Bản tin Năng lượng xanh: Thế giới vượt mốc 30% điện từ năng lượng tái tạo

Theo báo cáo Đánh giá Điện lực Toàn cầu của tổ chức tư vấn năng lượng toàn cầu Ember, sự tăng trưởng về năng lượng mặt trời và gió đã lần đầu tiên đẩy thế giới vượt qua mốc 30% điện từ năng lượng tái tạo trong năm 2023.

Thế giới vượt mốc 30% điện từ năng lượng tái tạo

Kể từ năm 2000, năng lượng tái tạo đã tăng từ 19% lên hơn 30% điện năng toàn cầu, nhờ sự gia tăng năng lượng mặt trời và gió, từ 0,2% năm 2000 lên mức kỷ lục 13,4% vào năm 2023. Kết quả là cường độ CO2 trong sản xuất điện toàn cầu đạt mức thấp kỷ lục mới trong năm 2023, thấp hơn 12% so với mức đỉnh điểm vào năm 2007.

Báo cáo Đánh giá Điện lực Toàn cầu của Ember đã cung cấp cái nhìn tổng quan toàn diện đầu tiên về hệ thống điện toàn cầu năm 2023 dựa trên dữ liệu cấp quốc gia. Báo cáo được xuất bản hôm Thứ Ba (7/5), cùng với bộ dữ liệu mở đầu tiên trên thế giới về sản xuất điện năm 2023, của 80 quốc gia chiếm 92% nhu cầu điện toàn cầu, cũng như dữ liệu lịch sử của 215 quốc gia.

Báo cáo kết luận rằng sự tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng mặt trời và gió đã đưa thế giới đến một bước ngoặt quan trọng, có thể diễn ra trong năm nay – khi việc sản xuất hóa thạch bắt đầu giảm ở cấp độ toàn cầu.

Dave Jones, Giám đốc nghiên cứu toàn cầu của Ember cho rằng tương lai năng lượng tái tạo đã đến. “Đặc biệt, năng lượng mặt trời đang tăng tốc nhanh hơn mọi người từng nghĩ”.

Năng lượng mặt trời là nguồn cung cấp điện năng chính cho tăng trưởng điện, bổ sung sản lượng điện mới nhiều hơn gấp đôi so với than trong năm 2023. Năng lượng mặt trời duy trì vị thế là nguồn điện tăng trưởng nhanh nhất trong 19 năm liên tiếp và vượt qua gió để trở thành nguồn năng lượng mới lớn nhất. Một kỷ nguyên mới về việc giảm phát thải của ngành điện sắp bắt đầu, với mức giảm 2% trong sản xuất hóa thạch toàn cầu vào năm 2024.

Nguồn điện sạch đã giúp làm chậm sự tăng trưởng của nhiên liệu hóa thạch gần 2/3 trong mười năm qua. Jones cho biết việc giảm lượng khí thải của ngành điện hiện là xu hướng không thể đảo ngược. Năm 2023 có thể là thời điểm mấu chốt, một bước ngoặt lớn trong lịch sử năng lượng. Tuy nhiên, tốc độ giảm phát thải phụ thuộc vào tốc độ tiếp diễn của cuộc cách mạng năng lượng tái tạo.

Tại Hội nghị về biến đổi khí hậu COP28 của Liên hợp quốc vào tháng 12/2023, các nhà lãnh đạo thế giới đã đạt được thỏa thuận lịch sử về tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030. Mục tiêu là thế giới sẽ đạt được 60% điện năng lượng tái tạo vào năm 2030, sẽ giảm gần một nửa lượng khí thải của ngành điện và đưa thế giới vào một lộ trình phù hợp với các mục tiêu khí hậu .

Siemens Energy cải tiến bộ phận turbin gió đang gặp khó khăn

Hôm thứ Tư (8/5), Siemens Energy đã công bố những thay đổi sâu rộng tại bộ phận turbin gió đang gặp khó khăn của mình, trong đó có cắt giảm việc làm và bổ nhiệm CEO mới, thắt chặt sự kiểm soát đối với hoạt động kinh doanh thua lỗ khi nhà cung cấp thiết bị điện này vượt qua cuộc khủng hoảng lớn nhất cho đến nay.

Thông báo này, cùng với triển vọng cả năm được nâng cao và lợi nhuận hoạt động hàng quý tăng gấp 4 lần, đã khiến cổ phiếu của Siemens Energy tăng 11,5% lên vị trí dẫn đầu chỉ số blue-chip của Đức vào lúc 08:28 GMT (ngày 8/5).

Đó là mức cao nhất kể từ khi công ty tiết lộ các vấn đề lớn về chất lượng tại các nền tảng tuabin gió trên bờ mới hơn là 4.X và 5.X hồi tháng 6/2023, khiến cổ phiếu giảm mạnh và buộc tập đoàn phải tìm kiếm sự bảo lãnh hàng tỷ euro do nhà nước hậu thuẫn.

Christian Bruch, Giám đốc điều hành Năng lượng của Siemens cho biết: “Việc thay đổi hoạt động kinh doanh năng lượng gió vẫn là trọng tâm của chúng tôi. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi đang thực hiện các bước để giảm bớt sự phức tạp và tạo ra một hoạt động kinh doanh tập trung hơn”.

Tập đoàn cho biết là đã đến lúc phải thay đổi thế hệ. Thành viên Hội đồng Quản trị Vinod Philip sẽ trở thành Giám đốc điều hành mới của đơn vị tuabin gió Siemens Gamesa từ tháng Tám,. Philip, 50 tuổi, sẽ thay thế Jochen Eickholt, 62 tuổi, cũng là một cựu chiến binh của Siemens, người đã lãnh đạo nhà sản xuất tuabin gió vượt qua thời kỳ hỗn loạn nhất kể từ khi nó được thành lập vào năm 2017, trong đó có cả cuộc khủng hoảng tuabin gió trên bờ năm ngoái.

Siemens Energy cho biết họ sẽ tiếp tục bán các phiên bản sửa đổi của tuabin 4.X ở châu Âu vào cuối tháng Chín, nền tảng 5.X dự kiến sẽ tái gia nhập thị trường vào năm tới. Trong tương lai, hoạt động kinh doanh năng lượng gió trên đất liền của Siemens Gamesa sẽ tập trung vào hai thị trường chính là Châu Âu và Hoa Kỳ.

Tòa án Bồ Đào Nha phán quyết thuế năng lượng tái tạo là vi hiến

Vừa qua, một tòa án hiến pháp ở Bồ Đào Nha đã phán quyết mức thuế bất thường của nước này đối với các công ty cung cấp điện năng lượng tái tạo, được gọi là CESE, là vi hiến.

Quyết định này ủng hộ lập trường của các công ty năng lượng tái tạo, là những công ty đã đóng góp hàng trăm triệu euro cho khoản thuế này.

Trong năm 2023, các nguồn năng lượng tái tạo như đập, công viên năng lượng mặt trời và gió đã cung cấp 61% điện năng của Bồ Đào Nha, là một trong những tỷ lệ cao nhất ở châu Âu.

Chính phủ Bồ Đào Nha dự kiến sẽ thu được 125 triệu euro từ CESE cho toàn bộ lĩnh vực năng lượng trong ngân sách năm 2024, trên cơ sở số liệu của năm trước.

Khoản thuế này, không bao gồm năng lượng tái tạo, được thực hiện lần đầu tiên vào năm 2014 nhằm giúp giảm thâm hụt ngân sách sau cuộc khủng hoảng nợ và gói cứu trợ quốc tế. Mặc dù chỉ là biện pháp tạm thời nhưng nó đã được các chính phủ liên tiếp duy trì. Năm 2019, phạm vi của CESE đã được mở rộng để bao gồm cả biểu giá ưu đãi của các công ty cung cấp điện tái tạo, nhằm giảm nợ thuế của ngành điện.

Tuy nhiên, phán quyết của Tòa án hiến pháp ngày 23/4/2024 tuyên bố rằng việc áp dụng CESE cho các công ty cung cấp điện tái tạo vi phạm nguyên tắc bình đẳng, vì những công ty này không gây ra nợ thuế cũng như không được hưởng lợi trực tiếp từ việc giảm thuế.

EDP, công ty điện lực lớn nhất Bồ Đào Nha và là công ty thách thức khoản thuế này, đã được giữ lại 49,4 triệu euro tiền thuế CESE của năm 2023 trong khi chờ quyết định của tòa án. Kể từ khi triển khai CESE, Tập đoàn EDP đã trả 558 triệu euro cho các tài sản tái tạo và không tái tạo. Giám đốc điều hành EDP Miguel Stilwell de Andrade đã tuyên bố rằng thuế cản trở đầu tư.

Khoản thuế này cũng đã ảnh hưởng đến các công ty nước ngoài ở Bồ Đào Nha, trong đó có Iberdrola và Endesa của Tây Ban Nha./.

Thanh Bình

Reuters

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ban-tin-nang-luong-xanh-the-gioi-vuot-moc-30-dien-tu-nang-luong-tai-tao-710926.html