Bản thảo cuốn sách của ba

Để tưởng nhớ ba tôi, Nhà báo - Liệt sỹ Trần Văn Anh.

Hình ảnh những nhà báo chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ

Từ lúc còn đang học cấp 1, cấp 2 gì đó, tôi có nghe mẹ kể rằng lúc lên đường vào công tác chiến trường Quảng Nam (1965) cũng là lúc ba tôi đang viết dở một cuốn tiểu thuyết đầu tay. Bản thảo phần đã viết ba không dám mang theo vì sợ ra chiến trường bom đạn dễ bị thất lạc nên gửi cho một người bạn văn nào đó ở lại Hà Nội giữ hộ. Ba dự định sẽ viết tiếp trong thời gian công tác ở chiến trường để ngày chiến thắng hoặc khi quay trở ra miền Bắc sẽ xuất bản cuốn sách đó. Mẹ bảo mẹ biết được điều đó do nghe loáng thoáng từ những lần ba tụ tập tại nhà cùng 1 số bạn bè, trong đó đa số là đồng hương Quảng Nam và công tác trong lĩnh vực báo chí, văn nghệ … mà mẹ chỉ đóng góp với vai trò phục vụ vòng ngoài, tức là nấu nướng và dọn dẹp. Mẹ tự nhận mình là người ngoài cuộc với văn chương, chỉ tôn trọng công việc và sự đam mê của ba, nên sau này mẹ rất lấy làm tiếc vì đã không là người quan tâm đúng mức đến văn học, đến chuyện viết lách của ba để có thể trao đổi cùng ba và để ba có thể tin tưởng giao cho lưu giữ bản thảo đó. Mẹ không biết hết những bạn bè của ba, nhưng có hỏi một số bạn bè gần gũi với ba và thường hay ghé thăm nhà sau khi ba vào chiến trường như bác Liệu (nhà nghiên cứu Thạch Phương), cậu Nam (nhà báo Đặng Ngọc Nam - báo Đại Đoàn Kết) – vừa là cậu họ tôi, vừa là bạn thân với ba … thì những người này đều có biết về bản thảo đó nhưng cũng không biết ba gửi lại cho ai.

Tôi lúc còn nhỏ nghe vậy thì biết vậy thôi. Theo thời gian, tôi lớn hơn lên, nhận thức về ý nghĩa bản thảo cuốn sách dang dở của ba cũng lớn hơn, tôi nảy ra ý định đi tìm bản thảo ấy.

Năm 1980, sau khi tốt nghiệp cấp 3 và thi đại học xong, tôi xin mẹ cho ra Hà Nội chơi đồng thời sẽ dành thời gian đi tìm bản thảo đó. Đó cũng là lần đầu tiên tôi quay trở lại Hà Nội sau 5 năm kể từ ngày nhà tôi chuyển vào Đà Nẵng.

Ra Hà Nội tôi ở nhà bác Hoàng Hưng, một người bạn thân của ba từ ngày ba còn trong bộ đội, cũng là một trong số ít những người bạn của ba tôi biết mà không thuộc giới văn nghệ. Bác Hưng là cựu sỹ quan quân đội, là thương binh nên lúc đó đã nghỉ hưu sớm.

Manh mối duy nhất để tôi bắt đầu việc đi tìm bản thảo là bác Huỳnh Lý.

Tôi biết bác Huỳnh Lý từ ngày tôi còn học lớp 1, lớp 2, khi bác ghé thăm mẹ con tôi ở nơi sơ tán Ba Vì và tặng cho mấy mẹ con cuốn truyện “Không gia đình” của Hector Malot do bác dịch, mới được xuất bản. Bác Huỳnh Lý vóc người nhỏ nhắn, gầy gò, nước da trắng xanh, nói năng nhẹ nhàng, hiền từ, phảng phất bóng dáng ông đồ nho ngày xưa. Sau này nhà tôi chuyển về khu tập thể ngân hàng Từ Liêm, mẹ thường xuyên chở tôi đến thăm gia đình bác hơn vì nhà bác ở trong khu tập thể số 50 Thi Sách, Hà Nội, cách nhà tôi chỉ khoảng 10km. Gia đình bác với gia đình tôi có một mối quan hệ đặc biệt thân tình. Ngoài tình đồng hương giữa những cán bộ Quảng Nam tập kết, bác Huỳnh Lý còn là thầy dạy của cả ba lẫn mẹ tôi. Mẹ là học trò của bác ở trường tiểu học kháng chiến Phan Chu Trinh ở Quảng Nam từ trước ngày tập kết (1954). Sau ngày tập kết ra bắc, ba tôi là học trò của bác khi quyết định theo đuổi nghiệp viết. Bác là người thầy, người anh lớn của ba mẹ tôi và là người thầy, người bạn tâm giao của ba trong cả đời sống lẫn trong lĩnh vực văn chương. (Có một sự tình cờ thú vị là quãng 1973-1974, chị Yên con gái bác tốt nghiệp đại học sư phạm về dạy tại trường cấp 3 Minh Khai, lại là cô giáo của hai chị gái của tôi nữa). Tôi tuy còn nhỏ nhưng cũng hiểu được mối thân tình với gia đình bác, qua việc mỗi lần đến chơi, bác Cam – vợ bác Huỳnh Lý hay ôm tôi, vừa xoa đầu vừa mắng yêu “Tổ cha mi, giống cái thằng cha mi quá đi nà” (bác Cam người Huế), rồi vừa khóc vừa kể những kỷ niệm về ba.

Vì vậy, khi từ Đà Nẵng trở ra Hà Nội và tìm đến nhà bác Lý, dù chỉ là cậu trai mới lớn và đã lâu ngày không đến nhà bác, tôi không hề có cảm giác e ngại gì.

Hôm đó, một ngày hè năm 1980, anh Trung con bác Hưng, lớn hơn tôi một tuổi, đèo tôi bằng xe đạp đến nhà bác Huỳnh Lý. Anh Trung ở Hà Nội từ xưa đến giờ, thường xuyên đến thăm bác thì không nói, còn tôi, khỏi cần kể hai bác đã vui mừng như thế nào khi gặp lại “con trai chú Anh” từ Đà Nẵng ra. Bác Cam nói như ra lệnh : “Hai đứa bay phải ở lại đây trưa nay ăn cơm với hai bác đấy”, rồi le te xách chiếc làn chạy ra chợ Hôm.

Tôi hỏi bác Huỳnh Lý về bản thảo của ba. Bác bảo : ”Có, nó có đưa cho bác đọc. Nó bắt đầu viết đâu như từ 59, 60, viết tới đâu nó đưa tới đó để bác đọc và góp ý. Cứ vài tháng lại thấy nó đưa bác xem một đoạn. Ba cháu ham nhiều hoạt động, đi công tác nhiều nên viết rất chậm, nhưng mà có tài đó, nó viết hay lắm, chứ ba thằng này (bác vừa cười vừa chỉ vào anh Trung) hồi đó thấy tụi nó viết lách thì cũng đua đòi viết mà viết dở ẹc, bác bảo mày không viết được, chỉ làm kinh tế thì giỏi thôi”. Mà quả đúng vậy, nhà bác Hưng nhận được mối gia công đan lưới thể dục thể thao (lưới bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông …) cho ngành thể thao từ 9, 10 năm nay nên kinh tế gia đình rất khá giả, giữa thời bao cấp khó khăn thiếu thốn lúc ấy mà mấy ngày tôi ở nhà bác sáng nào cũng được bác gái cho cả nhà ăn bánh cuốn giò lụa, mâm cơm trưa, chiều bữa thì thịt lợn luộc, bò xào, bữa thì cá chép to đùng rán nguyên con vàng rộm. Tôi hỏi : “Cuốn sách ba cháu viết về gì hả bác?”. Bác Lý nói : “Lâu rồi, mười mấy hai chục năm rồi bác cũng không nhớ rõ hết, nhưng là nó viết về quê hương Quảng Nam, về lịch sử đấu tranh cách mạng của vùng đó từ ngày kháng chiến chống Pháp cho đến kháng chiến chống Mỹ. Bác chỉ nhớ là nó viết rất hay, bác không phải góp ý gì nhiều. Có một đoạn bác nhớ rõ vì rất thú vị, nội dung chỉ là xoay quanh việc một số ông cán bộ việt minh muốn chặt bỏ một cây đa cổ thụ được xem là linh thiêng trong làng với lý do chống mê tín dị đoan, một số khác không đồng ý, bèn đưa ra hỏi ý kiến dân làng thì nổ ra một cuộc tranh luận sôi nổi giữa hai phe tán thành và không tán thành. Đoạn đó nó viết giống như một cuộc đấu tranh thu nhỏ giữa cái cũ và cái mới, giữa ý thức bảo tồn văn hóa với tinh thần cách mạng giáo điều cực đoan. Thời điểm đó mà nó đã có những ý tưởng rất mới như vậy, giọng văn thì nhẹ nhàng, dí dỏm, dễ đọc, thật sự xuất sắc, bác rất thích”. Tôi nói : “Cháu ra đợt này cũng định tìm lại bản thảo đó, nghe nói lúc đi B ba cháu có gửi cho ai đó giữ hộ, bác có biết không ạ?”. Bác Lý tháo chiếc kính cận dày cộp ra lau nước mắt rồi đeo lại, nhìn lên trần nhà để cố nhớ : “Hồi đó ba cháu cứ lai rai vài tháng lại đưa một chương cho bác xem, mà nó không chỉ đưa mình bác xem mà còn đưa cho vài người khác xem nữa để tham khảo ý kiến, rồi đem những ý kiến đó trao đổi lại với bác. Ba cháu nó cẩn thận lắm. Bác nhớ ngày đó nó có hay qua lại chỗ chú B, Nguyễn Văn B “con Tr.” đó, cháu biết chứ?”. Mình trả lời : “Dạ cháu biết, bác ấy nổi tiếng, nhắc đến bác ấy là người ta nói ngay đến con Tr., trong trích giảng văn học bọn cháu học cũng có 1 bài trích trong tác phẩm “con Tr.” của bác ấy”. “Đúng rồi, B hồi đó đã nổi tiếng, lại lớn hơn ba cháu cả con giáp nên ba cháu xem như lớp đàn anh, hay theo để học hỏi. Hay là cháu đến chỗ B hỏi xem ba cháu có gửi bản thảo cho nó không, hoặc có khi B nó biết ba cháu gửi cho ai”. Trong tôi lúc ấy lóe lên tia hy vọng như tia sáng cuối đường hầm vậy. Tôi ngập ngừng : “Nhưng cháu không biết bác ấy ở đâu, với cũng chưa gặp bác ấy bao giờ, làm sao …”. Bác Lý nói : “Nó ở ngay chỗ Nguyễn Thượng Hiền đây chứ đâu”. Vừa nói bác vừa với tay lấy 1 mảnh giấy nhỏ trong xấp giấy trắng cỡ nửa trang giấy vở xếp ngay ngắn trên bàn, rồi lấy bút hý hoáy viết. Viết xong bác đưa mảnh giấy cho tôi, nói : “Đây, bác viết cho B mấy chữ rồi, cháu cứ cầm mảnh giấy này đến nhà nó hỏi xem sao. Thằng Trung đèo nó đi luôn đi, xong trưa quay lại đây ăn cơm với hai bác. Địa chỉ bác ghi sau lưng mảnh giấy đó”. Tôi đọc mảnh giấy bác viết “Gửi B., cháu Nùng là con trai chú Anh, chú Anh đi B năm 1965 và đã hy sinh tại Quảng Nam. Lúc đi chú Anh có đang viết dở dang một cuốn sách, mình đã đọc bản thảo, chắc B cũng có đọc qua, nay cháu Nùng muốn tìm lại bản thảo đó. Được biết khi đi chú Anh có để bản thảo lại miền Bắc, không rõ có gửi cho B giữ hay không. Nếu có thì B trao lại cho cháu Nùng để gia đình lưu giữ làm kỷ niệm, bằng không B có biết chú Anh gửi lại cho ai thì chỉ giúp cho cháu Nùng. Thân. Ký tên : Huỳnh Lý”.

Anh Trung nãy giờ im lặng ngồi nghe tôi nói chuyện cùng bác Lý, tới đó thì nôn nóng đứng dậy : “Anh em mình đi luôn đi”.

Trên đường đi, tôi hồi hộp vô cùng. Lạ một điều là ngày đó tôi hoàn toàn không biết bác Huỳnh Lý là người nổi tiếng, chỉ biết bác là thầy giáo, có dịch sách nước ngoài, là bạn của ba mẹ, là một người thân. Tôi thật sự tự nhiên như con cháu trong nhà của bác. Chỉ sau này khi biết thêm bác là dịch giả của cuốn “ Eugenige Grandet” (mà tôi rất thích khi xem bộ phim cùng tên dựa theo tác phẩm này) cùng nhiều tác phẩm văn học cổ điển khác, là giáo sư Huỳnh Lý, một trí thức lớn, người thầy của rất nhiều người nổi tiếng khác nữa, thì mỗi khi nghĩ đến bác tôi có cảm giác hơi “khớp” pha chút tự hào. Còn ông B thì quá nổi tiếng, có lẽ cả nước biết tên, đặc biệt là nhắc đến ông người ta hay nhắc ngay đến “Con Tr.” tác phẩm đầu tay cũng rất nổi tiếng của ông, như một biệt danh, dấu hiệu nhận biết riêng, kiểu như “Nguyễn Văn B con Tr. đó”, “À, Nguyễn Văn B con Tr. chứ gì”. Tôi không biết cảm giác gặp một người nổi tiếng sẽ như thế nào, nhất là lại gặp trong hoàn cảnh đến nhà riêng của họ một cách đường đột như thế này. Tôi phải tự trấn an bằng cách nghĩ ông ấy là người quen của ba, là đồng hương Quảng Nam, cao xa hơn chút thì là đồng chí, đồng đội với ba tôi… Mà tôi nhớ từ trước đến nay, tất cả những người quen biết của ba, từ những người có dịp giao thiệp thường xuyên đến những người gặp mẹ con tôi lần đầu đều dành những lời lẽ quý mến và trân trọng về ba, đều dành cho tôi những cử chỉ âu yếm và trìu mến, nhìn ánh mắt họ tôi biết đó là những tình cảm chân thành. Nghĩ thế rồi tôi cũng bớt hồi hộp hơn.

Hai anh em đèo nhau đến khúc ngang qua hồ Thiền Quang thì bỗng nhiên một cơn mưa rào ào xuống. Cũng chỉ còn vài trăm mét nữa là tới phố Nguyễn Thượng Hiền nên hai anh em chẳng tìm chỗ trú mà cứ thế phóng xe đi. Đến trước ngôi nhà có địa chỉ bác Lý đã ghi thì cả hai anh em đều ướt như chuột. Đó là một ngôi biệt thự từ thời Pháp, cổng có giàn dây leo um tùm. Anh Trung tấp vội xe vào cổng rồi nói : “Em vào đi, anh đứng đây trú mưa chờ em luôn”. Tôi đẩy cánh cổng bước vào. Ngôi biệt thự đã cũ, mái ngói tường rêu loang lổ, có 3 tầng, được sử dụng làm khu nhà tập thể cho nhiều hộ gia đình. Tôi hỏi thăm một chị gái ở tầng 1 (tầng trệt) trong căn phòng có cửa đang mở thì được chỉ : “Nhà ông ấy phòng đầu tiên trên tầng 2, ngay đầu cầu thang ấy”. Bộ dạng nhếch nhác vì ướt khiến tôi đứng tần ngần trước cửa nhà mất một hồi lâu. Rất may là mảnh giấy bác Lý viết tôi để ở túi quần sau nên không bị ướt. Tôi lấy mảnh giấy ra cầm trên tay rồi rón rén gõ cửa. Không phải chờ lâu, cánh cửa mở ngay sau đó, trước mắt tôi là một người đàn ông tầm thước chừng ngoài 50 tuổi, trán cao, tóc bạc thưa, nước da trắng, mặc quần đùi áo may ô. Ông nhìn tôi một lượt từ đầu đến chân, vẻ ngạc nhiên và cảnh giác, hất hàm hỏi : “Cậu tìm ai?”. Đằng sau ông, một anh trạc tuổi tôi, có lẽ là con trai ông cũng mặc quần đùi áo may ô, đang ngồi ở bàn nhỏ kê sát đầu chiếc giường đôi, quay ra trố mắt nhìn. Tôi ngập ngừng : “Dạ bác có phải là bác Nguyễn Văn B. không ạ?”. Ông trả lời : “Phải tôi đây”, vừa nói ông vừa bước sang ngang một bước, ngồi vào trước chiếc bàn viết kê sát tường gần cửa ra vào, trên bàn có vài chồng sách, một cuốn sổ tay đang mở ra, cạnh đó là chiếc bút máy Hồng Hà mở nắp. Có lẽ ông đang viết lách gì đó. Không đợi ông mời, tôi khép cửa lại rồi tự động ngồi luôn vào chiếc ghế để phía cạnh bàn vuông góc với vị trí của ông. Tôi đảo mắt nhìn nhanh một lượt căn phòng nhà ông, nó to hơn căn nhà tôi một chút nhưng có vẻ chật chội hơn do có một chiếc tủ gỗ lớn với hai cái bàn và phần vách tường còn lại bị che kín bởi giá sách và móc treo quần áo. Nói chung, nhìn sơ qua căn nhà ông giống như đa số căn nhà của các cán bộ cơ quan nhà nước thời bấy giờ, chỉ khác chút là có khá nhiều sách. Ông B hỏi :”Cậu tìm tôi có việc gì?”. Tôi nói :”Dạ, cháu là con ông Anh ạ, bác Huỳnh Lý có gửi cho bác lá thư đây ạ”, vừa nói tôi vừa chìa mảnh giấy bác Lý viết ra đưa cho ông. Đọc xong, ông B thả mảnh giấy xuống bàn, nhíu mày :”Anh nào nhỉ?”. Tôi nói luôn một thôi, hy vọng gợi cho ông nhớ ra :”Dạ Trần Văn Anh, người Quảng nam, khi viết báo ba cháu lấy bút danh là Trần Văn ạ. Ba cháu đi B năm 65, làm báo Quảng Đà. Trước khi vào Nam ba cháu dạy chính trị ở Nhổn ấy ạ”. Tôi thấy mặt ông B có vẻ giãn hơn ra một chút, trong tôi lóe lên chút hy vọng, nhưng lại thấy ông xoa xoa tay lên trán nói : ”Sao tôi không nhớ Anh nào nhỉ. Mà vậy là tôi đi B trước ba cậu thì làm sao ba cậu gửi cái gì cho tôi được”. Tôi xịu xuống : “Thế là bác không biết ạ?”. Ông nói :”Không, tôi không biết gì chuyện này cả. Không biết anh Lý ảnh có nhớ nhầm không”. Tôi ngồi trên ghế mà cảm giác như mình đang bị tụt xuống, hụt hẫng. Có lẽ bác Lý nhớ nhầm thật. Cậu con trai ngồi học sau lưng ông vẫn chốc chốc quay ra nhìn tôi, không nói, không biểu lộ thái độ gì. Im lặng một lúc lâu, tôi đứng dậy nói: ”Thế thôi cháu chào bác cháu về ạ”. Ông B cũng không nói gì thêm, đứng lên bước tới một bước, mở cửa. Tôi bước ra ngoài, cánh cửa xanh lá cây đóng lại, đóng luôn hy vọng tìm lại bản thảo cuốn sách của ba tôi.

Quay trở lại nhà bác Huỳnh Lý, nghe tôi thuật lại, bác chép miệng: ”Sao lại thế được nhỉ? Vậy thì bác cũng chịu rồi. Tiếc quá”.

Trở lại Đà Nẵng sau chuyến đi, tôi không kể chi tiết cho mẹ mà chỉ nói là ông B bảo không giữ bản thảo đó. Mãi đến nhiều năm sau, khi biết chắc mẹ tôi sẽ không còn buồn, tôi mới kể rõ hơn mọi chuyện. Mẹ nghe xong nói, vẻ băn khoăn :” Ông ấy nói thế nào, nói không giữ bản thảo thì còn có lý chứ làm sao ông ấy lại không biết ba con”.

Với tôi, chuyện ông B không biết, hay có từng biết ba tôi nhưng đã quên không quan trọng. Có thể ông đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, viết nhiều và lo nhiều việc lớn, đặc biệt ở thời điểm sau chiến tranh nhưng không kém phần cam go khi đó, nên chuyện không nhớ một người trẻ không danh tiếng, lại chỉ gặp nhau (nếu có) trước đó gần 20 năm cũng là điều bình thường. Điều quan trọng và khiến tôi day dứt rất lâu là đã không tìm lại được bản thảo cuốn sách dang dở của ba tôi.

Đến nay, đã 40 năm trôi qua kể từ sau lần gặp ngắn ngủi đáng quên nhưng không thể quên với nhà văn Nguyễn Văn B ngày đó, mỗi khi có dịp nhắc đến hay gợi nhớ đến ba tôi, tôi lại nghĩ đến bản thảo cuốn sách của ba, bản thảo mà tôi chưa từng nhìn thấy nhưng biết rằng nó đã từng có trên đời này, tuy nhiên sự day dứt trong tôi thì đã dịu dần theo thời gian.

Giờ đây tôi đã yên lòng với suy nghĩ: bản thảo đó mãi tồn tại trong tôi, trong tâm trí cả ba chị em tôi.

T.N

Chuyện làng quê

Trần Nùng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ban-thao-cuon-sach-cua-ba-a20031.html