Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào Đề án phát triển doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp

Ngày 22-7, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ngày làm việc thứ 2, cho ý kiến vào dự thảo Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 và dự thảo Đề án phát triển, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng chủ trì hội nghị.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn và các đại biểu dự hội nghị.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh và các đại biểu dự hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.

Đồng chí Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thanh Thủy phát biểu tại hội nghị.

Cho ý kiến vào dự thảo Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, các đồng chí Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất với đánh giá của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, đó là: Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) ban hành Kết luận số 55-KL/TU, ngày 26-11-2016 về phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, công tác phát triển doanh nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, gắn định hướng hoạt động của doanh nghiệp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của tỉnh; tinh thần và phong trào khởi nghiệp lan tỏa trong các tầng lớp Nhân dân, nhất là trong đoàn viên, thanh niên, sinh viên; năng lực quản trị, điều hành của đội ngũ doanh nhân, cán bộ quản lý doanh nghiệp được nâng lên.

Giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh có 14.725 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (đứng thứ 7 cả nước), với tổng vốn điều lệ đăng lý đạt 118,6 nghìn tỷ đồng, bình quân đạt 8 tỷ đồng/doanh nghiệp, gấp 2,7 lần về số doanh nghiệp và 5,2 lần về số vốn đăng ký so với giai đoạn 2011-2015.

Đồng chí Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị.

Song, nhìn chung công tác phát triển doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế, bất cập; nội lực của phần lớn doanh nghiệp còn hạn chế, doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ lớn (trên 98%); mật độ doanh nghiệp đang hoạt động bình quân trên 1.000 dân còn thấp so với trung bình cả nước và một số tỉnh trong khu vực; địa bàn đăng ký, hoạt động của doanh nghiệp phát triển không đồng đều, liên kết, hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp nhằm tạo ra các chuỗi giá trị chưa nhiều, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh sản phẩm chưa cao.

Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đào Xuân Yên phát biểu tại hội nghị.

Vì vậy, việc xây dựng Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 cần phải nghiên cứu, đánh giá, khắc phục những hạn chế, bất cập, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đồng thời, cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển doanh nghiệp theo hướng phát triển nhanh, bền vững là thực sự cần thiết.

Đồng chí Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Thanh Hóa Lê Anh Xuân phát biểu tại hội nghị.

Trước yêu cầu phát triển của tỉnh, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân tích về thực trạng quy mô và những khó khăn, vướng mắc trong phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay. Từ đó, các ý kiến đã nêu lên những nhiệm vụ giải pháp để tỉnh có bước phát triển doanh nghiệp trong điều kiện mới. Các chính sách hỗ trợ, nâng cao chất lượng hoạt động doanh nghiệp; vai trò trách nhiệm của cấp ủy chính quyền trong việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp để phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 thành lập mới 15.000 doanh nghiệp.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu kết luận tại hội nghị.

Phát biểu kết luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Phát triển doanh nghiệp là rất quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của tỉnh. Chính vì vậy, để Đề án đạt hiệu quả và có tính thực tiễn cao cần phải được thảo luận kỹ lưỡng, có cái nhìn tổng quát, sâu rộng, nhiều chiều, khi ban hành từng cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, các ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh đều cảm thấy đây là “cẩm nang” làm cơ sở để phát triển doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư của tỉnh.

Với tinh thần đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị việc xây dựng Đề án cần phải nêu bật được điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, tiềm năng, thế mạnh, thời cơ, vận hội, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nguồn nhân lực, môi trường thu hút đầu tư của tỉnh, cũng như lợi thế vị trí chiến lược địa kinh tế, địa chính trị của tỉnh trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc biệt, hiện nay tỉnh Thanh Hóa đang cụ thể hóa Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị (khóa XII) với mục tiêu xây dựng và phát triển Thanh Hóa “Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước”.

Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu và bổ sung vào Đề án. Đồng thời cho ý kiến cụ thể vào từng nội dung cụ thể của Đề án nhằm chỉ rõ thực trạng trong việc phát triển doanh nghiệp, cơ chế, chính sách, vai trò của cấp ủy, chính quyền, các địa phương để doanh nghiệp phát triển…

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển doanh nghiệp thời gian qua và định hướng những nhiệm vụ, giải pháp phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, trong đó yêu cầu Đề án cần phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; có cơ chế hỗ trợ, đồng hành, khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh cá thể phát triển doanh nghiệp.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu khi Đề án được ban hành cần tập trung tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành tạo động lực mạnh mẽ để người dân khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam phát biểu tại hội nghị.

Cho ý kiến vào dự thảo Đề án phát triển, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản thống nhất với nội dung Đề án được Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình tại hội nghị. Theo dự thảo Đề án, Thanh Hóa là tỉnh có số HTX nông nghiệp cao thứ 3 trong cả nước, với 699 HTX nông nghiệp đang hoạt động.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi phát biểu tại hội nghị.

Nhìn chung, hoạt động của các HTX nông nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh của hộ thành viên và nông dân trên địa bàn. Phát huy tốt vai trò hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển bằng việc thực hiện tốt các dịch vụ như: Thủy lợi, sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, cung ứng vật tư, khuyến nông, làm đất, bảo vệ thực vật, tín dụng, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều HTX nông nghiệp lúng túng trong công tác vận hành bộ máy; năng lực nội tại vẫn còn hạn chế, các mô hình HTX điển hình tiên tiến được nhân rộng còn ít; nguồn lực đầu tư từ các chính sách còn hạn chế, số HTX được đầu tư chưa nhiều, số vốn hỗ trợ cho các HTX còn thấp.

Để HTX tiếp tục phát triển, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị cần phải củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp mà trọng tâm là phát huy vai trò của HTX nông nghiệp trong quá trình phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, công nghiệp hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu liên kết hợp tác trong sản xuất hàng hóa lớn trong cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời, cụ thể hóa nội dung Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg, ngày 13-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết.

Theo mục tiêu của Đề án, trong giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Thanh Hóa sẽ thành lập mới 81 HTX nông nghiệp, thu hút khoảng 8.100 thành viên tham gia… xây dựng 86 mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững.

Trên cơ sở các ý kiến phát biểu của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phát biểu kết luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao dự thảo Đề án được Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chuẩn bị công phu, nêu lên được nội hàm về sự phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Qua các ý kiến góp ý của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đã tổng hợp và cho ý kiến cụ thể vào từng nội dung của Đề án và đề nghị ngoài việc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của HTX theo quy định của pháp luật, HTX phải thể hiện vai trò vừa là “bà đỡ” vừa dẫn dắt vừa lôi kéo kinh tế hộ cá thể vào HTX; hướng người nông dân vào HTX kiểu mới để sản xuất nền nông nghiệp theo quy mô lớn, theo chuỗi giá trị, có giá trị gia tăng, hướng đến xuất khẩu.

Minh Hiếu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/ban-thuong-vu-tinh-uy-cho-y-kien-vao-de-an-phat-trien-doanh-nghiep-va-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cua-hop-tac-xa-nong-nghiep/140590.htm