Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 và nhiều nội dung quan trọng khác

Ngày 15-3, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Toàn cảnh hội nghị

Dự hội nghị có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn.

Đại diện lãnh đạo Viện quy hoạch tỉnh Thanh Hóa báo cáo Đồ án “Quy hoạch chung Đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040”.

Đồ án “Quy hoạch chung Đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040” có phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính TP Thanh Hóa và toàn bộ địa giới hành chính huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Quy mô diện tích khu vực lập quy hoạch khoảng hơn 228 km2, dân số hiện trạng năm 2020 khoảng 580.000. Dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 780.000 người, đến năm 2040 khoảng 1 triệu người.

Sơ đồ tổ chức không gian đô thị Thanh Hóa đến năm 2040.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm nâng cao vai trò, vị thế của Đô thị Thanh Hóa thành trung tâm kết nối vùng kinh tế Bắc Trung Bộ với các vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc nước Lào; là một đô thị văn minh, hiện đại, thông minh và có bản sắc; phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu; phát huy truyền thống và lịch sử văn hóa đồng bằng sông Mã và văn hóa Đông Sơn.

Các đại biểu dự hội nghị.

Mô hình và cấu trúc phát triển đô thị được xác định trên cơ sở kế thừa và điều chỉnh cấu trúc hình thành thành phố Thanh Hóa và định hướng phát triển vùng trung tâm tỉnh Thanh Hóa. Điều chỉnh mô hình phát triển dạng “vành đai xuyên tâm” của TP Thanh Hóa thành mô hình “vành đai mở kết hợp mạng lưới mềm” dựa trên cơ sở địa hình, cảnh quan tự nhiên. Tiếp tục lấy trục Đại lộ Lê Lợi làm không gian trung tâm của đô thị; tăng cường các dải đô thị song song với trục cảnh quan sông Mã; hình thành vành đai số 3 kết nối các dải đô thị. Lấy trung tâm đô thị hiện hữu làm hạt nhân, hình thành khung cấu trúc đô thị “3 trục phát triển - 6 trung tâm - 1 hành lang sinh thái tự nhiên”.

Đồng chí Lê Anh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư thành ủy TP Thanh Hóa cho ý kiến vào Đồ án quy hoạch.

Cho ý kiến vào Đồ án quy hoạch, các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều khẳng định: Sau 12 năm thực hiện, quy hoạch thành phố Thanh Hóa cần thiết phải điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, đồ án cần phải làm rõ mục tiêu sau quy hoạch thành phố sẽ thay đổi như thế nào, đạt được những mục tiêu gì?

Về phạm vi điều chỉnh của đồ án, các ý kiến cho rằng: Đối với các quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt và những quy hoạch đã có nhà đầu tư đang quy hoạch, thì không cần điều chỉnh, mà chỉ cập nhật vào đồ án.

Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Các ý kiến cũng thống nhất với định hướng 3 trục phát triển, 6 trung tâm và 1 hành lang sinh thái tự nhiên, nhưng đề nghị cần phải làm rõ động lực và định hướng phát triển của từng trung tâm; làm rõ mối quan hệ tương tác giữa thành phố Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn.

Về hạ tầng giao thông, cần có phương án tốt để kết nối hệ thống giao thông đối nội và giao thông đối ngoại; chú trọng kết nối 2 bên bờ sông Mã để mở rộng không gian phát triển của thành phố.

Việc sắp xếp các cơ sở công nghiệp phải có lộ trình phù hợp, phân nhóm đối với các loại hình doanh nghiệp để phù hợp với yêu cầu thực tế.

Về phát triển nhà ở tại thành phố Thanh Hóa, nên ưu tiên cho loại hình nhà ở chung cư, hạn chế phân lô bán nền, nhà liền kề và biệt thự thấp tầng để đảm bảo phát triển bền vững lâu dài.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu kết luận nội dung hội nghị.

Kết luận nội dung này, đồng chí Bí Thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao sự chuẩn bị khẩn trương và trách nhiệm của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, trong thời gian không dài đã xây dựng dự thảo Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 để Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị tư vấn cần tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý, xác đáng tại hội nghị để hoàn thiện đồ án.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là đồ án quy hoạch quan trọng đối với sự phát triển của thành phố Thanh Hóa, đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh, trung tâm tỉnh lỵ của 1 tỉnh lớn với hơn 3,7 triệu dân. Do vậy, đồ án phải có tầm nhìn, thể hiện được tầm vóc và vai trò quan trọng của đô thị thành phố Thanh Hóa đối với sự phát triển chung của tỉnh. Phạm vi xây dựng quy hoạch gồm địa phận thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, nhưng cần phải có sự liên hệ với các vùng phụ cận.

Về một số vấn đề cụ thể, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cần chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu rà soát các quy hoạch 1/500 trên địa bàn TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn để tích hợp vào đồ án quy hoạch.

Đối với một số quy hoạch đang được các nhà đầu tư nghiên cứu thì cần phải phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, để có định hướng theo chủ trương tổng thể chung của tỉnh.

Sức sống của đô thị trước hết là sự phát triển về kinh tế, nhưng đây là đô thị tỉnh lỵ nên đồng thời cũng là trung tâm chính trị, văn hóa của cả tỉnh. Do vậy, quy hoạch đô thị cần chuyển từ “đơn tâm” sang “đa tâm” để đảm bảo sự phát triển đồng bộ, hài hòa và hợp lý. Phát triển kinh tế của thành phố Thanh Hóa cũng phải mang nét riêng, công nghiệp phải là công nghiệp sạch, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, sử dụng đất ít, dịch vụ phải đa dạng, nhưng ưu tiên các dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp phải theo hướng sinh thái, hữu cơ, nông nghiệp phục vụ du lịch....

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu trong quy hoạch cần tính toán rất kỹ về hệ số sử dụng đất, hệ số cây xanh, rà soát lại khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đối với hệ thống giao thông cần phải lưu ý quan tâm đến giao thông tĩnh để chống ách tắc giao thông. Việc quy hoạch xây dựng nghĩa trang Nhân dân và các cơ sở xử lý môi trường phải thay đổi tư duy và cách tiếp cận để phù hợp với tâm lý xã hội và yêu cầu thực tế của đời sống. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan nghiêm túc triển khai hoàn thiện đồ án quy hoạch để báo cáo Thường trực tỉnh ủy trước ngày 15-4-2021.

Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu cho ý kiến vào những nội dung được Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình tại hội nghị.

Cho ý kiến vào chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho rằng: Trong những năm qua việc phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có thế mạnh, sản lượng lớn, có thương hiệu trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Việc liên kết sản xuất, cung ứng tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị giữa nông dân với các tổ chức kinh tế, hợp tác xã còn chưa nhiều và thiếu bền vững. Việc tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao còn chậm. ..

Đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.

Trong xây dựng Nông thôn mới, một số địa phương mới quan tâm đến xây dựng kết cấu hạ tầng mà chưa chú trọng đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; xuất hiện tư tưởng thỏa mãn, bằng lòng của một bộ phận cán bộ và Nhân dân sau khi địa phương đạt chuẩn, dẫn đến việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí chưa được quan tâm đúng mức nên số xã, thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu còn thấp.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Trên cơ sở đó, các đại biểu đề nghị chương trình cần phải xác định định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025 là nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh trạnh và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thông minh để hình thành và phát triển các chuỗi. Cùng với đó, cần phải quan tâm đến vấn đề an ninh lương thực, xác định rõ địa chỉ đối với từng cây trồng. Trong chăn nuôi phải quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường...

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu kết luận nội dung hội nghị.

Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Thanh Hóa có tiềm năng lớn để phát tiển kinh tế nông nghiệp, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh XIX và Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) cũng đã xác định nông nghiệp là 1 trong các trụ cột và là nền tảng quan trọng cho sự phát triển chung của tỉnh. Do tính chất quan trọng của chương trình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội nghị, hoàn chỉnh chương trình, trong đó phải khẳng định mục tiêu tổng quát là xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh và giàu bản sắc.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng yêu cầu cơ quan soạn thảo cần phải bám sát vào Nghị quyết số 13 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) về tích tụ, tập trung đất đai và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX để xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực do Trung ương công nhận và các sản phẩm do tỉnh xác định cần phải cụ thể về địa chỉ, diện tích, sản lượng, giá trị, đóng góp cho xuất khẩu như thế nào.

Trong xây dựng Nông thôn mới, bên cạnh chỉ tiêu về số lượng, cần hết sức chú trọng đến chất lượng các tiêu chí, đánh giá phải thực chất, không chạy theo thành tích. Các giải pháp trong đề án phải giải quyết được các điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc, khơi thông được nguồn lực cho phát triển. Cần chú trọng đến giải pháp nâng cao hiệu quả liên kết trong sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, giải pháp về khoa học - công nghệ...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị Ban Cán sự UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị soạn thảo hoàn chỉnh đề án trước ngày 15-4 -2021 để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Cũng tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo tờ trình về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển cây gai xanh; danh mục các danh mục dự án phải thu hồi đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2021.

Ngày 16-3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục họp, cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng khác.

Minh Hiếu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/ban-thuong-vu-tinh-uy-cho-y-kien-vao-quy-hoach-chung-do-thi-thanh-hoa-tinh-thanh-hoa-den-nam-2040-va-nhieu-noi-dung-quan-trong-khac/133041.htm