Bàn về giáo dục mở phát triển nguồn nhân lực

Ngày 24/10, tại khách sạn Melia, Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 32 của Hiệp hội các trường Đại học Mở châu Á (AAOU) về chủ đề 'Giáo dục mở trong phát triển nguồn nhân lực cho các nước châu Á trong thời kỳ hội nhập', thu hút gần 400 đại biểu tham dự.

Đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 5 châu lục. Hội nghị là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý trao đổi về học thuật, công nghệ và kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục mở và từ xa.

Tiến sĩ Trương Tiến Tùng - Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tiến sĩ Trương Tiến Tùng - Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội cho biết, mục tiêu của Hội nghị nhằm khẳng định vai trò của giáo dục mở đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia trong khu vực; tập trung nghiên cứu và chia sẻ thực tiễn về vai trò của giáo dục mở trong việc phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng các yêu cầu mới của châu Á trong giai đoạn hội nhập; thúc đẩy nghiên cứu khoa học về lĩnh vực giáo dục mở và từ xa, đồng thời mở rộng hợp tác giữa các cơ sở giáo dục mở và từ xa trong khu vực và trên thế giới.

Tiến sĩ Trương Tiến Tùng cho hay: “Để có thể lấy được tấm bằng tốt nghiệp, sinh viên cần phải có kế hoạch học tập rõ ràng, khoa học. Chúng tôi có một đội ngũ cố vấn học tập nhiệt tình, nhiều kinh nghiệm để hỗ trợ người học xây dựng kế hoạch này mọi lúc, mọi nơi thông qua các kết nối của hệ thống quản lý và đào tạo trực tuyến. Khi đã có được kế hoạch học tập khoa học rồi, sinh viên có thể yên tâm để vừa công tác, vừa học tập, có nhiều sinh viên còn đăng ký học cùng lúc 2 ngành học để bổ trợ cho nhau trong công việc sau này”.

Theo kết quả khảo sát năm 2017, sinh viên tốt nghiệp Viện Đại học Mở Hà Nội có việc làm sau một năm ra trường đạt tỷ lệ trên 97%, trung bình các năm, tỷ lệ này đạt gần 95%, trong đó có nhiều ngành đạt 100%. Điều này phần nào khẳng định chất lượng đào tạo và hướng đi đúng đắn trong phát triển đào tạo của Viện Đại học Mở Hà Nội.

Tại đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc khẳng định, các nội dung trong khuôn khổ của diễn đàn, hội nghị khoa học này góp phần thiết thực vào việc giải quyết những vấn đề lớn, hết sức căn bản trong quá trình đóng góp của hệ thống giáo dục mở vào sự phát triển nguồn nhân lực của các quốc gia trong khu vực.

Hội nghị thu hút đông đảo các đại biểu là nhà khoa học của nhiều quốc gia trên thế giới

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao những ý tưởng khoa học và nội dung của Hội nghị. Những báo cáo khoa học và ý kiến phát biểu của các nhà khoa học được trình bày trong Hội nghị lần này sẽ góp phần tạo nên những cơ sở cần thiết để phát triển hơn nữa hệ thống, phương thức giáo dục và các chương trình để các đơn vị đào tạo đại học thuộc hệ thống giáo dục mở trở thành cái nôi cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng cho sự phát triển nhanh chóng của toàn cầu hóa. Đồng thời, Hội nghị sẽ là cầu nối thiết lập quan hệ hợp tác thường xuyên và tin cậy giữa các nhà khoa học của các trường đại học mở trong khu vực châu Á và thế giới”.

Giáo dục mở là một xu hướng, hướng tới nền giáo dục tiên tiến, được hiểu khái quát là một triết lý giáo dục hướng tới loại bỏ các rào cản trong việc tiếp cận với giáo dục. Xuất hiện tại Việt Nam vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20 với nhiều loại hình phong phú, giáo dục mở đã trở thành định hướng phát triển của nền giáo dục Việt Nam tại nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết 29), trong đó Viện Đại học Mở Hà Nội là một trong 2 trường đại học mở được thành lập với mục tiêu hiện thực hóa triết lý giáo dục mở đó.

Tính đến thời điểm hiện tại, Viện Đại học Mở Hà Nội đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp cho khoảng 150 nghìn kỹ sư, kiến trúc sư, cử nhân và thạc sĩ. Trường đại học này là đơn vị tiên phong trong việc xóa đi rào cản về tuổi tác trong giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Cùng với đó, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào công tác dạy và học đã giúp cho người học có thể tiếp cận bài giảng và tri thức mọi lúc, mọi nơi, xóa đi những rào cản về không gian và thời gian, tạo ra sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người dân dù ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo...

Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà khoa học đến từ các quốc gia trên thế giới đã thảo luận nhiều chủ đề như: Công nghệ mới trong đào tạo mở; Phát triển nguồn nhân lực tại các trường đại học mở; Giáo dục mở trong phát triển kỹ thuật, dạy nghề và kỹ năng; Thực tiễn giáo dục mở trong giảng dạy ngoại ngữ và các môn chuyên ngành; công nghệ đào tạo mở…

Bình Minh

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/ban-ve-giao-duc-mo-phat-trien-nguon-nhan-luc-d2057192.html