Bạn trẻ nỗ lực hoàn thiện kỹ năng mềm

Hoàn thiện bản thân, các bạn trẻ trong đó có nhiều sinh viên bên cạnh những kiến thức được học tại trường thì họ nỗ lực trang bị thêm nhiều kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, công nghệ thông tin… Giúp bản thân có nhiều cơ hội khi đi tuyển dụng hoặc khởi nghiệp.

Sinh viên Nguyễn Thị Hằng.

Kỹ năng mềm hay còn gọi là kỹ năng thực hành xã hội, là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như kỹ năng sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm… Thực tế hiện nay, hầu hết các nhà tuyển dụng đều rất coi trọng kỹ năng mềm của ứng viên và xem đây là tiêu chí hàng đầu để đánh giá nhân lực. Nhiều sinh viên sau khi ra trường, mặc dù rất tự tin với kiến thức được trang bị ở giảng đường đại học, tuy nhiên các em vẫn bối rối với môi trường làm việc tại doanh nghiệp. Có những sinh viên học rất tốt trong trường đại học nhưng khi làm việc lại gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, càng ngày các bạn trẻ càng chú trọng hơn đến việc hoàn thiện các kỹ năng mềm cho bản thân.

Xây dựng các kỹ năng mềm cho bản thân, em Nguyễn Thị Hằng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Năng khiếu, Trường Đại học Hồng Đức luôn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội tại trường, lớp, coi đây là môi trường rèn bản thân được cọ sát và trưởng thành. Hằng cho biết: Để có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng và nâng cao giá trị bản thân, bên cạnh việc tập trung vào kiến thức chuyên môn, tại trường học chúng em được tạo điều kiện nâng cao kỹ năng mềm của bản thân như học theo nhóm, học kèm nghiên cứu, học gắn liền với tình huống thực tế, tham gia các hoạt động xã hội và ngoại khóa. Đồng thời, chúng em cũng tích cực, chủ động tham gia các hoạt động hướng nghiệp đi tham quan thực tế, với chuyên ngành của em là trường học để có thể biết các quy trình làm việc thực tế, hình dung rõ hơn sau khi ra trường phù hợp với công việc gì, vị trí nào và làm những gì, như thế nào. Nhờ đó, chúng em có thể phần nào thích nghi với công việc khi ra trường và có khả năng vận dụng tốt các tình huống để giải quyết công việc một cách có hiệu quả. Ngoài ra, việc tham gia các buổi nói chuyện cùng chuyên gia, những nhà doanh nghiệp trẻ, nói chuyện chuyên đề, CEO… giúp chúng em nắm bắt tình hình kinh tế trong nước và địa phương, có cái nhìn toàn diện hơn về xu hướng công việc hiện nay, yêu cầu nhà tuyển dụng, những phẩm chất cần có người đi tuyển dụng.

Những kỹ năng tự trang bị giúp Hằng tự tin hơn không những trong cuộc sống mà còn trong học tập. Em đã giành được nhiều thành tích, giải thưởng tại trường, như: Sinh viên 5 tốt cấp tỉnh năm 2022; Bằng khen của Tỉnh đoàn Thanh Hóa cho bí thư chi đoàn đạt thành tích xuất sắc trong phong trào đoàn và hoạt động thanh, thiếu niên năm 2022…

Sinh viên Phan Thị Thanh Nhàn.

Còn đối với Phan Thị Thanh Nhàn (Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức), em đã xây dựng kỹ năng mềm cho bản thân bằng cách tham gia đầy đủ các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ... của trường nhằm nâng cao thể lực và trí tuệ. Đồng thời, em còn tích cực với các hoạt động tình nguyện của trường, lớp. Nhờ các hoạt động, Nhàn trở nên năng động, tự tin, em mạnh dạn cùng với các bạn thực hiện dự án khởi nghiệp “Phát triển thương hiệu rượu chuối men lá Mường Páng” dự án đạt giải nhì Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa lần thứ XI. Nhàn chia sẻ: “Ngay từ đầu bước vào môi trường đại học, em đã xác định ngoài học tốt kiến thức thì việc trang bị cho mình những kỹ năng mềm là điều cần thiết. Do vậy, em đã tích cực tham gia các hoạt động do nhà trường tổ chức, như chương trình tình nguyện mùa đông, tiếp sức mùa thi... Qua đó, em được trang bị các kỹ năng về giao tiếp, làm việc nhóm, làm việc khoa học, phân chia thời gian hợp lý... giúp em tự tin, học tốt hơn chuyên ngành sư phạm mình đang theo học để sau khi ra trường mình có nhiều cơ hội việc làm hơn hoặc là khởi nghiệp”.

Anh Lê Minh Cương, Giám đốc Công ty TNHH Spicy Country (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa), giải nhất Dự án khởi nghiệp nông nghiệp phát triển bền vững lần 7 năm 2021, chia sẻ: “Tôi biết có nhiều bạn trẻ dù nhận được thư mời phỏng vấn nhưng không phản hồi nhà tuyển dụng. Có ứng viên dù đã nhận lịch phỏng vấn nhưng đến giờ thì không thấy đâu và cũng không có một lời xin lỗi. Bên cạnh yếu tố chuyên môn thì với doanh nghiệp cũng rất coi trọng thái độ. Người lao động có giỏi hay xuất sắc đến đâu nhưng với cách hành xử không tốt, thiếu tinh thần trách nhiệm với công việc, kỹ năng giao tiếp tối thiểu không có thì cơ hội sẽ không dành cho các bạn ấy”.

Các hoạt động thiện nguyện giúp bạn trẻ học thêm các kỹ năng mềm.

Cùng với tri thức, kỹ năng mềm sẽ là chìa khóa quan trọng giúp các bạn trẻ, nhất là sinh viên hoàn thiện và mở ra nhiều cơ hội cho bản thân. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ hiện nay, để trở thành một người năng động, sáng tạo và làm chủ mọi tình huống thì kỹ năng mềm là yếu tố quan trọng, quyết định thành bại trong quá trình làm việc.

Bài và ảnh: Phan Thị

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/ban-tre-nbsp-no-luc-hoan-thien-ky-nang-mem/26888.htm