Bàn về câu tục ngữ 'Ăn quả nhớ kẻ trồng cây'

Khi nói hoặc nhắc nhở ai về sự biết ơn nhiều người chúng ta đã rất quen thuộc với câu tục ngữ 'Ăn quả nhớ kẻ trồng cây'. Câu tục ngữ này cũng thường đọc được trong nhiều tài liệu, sách báo, giao tiếp thông thường hàng ngày... Tuy nhiên những ai đã có dịp đến Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) đều thấy ở ngay phía tay trái cách cổng chính khoảng 200m câu này được khắc trên một tảng đá to trên sườn núi lại là: 'Ăn quả nhớ người trồng cây'.

Bia đá ở Đền Hùng (Phú Thọ)

Về nội dung của câu tục ngữ khi dùng chữ "kẻ" hoặc "người" thì cũng không khác gì nhau, tuy nhiên về sắc thái ngữ nghĩa, hai từ đó dùng trong câu tục ngữ này có nhiều điểm khác nhau khá thú vị, có thể kể ra như sau:

Thứ nhất, tục ngữ là thể loại văn học dân gian nhằm đúc kết kinh nghiệm, tri thức của nhân dân dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, súc tích, có nhịp điệu, dễ nhớ, dễ lưu truyền. Chữ "quả" là vần trắc thì tương ứng cũng phải là chữ "kẻ" là vần trắc ở đây.

Thứ hai, trong kho tàng ngôn ngữ Việt cổ không phân biệt hai từ "người" và "kẻ" và không phải từ "kẻ" luôn luôn mang nghĩa xấu. Có thể dẫn chứng nhiều thành ngữ, tục ngữ minh chứng điều này. Ví dụ: kẻ trên người dưới; kẻ trước người sau; kẻ giàu người nghèo; kẻ sang người hèn v.v..Trong tất cả các thành ngữ đó chữ người và kẻ đặt ngang nhau và có thể hoán vị cho nhau mà không làm sai nội dung của câu nói. Thậm chí nếu tách các thành ngữ thành hai phần ta thấy chữ "kẻ" được kết hợp với những từ có tính tích cực hơn: kẻ trên, kẻ trước, kẻ giàu, kẻ sang... Do vậy không thể nói từ "kẻ" có hàm ý xấu để thay bằng từ "người" trong câu tục ngữ trên.

Thứ ba, tôi muốn nhấn mạnh ở phần này, trong Từ điển tiếng Việt cổ thì từ "kẻ" có nghĩa là chỉ một cộng đồng người cùng một địa bàn cư trú, cùng một làng. Theo các nghiên cứu về địa danh làng xã cổ xưa của người Việt người ta thấy có một hiện tượng rất đặc biệt*. Đó là có rất nhiều làng mà trước tên làng có từ "kẻ". Ví dụ ngay tại Hà Nội có các tên như: Kẻ Noi (Cổ Nhuế), Kẻ Mọc (Nhân Mục), Kẻ Mẩy (Mễ Trì)... Có điều chung nhất ở tất cả các làng này đều là các làng cổ và ra đời từ thời Hùng Vương, trước khi các triều đại phong kiến Trung Hoa đô hộ nước ta.

Cũng theo các nghiên cứu này thì số lượng các làng xã cổ có tên kẻ đứng trước là rất nhiều, trải khắp cả nước tập trung tại ba trung tâm hành chính chính của nước ta:

1. Trung tâm núi Hồng - sông Lam. Đây là khu vực có rất nhiều làng cổ có tên là Kẻ. Phạm vi những làng này nằm trong vùng đồng bằng và vùng ven chân núi phía nam Nghệ An, phía bắc Hà Tĩnh mà dày đặc nhất là vùng ven núi Hồng - sông Lam. Ở đây có những huyện có đến 2/3 số làng có tên Kẻ như các huyện Can Lộc, Nghi Xuân, Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Nam Đàn, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu (Nghệ An)...

2. Trung tâm Đông Sơn (Thanh Hóa). Đây cũng là khu vực có nhiều làng có tên Kẻ như các huyện: Đông Sơn, Thiệu Yên, Triệu Sơn, Hậu Lộc, Hoàng Hóa, Quảng Xương, Hà Trung, Nông Cống...

3. Trung tâm Việt Trì - Phong Châu. Đây là trung tâm của thời kỳ các vua Hùng. Các làng có tên Kẻ phân bố ven theo chân núi Ba Vì, Tam Đảo và dọc theo châu thổ sông Hồng từ Phong châu Việt Trì xuống đến Hà Nội. Các huyện Phong Châu, Thanh Sơn, Sông Thao, thành phố Việt Trì, Lập Thạch, Tam Đảo, Vĩnh Lạc, Sóc Sơn, Đông Anh, Từ Liêm, Gia Lâm...

Như vậy từ "kẻ" là một từ cổ đã có từ rất lâu trong lịch sử của dân tộc ta. Câu tục ngữ răn dạy các thế hệ sau về lòng biết ơn các bậc tiền bối vốn đã được lưu truyền đồng thời góp phần hình thành nếp sống tốt đẹp trong nền văn hiến của nhân dân ta từ ngàn đời xưa.

Thứ tư, Việt Nam ta luôn tự hào về Đền Hùng với lý do không những đây là nguồn gốc của con Rồng cháu Tiên mà còn là chứng tích lịch sử về thời kỳ độc lập với văn hóa Văn Lang rực rỡ trước khi bị phong kiến Trung Hoa đô hộ. Những hiện vật lịch sử ở đây cần phải là minh chứng cho những giá trị lịch sử vô cùng quý giá đó.

Thứ năm, tục ngữ, ca dao, dân ca hay các loại hình ngôn ngữ dân gian khác có những giá trị lịch sử ngoài ngôn ngữ rất tinh tế và quý giá nên chúng ta không thể tùy tiện thay đổi.

Trịnh Đức Thành

______________

* Nhìn lại lịch sử. Phan Duy Kha - Lã Duy Lan - Đinh Công Vĩ. NXB Văn hóa - Thông tin. Hà Nội 2003. Tr 55-61.

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/co-nen-thay-chu-ke-bang-chu-nguoi-trong-cau-tuc-ngu-an-qua-nho-ke-trong-cay-n14789.html