Bản 'triệu phú' người Dao giàu có lên từ trồng cây đặc sản

Từ những hộ nghèo lo ăn từng bữa, người Dao ở bản Nà Nguộc, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn đã trở thành triệu phú từ những mảnh đồi đá sỏi nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh.

Vượt quãng đường chừng 5 cây số, bản người Dao Nà Nguộc hiện ra với những ngôi “biệt thự” 2 - 3 tầng lấp loáng cửa kính, dù đó đây vẫn còn đôi căn nhà gỗ lợp ngói xi măng. Tự hào giới thiệu với khách thăm bản về ngôi nhà 2 tầng rộng cả trăm m2 mới xây hơn hai năm nay, bà Triệu Thị Lành chia sẻ, chục năm trước nhiều hộ ở Nà Nguộc phải chạy ăn từng bữa, thì nay có đến nửa bản là những ngôi nhà “tiền tỉ” như thế này. Tất cả có được chủ yếu từ những vườn mơ vàng đặc sản.

“Ở đây, cả làng bà con xây nhà toàn nhờ cây mơ thôi. Cây mơ trồng dễ lắm, cứ trồng xuống là cây lên thôi, chỉ phát cỏ là được, còn chẳng cần bón phân hay phun thuốc gì đâu. Cứ thuê người hái, chuyển xuống bến rồi có xe tải vào thu mua tận nơi, không cần đem ra chợ bán” - bà Triệu Thị Lành nói.

Bản Nà Nguộc được bao quanh bởi đồi rừng.

Bản Nà Nguộc được bao quanh bởi đồi rừng.

Chỉ chục năm trước, Nà Nguộc là một trong những vùng xa xôi, khó khăn nhất của xã Cao Kỳ. Cả bản có chừng 60 hộ thì tới 3/4 là hộ nghèo. Đường đi lại khó khăn; ruộng cấy lúa chẳng có là bao, tập tục canh tác lạc hậu nên đủ ăn khi giáp hạt đã khó, nói gì đến chuyện có tiền cho con đi học, lại càng chả dám mơ đến những ngôi nhà to đẹp, khang trang.

Trước những năm 2000, người Dao ở Nà Nguộc đã bắt đầu trồng giống mơ vàng - loại cây hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây mà không tốn nhiều công chăm sóc vẫn cho năng suất cao, vậy nhưng giao thông khó khăn nên quả mơ chẳng tiêu thụ được, nhiều người lại chặt mơ để chuyển sang trồng ngô, trồng đỗ...

Bà Phạm Thị Phượng, người dân Nà Nguộc cho biết, thời điểm trước khi giao thông đi lại khó khăn, vẫn có những gia đình không chặt phá vườn mơ, phần vì tiếc công sức bỏ ra, phần vì hy vọng loại quả này sẽ có lúc được giá... Và khoảng gần chục năm trở lại đây, khi giao thông thuận lợi hơn, quả mơ vàng dần có giá trên thị trường mang lại thu nhập gấp hàng chục lần so với những loại cây trồng khác.

“Ngày trước làng này không biết trồng cây gì đâu, ngoài trồng lúa, ngô thì cả làng toàn lên rừng đào củ mài, tìm cây sâm, cây mấu… về bán thôi. Cũng nhờ cây mơ, làng này đang tiến lên đấy. Cây keo, mỡ cũng nhiều nhưng chủ yếu là cây mơ, có nhà phải được đến 30-40 tấn quả” - bà Phạm Thị Phương nói.

Mơ vàng trở thành loại cây giúp người Dao ở Nà Nguộc thoát nghèo, quả mơ vàng của người dân được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu.

Có thời điểm, giá mơ vàng thương lái mua tại vườn từ 12.000 - 13.000 đồng/kg mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho mỗi gia đình. Và rừng mơ vàng cứ ngày một mở rộng cho cuộc sống người Dao ở Nà Nguộc thêm sung túc với những căn nhà cao tầng mọc lên, bà con có điều kiện cho con cái học hành, sắm sửa nhiều đồ dùng sinh hoạt hiện đại...

Ngoài hàng chục ha cây mơ đã cho thu hoạch, người Dao bản Nà Nguộc cũng có hàng trăm ha rừng keo, mỡ. Đây là "của để dành" của bà con, bởi mỗi chu kỳ thu hoạch 5-7 năm cũng mang lại khoảng 60-70 triệu đồng/ha. Ngoài ra, một số hộ mạnh dạn đưa thêm cây gừng về trồng nhằm cung cấp nguyên liệu cho những cơ sở chế biến trên địa bàn huyện cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

“Lúc mới về định canh, định cư ở đây thì chả có gì, giờ thay đổi hẳn, nhà thì nhờ trồng cây mơ, nhà trồng rừng keo, mỡ, nhà trồng cây gừng. So với trước đây khá lên nhiều lắm, bữa ăn có đổi món này, món khác chứ trước thì có rau gì phải ăn rau nấy” - ông Đặng Phúc Dương ở bản Nà Nguộc nói.

Những ngôi nhà khang trang 2-3 tầng ở bản người Dao Nà Nguộc.

Tuy cây mơ vàng mang lại giá trị kinh tế cao nhưng người dân Nà Nguộc cũng chưa hết lo, bởi có lúc giá mơ xuống thấp; một số cây có dấu hiệu cằn cỗi, quả nhỏ sau hơn chục năm khai thác nên bà con đã chủ động học hỏi kinh nghiệm cải tạo lại đất, tìm hiểu thêm cách chăm bón, chú trọng đến mẫu mã sản phẩm và hướng tới tạo thành vùng sản xuất hàng hóa mang tính chuyên canh.

Ông Hoàng Văn Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới cho biết, hiện hầu hết các hộ gia đình đã ký được hợp đồng với doanh nghiệp chế biến quả mơ xuất khẩu để ổn định đầu ra sản phẩm.

"Bà con rất có ý thức về chuyển đổi giống cây trồng, đặc biệt là đã có thế mạnh cây mơ, cây lâm nghiệp nên bà con tập trung nguồn lực để phát triển thành vùng hàng hóa. Chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền bà con đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học vào trồng, chăm sóc, nhất là thâm canh, cải tạo diện tích mơ đã cho thu hoạch, dần nâng chất lượng cũng sản lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh phát triển ồ ạt. Chúng tôi cũng định hướng người dân ký kết hợp đồng với các đơn vị, công ty chế biến trong và ngoài tỉnh” - ông Hoàng Văn Luận nói.

Từ một bản nghèo, Nà Nguộc nay đã trở thành bản “triệu phú” nhờ người dân biết tận dụng lợi thế về đất đai thổ nhưỡng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh. Những căn nhà khang trang, cuộc sống sung túc của các hộ gia đình người Dao nơi đây cũng là thành quả xứng đáng từ nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu ngay trên những nương đồi đá sỏi quê hương./.

Công Luận/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ban-trieu-phu-nguoi-dao-giau-co-len-tu-trong-cay-dac-san-post939223.vov