngay. Anh thật thà chia sẻ: “Em đang đảm nhận chăm sóc, quản lý và khai thác 2 vườn cao su, sắp tới sẽ nhận thêm vườn cho đủ định mức. Nhờ có việc làm ổn định mà em vượt qua khó khăn, có tiền nuôi con ăn học và chăm lo bố mẹ. Bộ đội 74 giúp đỡ em nhiều lắm”.

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ ở đội sản xuất, Rơ Mah Kíu còn là gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình. Ngẫm thấy đất vườn màu mỡ mà chỉ trồng đôi ba hạt lúa thì không “nên chuyện”, anh mạnh dạn trồng thêm 2,7ha các loại cây công nghiệp, như: Cao su, điều, cà phê, tới nay đã cho thu hoạch. Trừ các khoản chi phí, bình quân thu nhập đạt cả trăm triệu đồng mỗi năm, vừa đủ để anh trang trải chi phí sinh hoạt và sắm được một số vật dụng thiết yếu cho ngôi nhà. Nhìn thấy điều đó, các bạn trẻ khác trong làng cũng hăng hái tham gia đội sản xuất, bỏ dần hủ tục, tệ nạn trước đây chỉ khiến buôn làng chìm trong nghèo đói, lạc hậu.

Chia tay Rơ Mah Kíu và cán bộ, chiến sĩ, người lao động Công ty 74, chúng tôi cứ mường tượng về những khu vườn thơm mùi đất vừa mới xới; bữa cơm tối của gia đình Rơ Mah Kíu có thịt, cá, rau xanh rồi những khoảnh khắc cùng bà con nhóm lửa sum họp, quây quần bên nhau để đón đợi một mùa xuân mới. Cảnh tượng ấy mới an vui làm sao! Về với Công ty 74 lần này mới vỡ lẽ rằng: Đất chẳng bao giờ phụ lòng người, mà con người thì nhờ vào đôi bàn tay để làm nên tất cả.

Bài và ảnh: LỮ HỒNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/ban-tay-lam-nen-tat-ca-652808