Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

Ngày 22-3, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận, cho ý kiến vào Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và một số nội dung quan trọng khác.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện Ban Kinh tế Trung ương; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ các nội dung được thảo luận, xem xét, quyết định tại hội nghị lần này đều là những vấn đề lớn, có ý nghĩa rất quan trọng, liên quan đến sự phát triển của tỉnh trong 10 năm, 25 năm tới và xa hơn; đặc biệt là Đề án Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do vậy, đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát huy trí tuệ tập thể và tinh thần, trách nhiệm của từng đồng chí, thảo luận sâu sắc, kỹ lưỡng, đóng góp những nội dung thiết thực để Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp thu, hoàn chỉnh các văn kiện.

Tại hội nghị, lãnh đạo sở Kế hoạch và Đầu tư đã tỉnh trình bày Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chuẩn bị đã đánh giá khá toàn diện, sâu sắc thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020; chỉ ra 5 cơ hội, 5 thách thức lớn và các lợi thế lớn của tỉnh trong giai đoạn tới; đồng thời nêu lên quan điểm phát triển, trong đó nhấn mạnh: Cần phải phát huy vị trí chiến lược, các lợi thế so sánh của tỉnh, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển hợp lý theo bề rộng và theo chiều sâu, trong đó phát triển theo chiều sâu là chủ đạo, liên tục tạo ra các lợi thế so sánh mới để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ Quốc.

Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham gia ý kiến vào Quy hoạch.

Đề án quy hoạch xây dựng 3 phương án tăng trưởng, trong đó đề xuất phương án thứ 2 là phương án chọn. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 sẽ là 11,5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 là 9,2%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 là 5000USD, đến năm 2030 là 8700 USD. Tổng vốn huy động đầu tư phát triển toàn xã hội 10 năm là 1,6 triệu tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 là 700 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 900 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5% trở lên.

Đề án quy hoạch xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, 4 khâu đột phá, đồng thời đề xuất mô hình tăng trưởng: 4 - 5 - 6, nghĩa là 4 trung tâm kinh tế động lực; 5 trụ cột tăng trưởng và 6 hành lang kinh tế.

Đồng chí Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham gia ý kiến vào Quy hoạch.

Trong quy hoạch cũng đã nêu lên phương hướng phát triển các ngành và tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội; phương án phân bố và khoanh vùng đất đai; phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện; công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dang sinh học; phương án bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên trên địa bàn; phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; danh mục các dự án ưu tiên đầu tư; giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch; tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy tham gia ý kiến vào Quy hoạch.

Tham gia ý kiến vào Quy hoạch, các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều cho rằng: Quy hoạch đã được chuẩn bị công phu, khoa học, chất lượng.

Các ý kiến cũng đã phân tích, làm rõ hơn về hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, nhất là các số liệu về tốc độ tăng trưởng, quy mô nền kinh tế và kết quả thu ngân sách Nhà nước. Đồng thời bổ sung, làm rõ thêm các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của tỉnh, những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị trong quy hoạch cần bám sát vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), đồng thời cập nhật thêm các yếu tố mới phát sinh để xác định hợp lý, có luận giải rõ ràng.

Các đại biểu đã dành nhiều thời gian để cho ý kiến vào việc xây dựng quy hoạch vùng liên huyện, định hướng phát triển các ngành kinh tế và các chỉ tiêu chủ yếu.

Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu bổ sung, làm rõ thêm các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của tỉnh, những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu kết luận tại hội nghị.

Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng khẳng định: Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một văn kiện rất lớn, vừa có tính chính trị, vừa có tính pháp lý cao nhất để xác định hướng đi, tầm nhìn, mục tiêu phát triển và các nhiệm vụ chủ yếu của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc xây dựng quy hoạch không chỉ là thực hiện nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mà còn để thực hiện Luật Quy hoạch, Nghị định 37 của Chính phủ, Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Nếu làm tốt quy hoạch sẽ tạo động lực, mở đường cho sự phát triển của tỉnh. Ngược lại, nếu làm không tốt sẽ tạo ra vướng mắc, cản trở sự phát triển.

Cho ý kiến vào nội dung Quy hoạch, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng yêu cầu: Phần đánh giá hiện trạng kinh tế - xã hội của tỉnh phải cập nhật các số liệu ở mốc cuối năm 2020, đảm bảo chính xác và thống nhất. Về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của tỉnh, trong quá trình xây dựng Nghị quyết 58-NQ/TW đã được thảo luận, đánh giá rất kỹ, luận giải rõ ràng, Quy hoạch cần bám sát văn kiện này, đồng thời cập nhật, bổ sung các yếu tố mới, nhất là ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với sự phát triển của tỉnh.

Tương tự, nhiệm vụ trọng tâm của Quy hoạch cũng phải bám sát Nghị quyết 58-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tầm vóc phải tương xứng với yêu cầu phát triển và tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng lưu ý: Cần phải đặc biệt chú trọng đến quy hoạch vùng liên huyện, vì đây là vấn đề mới, chưa được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Việc xác định các vùng phát triển phải dựa chủ yếu vào mối liên hệ tương tác trong phát triển kinh tế - xã hội và kết nối giao thông; qua đó phát huy lợi thế, khắc phục các điểm yếu của từng địa phương.

Đồng chí cơ bản thống nhất với mô hình tăng trưởng 4 - 5 - 6 mà Quy hoạch đã xác định, nhưng lưu ý cần nghiên cứu kỹ nội hàm của các trụ cột tăng trưởng, nghiên cứu vai trò trụ cột của nguồn nhân lực để bổ sung vào quy hoạch.

Về định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Sự phát triển của các ngành, lĩnh vực phải hướng vào mục tiêu làm bật lên sự phát triển của 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế và các vùng liên huyện, không được mâu thuẫn.

Về công nghiệp, bên cạnh mũi nhọn là công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng, điện tử viễn thông, cần chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ; đồng thời xác định lộ trình phù hợp để phát triển công nghiệp sử dụng nhiều lao động để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Cân nhắc phát triển công nghiệp xi măng, thủy điện hợp lý, đảm bảo yếu tố bền vững, đưa ra khỏi quy hoạch các dự án công nghiệp có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.

Về nông nghiệp, quan tâm phát triển nông nghiệp hữu cơ, đồng thời phát huy tốt thế mạnh về kinh tế lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống Cảng biển tại Nghi Sơn; nghiên cứu bổ sung quy hoạch khu xử lý rác thải tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân, quy hoạch khu công viên vĩnh hằng và nghĩa trang Nhân dân của tỉnh, bổ sung các nội dung về đảm bảo quốc phòng - an ninh...

Về danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, cần phân biệt rõ các dự án đã và đang triển khai với các dự án đang kêu gọi đầu tư, cập nhật thêm các dự án đã có chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chuẩn bị dự thảo Quy hoạch rất công phu, có chất lượng, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội nghị để hoàn chỉnh, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy tham gia ý kiến tại hội nghị.

Cũng tại hội nghị, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung khoản 2, điều 1, Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND tỉnh, ngày 7-12-2017 của HĐND tỉnh về chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non đến năm 2030; báo cáo đề xuất đưa ra ngoài Chương trình công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2021 Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Minh Hiếu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/ban-thuong-vu-tinh-uy-cho-y-kien-vao-quy-hoach-tinh-thanh-hoa-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2045/133444.htm