Bản tin 11/1: ĐH Quốc gia Hà Nội công bố 6 đợt thi đánh giá năng lực

Đại học Quốc gia Hà Nội công bố 6 đợt thi đánh giá năng lực; Chưa đầy 24 giờ, 8 cuộc đời được hồi sinh nhờ ghép tạng...

Đại học Quốc gia Hà Nội công bố 6 đợt thi đánh giá năng lực

Thời gian và địa điểm thi đánh giá năng lực từng đợt.

Theo báo Hà Nội Mới năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 6 đợt thi tại 10 địa phương với 84.000 lượt thí sinh. Kết quả tham dự kỳ thi có thể được sử dụng để tham gia xét tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội và hàng chục cơ sở giáo dục đại học khác.

Ngày 10/1, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội công bố kế hoạch triển khai kỳ thi đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông năm 2024.

Năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực, đáp ứng khoảng 84.000 lượt thí sinh đăng ký. Thời gian mở cổng đăng ký đợt 1 vào ngày 18/2/2024 để phục vụ thí sinh đăng ký dự thi.

Các đợt thi sẽ diễn ra từ ngày 23/3 đến ngày 2/6/2024 tại 10 địa phương gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Đối tượng có thể đăng ký dự thi là học sinh theo học chương trình trung học phổ thông, nguyện vọng dự thi. Thí sinh tham khảo thêm cẩm nang kỳ thi tại địa chỉ https://hsa.edu.vn/.

Thí sinh đăng ký thi tại http:/hsa.edu.vn/, chọn địa điểm thi, ngày thi, ca thi phù hợp. Các học sinh lưu ý, hệ thống đăng ký chỉ cho phép tài khoản đăng nhập và thao tác trên một thiết bị máy tính tại cùng thời điểm.

Hệ thống cho phép thí sinh đăng ký tối đa 2 lượt thi/năm (tính đến ngày 31/12/2024). Hai lượt thi cách nhau tối thiểu 28 ngày. Ca thi sẽ tự động đóng khi đã hết chỗ đăng ký. Lệ phí dự thi là 500.000 đồng/thí sinh/lượt thi và không hoàn lại với bất kỳ lý do gì. Vì vậy, thí sinh cần đọc kỹ hướng dẫn và cân nhắc kỹ trước khi nộp lệ phí.

Bài thi đánh giá năng lực làm trên máy tính, thời gian làm bài từ 195-199 phút, gồm 3 phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đáp án) và câu hỏi điền đáp án về các lĩnh vực toán học (50 câu hỏi, 75 phút), văn học - ngôn ngữ (50 câu hỏi, 60 phút), khoa học tự nhiên - xã hội (50 câu hỏi, 60 phút).

Chưa đầy 24 giờ, 8 cuộc đời được hồi sinh nhờ ghép tạng

Theo Truyền Hình Quốc Hội, ngày 10/1, Bệnh viện Việt Đức cho biết, chỉ trong chưa đầy 24 giờ, các bác sĩ tại bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép, điều phối và làm hồi sinh 8 sự sống.

Trước đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có nhận được thông tin từ phòng khám cấp cứu về 2 trường hợp bệnh nhân chấn thương sọ não nặng, song dù đã cố gắng điều trị và hồi sức tích cực, nhưng kỳ tích đã không đến với gia đình. bệnh viện đã phối hợp với đơn vị chuyên môn vận động được gia đình có người thân chết não hiến tặng mô tạng. Trong chưa đầy 24 giờ, 6 bàn mổ cùng hàng trăm y bác sĩ đã tiến hành 2 ca hiến ghép đa tạng.

Từ tạng hiến của 2 bệnh nhân đã hồi sinh sự sống cho 8 người. Trong đó, có 2 bệnh nhận được ghép tim (có một bệnh nhân nữ chỉ 8 tuổi), 2 bệnh nhân được ghép gan và 4 bệnh nhân được ghép thận. Theo các bác sĩ, việc thực hiện thành công các ca ghép tạng từ người cho chết não mở ra cơ hội có cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành y tế Việt Nam.

Số ca mắc cúm ở nước ta đang gia tăng

Thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, những tuần gần đây, số ca mắc cúm ở nước ta đang gia tăng, tuy nhiên chưa ghi nhận các chủng vi rút có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số ca mắc cúm ở nước ta đang gia tăng những tuần gần đây không phải là bất thường. Vì thời tiết hiện nay đang vào thời điểm giao mùa đông - xuân, lúc lạnh, lúc nóng đột ngột, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh liên quan đến đường hô hấp phát triển, trong đó có bệnh cúm.

Kết quả giám sát các trường hợp mắc cúm cũng cho thấy, các chủng vi rút gây bệnh đang lưu hành ở nước ta vẫn là các chủng cúm mùa, trong đó chủ yếu là các chủng cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B. Hiện chưa ghi nhận các chủng virus cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người như cúm A(H5N1), A(H5N6) hoặc A(H7N9).

Tại nhiều bệnh viện như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương... số ca mắc cúm gia tăng trong thời gian gần đây. Điển hình, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 1 trường hợp biến chứng nặng, tổn thương phổi, thậm chí, phổi "trắng xóa" sau khi mắc cúm A.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong số các trẻ đến thăm khám có chỉ định làm xét nghiệm mỗi ngày, có khoảng 100 - 150 trường hợp có kết quả mắc cúm, chủ yếu là cúm A. Trong đó, 15% ca nặng phải nhập viện điều trị.

Theo các chuyên gia y tế, có 2 đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc cúm A là trẻ em và người cao tuổi có bệnh nền. Vì vậy, người dân tuyệt đối không được chủ quan, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao.

Liên quan đến việc người dân tự ý mua thuốc tamiflu để uống khi mắc cúm, các chuyên gia y tế lưu ý, việc này không cần thiết, thậm chí nếu uống không đúng cách sẽ gây hiện tượng kháng thuốc.

Thuốc tamiflu thường được chỉ định với các trường hợp mắc cúm nặng, các trường hợp có nguy cơ cao. Người bệnh không được tự ý sử dụng loại thuốc này khi không có chỉ định của bác sĩ.

Để chủ động phòng, chống bệnh cúm, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân áp dụng một số biện pháp như: tăng cường vận động thể lực; đeo khẩu trang khi đi tới nơi đông người và trên các phương tiện vận chuyển công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi…

Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-tin-111-dh-quoc-gia-ha-noi-cong-bo-6-dot-thi-danh-gia-nang-luc-a644717.html