Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh giám sát tại huyện Vĩnh Lộc

Sáng 23-9, Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH) HĐND tỉnh do đồng chí Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban VH-XH HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã thực hiện giám sát tại huyện Vĩnh Lộc về công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến nay. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Đồng chí Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban VH-XH HĐND tỉnh cùng đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Khu di tích lịch sử Phủ Trịnh (xã Vĩnh Hùng).

Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Lộc, trên địa bàn huyện hiện có 251 di tích, trong đó có 184 di tích đã được kiểm kê, 67 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng gồm: Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, 14 di tích quốc gia và 52 di tích cấp tỉnh.

Từ năm 2017 đến nay, công tác quản lý về di tích luôn được các cấp, ngành trên địa bàn huyện quan tâm thực hiện, đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong đó có 3 dự án đã được lập quy hoạch gồm Di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch; Khu di tích lịch sử Phủ Trịnh (xã Vĩnh Hùng); danh lam thắng cảnh cấp quốc gia núi Kim sơn (xã Vĩnh An) gắn với phát triển du lịch. Có 3 dự án đầu tư, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa làm chủ đầu tư, là: Phủ Trịnh, Nghè Vẹt, Lăng mộ Trịnh Tùng. 10 di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp do chính quyền địa phương làm chủ đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, là: Đình làng Bái Xuân (xã Vĩnh Phúc); nhóm tượng điêu khắc đá Đa Bút (xã Minh Tân); chùa Xuân Áng (xã Vĩnh Long); Đình Nham Thôn (xã Vĩnh An)…

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Lộc phát biểu tại buổi giám sát.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là nguồn kinh phí dành cho công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích còn nhiều hạn chế; tiến độ thi công các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích còn chậm và mới tập trung ở di tích gốc; nguồn nhân lực quản lý di tích của huyện, xã còn mỏng, chưa xứng với yêu cầu thực tiễn…

Sau khi các đại biểu tham gia ý kiến làm rõ một số vấn đề có liên quan, phát biểu kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban VH-XH HĐND đã nhấn mạnh: Vĩnh Lộc là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa cách mạng; đồng thời cũng là địa phương có nhiều di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó, có những di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã góp phần quảng bá cho bạn bè trong nước và quốc tế về hình ảnh của tỉnh Thanh Hóa.

Toàn cảnh buổi giám sát

Trong những năm qua cấp ủy, chính quyền huyện Vĩnh Lộc đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn. Huyện cũng đã có hệ thống văn bản lãnh, chỉ đạo nội dung này rất đồng bộ; quan tâm đề xuất trung ương, tỉnh, cân đối ngân sách và huy động Nhân dân đóng góp trong việc trùng tu, tôn tạo di tích; thành lập được hệ thống ban quản lý di tích từ huyện đến cơ sở; quan tâm phát huy giá trị các di tích trên địa bàn thông qua việc thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ.

Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban VH-XH HĐND cũng đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích của huyện Vĩnh Lộc. Đồng chí cho rằng, công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện còn một số hạn chế là do đặc thù của di tích liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, có yêu cầu cao về thẩm mỹ, kiến trúc nghệ thuật nên khi triển khai thực hiện mất rất nhiều thời gian; nguồn kinh phí dành cho công tác tu bổ, phục hồi còn thấp; các di tích hầu hết có tuổi đời rất lâu trải qua thời gian, ảnh hưởng của thiên tai nên nhiều di tích bị xuống cấp trở thành phế tích; tiến độ thực hiện các công trình di tích còn chậm, kéo dài; việc huy động xã hội hóa còn hạn chế…

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban VH-XH HĐND tỉnh đề nghị huyện Vĩnh Lộc cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tới cán bộ, Nhân dân, thông qua đó để người dân nâng cao ý thức trong giữ gìn, phát huy giá trị di tích, tạo nguồn lực cho xã hội hóa. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với tỉnh, trung ương về việc tham mưu trong quy hoạch bố trí nguồn lực trong trùng tu, tôn tạo di tích; đồng thời huyện cần quan tâm bố trí nguồn lực của huyện, xã, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực này. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống ban quản lý các di tích lịch sử từ huyện đến cơ sở; lựa chọn những người có năng lực, trình độ; quan tâm bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác này.

Trước đó, đồng chí Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban VH-XH HĐND tỉnh cùng đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế tại Khu di tích lịch sử Phủ Trịnh (xã Vĩnh Hùng).

Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/ban-van-hoa-xa-hoi-hdnd-tinh-giam-sat-tai-huyen-vinh-loc/144669.htm