Ban trọng tài V-League 2023 là ai?

Trở lại sau gần 2 tháng tạm nghỉ, giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ngay lập tức nổi sóng với công tác trọng tài.

Trọng tài Trương Hồng Vũ. Ảnh: INT

Trọng tài Trương Hồng Vũ. Ảnh: INT

Một lần nữa, chất lượng các ông vua sân cỏ và công tác điều hành của Ban trọng tài bị đặt dấu hỏi về năng lực, cũng như có tâm lý nghi ngờ về sự thao túng ngầm nào đó.

Sai sót nghiêm trọng

Thay vì chất lượng chuyên môn, hoặc phong độ của các cầu thủ thuộc diện quy hoạch cho U22 Việt Nam hướng đến SEA Games 32, trọng tài mới là những nhân vật chính khi sân khấu V-League kéo màn trở lại.

Bên cạnh vấn đề đáng báo động về những người cầm còi, cách ứng xử của Ban trọng tài cũng khiến người ta thất vọng. Những vụ lùm xùm xảy ra vừa qua tiếp tục cho thấy rõ hơn mặt tối của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Rõ ràng, sau hơn 20 năm bước vào con đường chuyên nghiệp, vấn đề hôm nay vẫn là câu chuyện của rất nhiều năm trước.

Ngày 7/4, trận đấu trên sân Thiên Trường giữa Nam Định và Khánh Hòa đã gây tranh cãi lớn về công tác trọng tài. Cụ thể, ở phút bù giờ thứ 3, Mai Xuân Quyết bên phía đội chủ nhà đã va chạm với thủ thành Ngọc Cường của Khánh Hòa. Trọng tài Trương Hồng Vũ lập tức thổi còi, cho Nam Định hưởng phạt đền.

Các cầu thủ Khánh Hòa phản ứng dữ dội vì cho rằng Xuân Quyết là người đã đạp thẳng vào ngực thủ thành Ngọc Cường. Không chỉ vậy, ông Vũ đã rút thẻ đỏ định đuổi Ngọc Cường khỏi sân. Tuy nhiên, trước sự phản ứng dữ dội của Khánh Hòa, vị vua sân cỏ này đã thay đổi quyết định, từ thẻ đỏ sang thẻ vàng.

Sau trận, huấn luyện viên Võ Đình Tân của Khánh Hòa bức xúc lên tiếng: Cầu thủ Nam Định đạp thẳng vào ngực thủ môn Khánh Hòa nhưng không hiểu sao trọng tài thổi phạt đền và phạt thủ môn chúng tôi thẻ đỏ.

Phải cần đến trọng tài thứ 4 nhắc nhở thì trọng tài chính mới đổi thành thẻ vàng. Như vậy là sai luật hoàn toàn. Thủ môn Khánh Hòa không cản người, chỉ đang lao ra, khi chưa kịp chạm bóng đã bị cầu thủ Nam Định đạp vào người. Trọng tài có thể sai nhưng không thể sai sót lộ liễu như thế được.

Đáng chú ý, trên mạng xã hội và group của các hội bóng đá, nhiều cổ động viên Nam Định cũng cho rằng đây là quả phạt đền may mắn của đội nhà. Nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn, cựu trọng tài và giám sát trọng tài chung quan điểm, không thấy căn cứ nào để thổi phạt đền đội Khánh Hòa. Người gác đền của Khánh Hòa hoàn toàn không có ý định và hành động bạo lực đối với Xuân Quyết. Chính vì vậy, trọng tài Vũ không có lý do gì để cho Nam Định hưởng quả phạt đền, quyết định làm thay đổi cục diện trận đấu.

Cựu giám sát trọng tài, cựu giảng viên trọng tài FIFA Đoàn Phú Tấn khẳng định trong tình huống đó ông không thấy thủ môn của câu lạc bộ Khánh Hòa có lỗi. Bóng ở trên không, hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của thủ môn, trong khi cầu thủ Nam Định cao chân rất nguy hiểm.

Thậm chí, trên trang cá nhân, ông Tấn còn đăng dòng trạng thái đầy ẩn ý rằng: Có người, nên rời bỏ sân chơi đỉnh cao này. Vì nhiều lẽ... Cái “lẽ” thứ nhất là: Anh chưa đủ tầm, mà cứ tưởng đã đủ tầm, thích “quyết” thế nào thì quyết, “đổi” thế nào thì đổi...

Sự cố trọng tài ở trận Nam Định - Khánh Hòa chưa hạ nhiệt thì lại xảy ra sai sót của trọng tài trên sân Thống Nhất, trong trận TPHCM tiếp câu lạc bộ Hà Nội. Lucas Vinicius (Hà Nội) đã việt vị trong tình huống ghi bàn mở tỷ số. Trọng tài chính có thể không có góc quan sát thuận lợi, nhưng điều đáng nói, trợ lý trọng tài Nguyễn Lâm Minh Đăng cũng không phất cờ. Pha quay chậm trên truyền hình cũng cho thấy rõ điều này. Nhưng bàn thắng vẫn được công nhận và chung cuộc đội chủ nhà thua 1-3 trước Hà Nội.

Trong buổi họp báo sau trận, huấn luyện viên Vũ Tiến Thành (TPHCM) cho rằng bàn thua đó đã trực tiếp khiến tinh thần thi đấu của các học trò bị giảm sút, ảnh hưởng đến đấu pháp, chiến thuật mà ban huấn luyện đã xây dựng từ đầu, dẫn đến thất bại chung cuộc của đội nhà.

“Mỗi khi đấu với Hà Nội là chúng tôi thua bởi trọng tài. Tôi đã nhiều lần phê bình VPF (Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam) rồi! Các anh (VPF, PV) cứ tổ chức kiểu này thì ai còn dám chơi nữa. Mỗi khi vào sân là biết sẽ thua, bị ức chế như vậy thì còn tâm trí đâu để mà thi đấu, cống hiến”, ông Thành nói.

Đặc biệt, huấn luyện viên Vũ Tiến Thành còn cho rằng sở dĩ đội ngũ trọng tài không quyết liệt, thiếu công tâm và luôn bênh vực câu lạc bộ Hà Nội bởi Phó Chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Quốc Hội là người của đội bóng Thủ đô. Ông Hội từng nhiều năm nắm giữ cương vị Chủ tịch câu lạc bộ Hà Nội trước khi chuyển giao cho Đỗ Vinh Quang, con trai của bầu Hiển.

“Trọng tài thấy lỗi cũng không dám bắt. Đã chơi bóng phải nghĩa khí chứ không thể cứ để bị đè đầu cưỡi cổ như vậy được” - huấn luyện viên Vũ Tiến Thành cho biết.

Ngoài ra, huấn luyện viên của đội TPHCM cho rằng, VPF không chịu lắng nghe và thay đổi. Ông nói: “Tôi đã nhiều lần nói rồi, bóng đá phải áp dụng công nghệ để đổi mới. Chứ bây giờ các bạn xem các trận đấu tổ chức giống những năm 1980, hai đội dắt nhau ra sân đá không có gì mới, ngoài cái nhạc nền. Bóng đá phải cảm xúc chứ cứ như thế này, cổ động viên thà ở nhà xem tivi còn hơn. Đến sân mất tiền gửi xe rồi chen chúc, mà còn chứng kiến nhưng điều bất cập thì còn ức chế thêm”.

Ngoài sự cố của trọng tài Trương Hồng Vũ, trợ lý Nguyễn Lâm Minh Đăng, trọng tài Hoàng Thanh Bình cũng bị phê phán khi cầm còi trận Viettel - Hoàng Anh Gia Lai. Ông Bình đã có quyết định thổi 11m cho Viettel để giúp đội chủ sân Hàng Đẫy gỡ hòa 1-1. Pha bóng đó cũng là điều gây tranh cãi.

Trong hiệp 2, trọng tài Bình cũng khiến nhiều cổ động viên phẫn nộ, khi xử lý thiếu quyết đoán trước hành động chơi xấu của Đức Chiến và Tuấn Tài, 2 cầu thủ của Viettel.

Tổ trọng tài điều hành trận TPHCM gặp Hà Nội trên sân Thống Nhất. Ảnh: VPF.

Ban trọng tài là ai?

Người xưa có câu: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, ý nói bên trên mà không gương mẫu, ngay thẳng, chính trực thì sẽ không có uy tín, không thể làm gương và bên dưới cũng sẽ dễ hư hỏng, vi phạm kỷ luật, pháp luật.

V-League 2023 mới qua vài vòng đấu, nhưng điểm nhấn vẫn là năng lực trọng tài và công tác điều hành của Ban trọng tài thay vì chất lượng chuyên môn của cuộc đua vô địch, hay sự khốc liệt của cuộc chiến trụ hạng.

Tất nhiên, có thể chia sẻ trọng tài cũng là con người và V-League vẫn chưa được hỗ trợ bởi công nghệ VAR, sai sót là điều khó tránh khỏi. Ngay cả những giải đấu hàng đầu thế giới, hoặc các giải vô địch quốc gia châu Âu, trọng tài mắc lỗi cũng là điều… bình thường. Vấn đề là cách ứng xử của những người có trách nhiệm như thế nào? Có thật sự dũng cảm nhìn nhận thẳng thắn bản chất của vấn đề, hạn chế còn tồn tại hay quanh co đổ lỗi, nhằm thoái thác trách nhiệm theo kiểu “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi”.

Như ở vòng 30 Ngoại hạng Anh, tiền đạo Mitoma của đội Brighton ngã trong vòng cấm Tottenham sau khi va chạm với cầu thủ đối phương. Trọng tài Stuart Attwell đã từ chối cho Brighton hưởng phạt đền. Sự việc càng căng thẳng hơn khi ông Stuart Attwell không xem lại video được cung cấp từ phòng VAR.

Tuy nhiên, sau khi đánh giá tình huống đó, Giám đốc của Hiệp hội Trọng tài chuyên nghiệp bóng đá Anh, Howard Webb đã liên lạc với Brighton để gửi lời xin lỗi vì sai lầm của trọng tài Stuart Attwell.

Trở lại những sự cố của vòng 5 V-League, Ban trọng tài chính thức lên tiếng rằng: “Trọng tài Trương Hồng Vũ đã đưa ra quyết định đúng trong tình huống dẫn tới quả phạt 11 mét dành cho câu lạc bộ Nam Định. Trong tình huống này, cầu thủ Mai Xuân Quyết của Nam Định đã chủ động chơi bóng và đã kiểm soát trái bóng trước khi thủ môn Võ Ngọc Cường bên phía Khánh Hòa băng ra với tốc độ cao, không kiểm soát được tốc độ và va chạm với cầu thủ Mai Xuân Quyết…”. Ngoài ra, Ban trọng tài cho rằng, ông Vũ đổi từ thẻ đỏ sang thẻ vàng là “đúng luật”.

Vấn đề còn ở chỗ, sau khi được Ban trọng tài “minh oan”, trọng tài Trương Hồng Vũ và trợ lý trọng tài Nguyễn Lâm Minh Đăng không được phân công làm nhiệm vụ ở vòng 6 V-League 2023. Điều đó có thể hiểu rằng, ông Vũ và ông Đăng nhận án kỷ luật “mềm”, “ngồi chơi xơi nước” vài vòng đấu. Động thái này của Ban trọng tài cũng chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”, gián tiếp thừa nhận trọng tài sai, mình cũng sai sau phát ngôn khẳng định trọng tài Vũ đúng.

Khi được hỏi về cách ứng xử của Ban trọng tài, huấn luyện viên Võ Đình Tân của Khánh Hòa bức xúc cho rằng, Ban trọng tài nên xem lại quân của mình và chính mình, và bóng đá cần phải có sự công bằng thay vì thiên vị lộ liễu.

Cựu giám sát trọng tài Đoàn Phú Tấn nêu quan điểm mang tính gợi mở rằng, muốn biết Ban TRỌNG TÀI là ai? Và ông Tấn nhận định, những chuyện như thế này không thể “lập lờ” vì sẽ mất uy tín của tổ chức. Phải chăng Ban trọng tài đang có vấn đề trong cách điều hành?

Đến đây, người ta lật lại vấn đề của ông Trương Hồng Vũ, trọng tài từng bị “treo còi vĩnh viễn” vì sao được trở lại V-League? Tại V-League 2019, ông Trương Hồng Vũ từng có màn “bẻ còi” tai tiếng ở trận đấu giữa Viettel gặp Bình Dương. Vụ việc khiến ông Vũ bị Ban trọng tài kỷ luật rất nặng.

Còn lãnh đạo VPF thì tuyên bố không bao giờ mời ông Vũ trở lại. Nhưng đến mùa giải 2023 ông Vũ trở lại, theo giải thích của VPF, xuất phát từ đề xuất của Ban trọng tài. Phải chăng Ban trọng tài, hoặc ai đó có trách nhiệm đã ưu ái, bênh vực ông Vũ?

Sai sót của trọng tài là khó tránh khỏi. Nhưng khi sai sót nghiêm trọng có tính lặp lại mà Ban trọng tài vẫn không dám nhìn thẳng vào sự thật là điều khó chấp nhận.

Việc người đứng đầu Ban trọng tài, ông Đặng Thanh Hạ đang công tác ở nước ngoài nên không nắm bắt được tình hình, hoặc báo cáo của cấp dưới có thể không khách quan cũng là nhận định “ấu trĩ”. Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, ông Hạ với vai trò và trách nhiệm của mình có quá nhiều cách để độc lập xem xét và nhận định tình hình. Thế nên, một là ông “quan liêu”, hai là ông “mũ ni che tai” trong thế giới trọng tài Việt Nam vốn đầy rẫy những mối quan hệ khó hiểu.

Ông Đặng Thanh Hạ được đặt vào vị trí Trưởng Ban trọng tài với sự kỳ vọng không lặp lại sai lầm của những người tiền nhiệm. Nhưng qua cách ứng xử sau sự cố trọng tài vòng 5 V-League, người ta đã sớm dự cảm về sự thất vọng nối dài. Cái sai của các trọng tài chưa được nhìn nhận đầy đủ, chính xác và có dấu hiệu bao che cùng rất nhiều vấn đề đặt ra. Có chuyện “vây cánh” để những trọng tài năng lực kém, từng nhận án treo vĩnh viễn vẫn ngang nhiên trở lại? Có tình trạng “YÊU - GHÉT” từ đội ngũ cầm cân nảy mực với các đội bóng? Và có sự “chống lưng”, “thế lực ngầm” thao túng để trục lợi?...

V-League 2023 chưa qua nửa chặng đường đã hội tụ gần như đủ những vấn đề của trọng tài những mùa trước!

Người ta bức xúc một với sai lầm của trọng tài Vũ thì nay bất bình mười với cách hành xử có dấu hiệu quanh co, bao che cấp dưới của Ban trọng tài. Chưa nói tới hành động đổi từ thẻ đỏ sang thẻ vàng cho thấy năng lực chuyên môn và bản lĩnh kém của trọng tài, quyết định thổi phạt đền của trọng tài Vũ là sai lầm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến số phận của đội Khánh Hòa. Bởi nếu thắng trận này, có thêm 2 điểm thay vì 1 điểm từ trận hòa, thầy trò huấn luyện viên Võ Đình Tân sẽ vươn lên nửa trên bảng xếp hạng chứ không phải cận kề vị trí xuống hạng như hiện nay.

Thành Nam

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ban-trong-tai-v-league-2023-la-ai-post634897.html