Bàn về lời hứa của các ứng viên VFF

Như vậy là sau rất nhiều ồn ào, Tiểu ban nhân sự của đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) khóa VIII đã chốt được bản danh sách ứng viên 'đồ sộ'. Vì thế, đề án tranh cử được coi là cơ hội để thể hiện thế mạnh và quyết tâm hành động của mỗi ứng viên. Tuy nhiên, ai sẽ là người giám sát những 'lời hứa' từ lúc tranh cử đến lúc triển khai trên thực tế sau khi trúng cử của các ứng viên?

Chưa bao giờ ở các vị trí chủ chốt, đại hội của VFF lần này lại chứng kiến sự “nhộn nhịp” về nhân sự đến thế. Hiện tại, tranh cử vào vị trí Chủ tịch VFF có 4 ứng viên, gồm: Phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn khóa 7 Trần Quốc Tuấn; Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn truyền thông Thanh Niên Nguyễn Công Khế; Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Cấn Văn Nghĩa; Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường Đại học TDTT TP.HCM, ủy viên ban chấp hành, trưởng Ban y học VFF khóa 7 Lê Quý Phượng.

Bên cạnh đó, vị trí Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn có 4 ứng viên: Trần Quốc Tuấn, Dương Vũ Lâm, Phạm Văn Tuấn, Phạm Ngọc Viễn. Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và Vận động tài trợ có 3 người là: Trần Văn Liêng, Lê Văn Thành, Trần Anh Tú. Vị trí Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông có nhiều ứng viên nhất gồm các ông: Cao Văn Chóng, Nguyễn Xuân Gụ, Lương Hoàng Hưng, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Lân Trung, Phan Anh Tú.

Vì vậy, ngay sau cuộc họp quan trọng giữa Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải với các nhân tố chủ chốt của VFF vào chiều ngày 18-4, tuy không phải là quy định bắt buộc nhưng Bộ VH-TT&DL cũng khuyến khích các ứng viên chủ chốt vào các vị trí Chủ tịch và Phó Chủ tịch VFF làm đề án tranh cử. Chủ trương này được nhiều ứng viên như các ông Trần Văn Liêng, ông Lê Văn Thành, Lương Hoàng Hưng, Cao Văn Chóng, Dương Vũ Lâm… ủng hộ.

Được biết, thậm chí ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch HĐQT kiêm tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ca cao Việt Nam, người ứng cử vào vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài chính, tài trợ VFF còn chuẩn bị tổ chức họp báo để công bố rộng rãi đề án tranh cử. Với vị trí của mình, ông Liêng được cho là sẽ huy động được nguồn lực tốt nhất từ giới doanh nhân để hỗ trợ cho các hoạt động của VFF nhiệm kỳ 2018-2022.

Đại hội VFF khóa VIII được kỳ vọng sẽ chọn được những người đủ đức đủ tài lãnh đạo nền bóng đá Việt Nam (ảnh: VFF).

Tuy nhiên, nói và làm là hai việc chưa chắc đã đồng nhất. Có thể do nhiều nguyên nhân mà ứng viên không thể thực hiện được lời hứa của mình khi ứng cử. Còn nhớ ở đại hội lần 7, với sự ủng hộ của đông đảo dư luận cùng những người có tiếng nói trong làng bóng đá nước nhà, ông Lê Hùng Dũng, khi ấy đang là Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Eximbank, quyền chủ tịch VFF khóa 6 đã trúng cử chức danh chủ tịch VFF khóa 7 (nhiệm kỳ 2014 -2018) với 60/62 phiếu bầu.

Trong bài phát biểu của mình tại đại hội, ông Lê Hùng Dũng đã chỉ ra những yếu kém của bóng đá Việt Nam và vạch ra những chiến lược để thay đổi toàn diện nền bóng đá Việt Nam. Rất tiếc là từ sau đó đến nay, ông Dũng liên tiếp phải điều trị bệnh tật và không có nhiều cơ hội để trực tiếp thực hiện những cam kết của mình. Thực tế là trong thời gian dài vừa qua, ông Dũng đã bất đắc dĩ phải nhường lại quyền cho các cấp phó của mình để điều hành công việc VFF. Và đến đại hội khóa 8 lần này, ông Dũng đã xin rút lui vì lý do sức khỏe.

Trường hợp thứ 2 phải nói đến là ông Đoàn nguyên Đức. Ở cùng thời điểm đại hội 7, ông Đức được bầu giữ chức Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính, tài trợ. Ông Đức đã từng tuyên bố, nếu lứa Công Phượng, Xuân Trường không vô địch SeaGames 2017, ông sẽ từ chức. Và đúng như vậy, đội tuyển U23 khi ấy dưới sự dẫn dắt của HLV Hữu Thắng đã không thể vượt qua vòng bảng SeaGames. Giữ lời hứa, ông Đoàn Nguyên Đức đã tuyên bố từ chức.

Nhắc lại những sự việc trong quá khứ để thấy rằng, chủ trương làm đề án tranh cử của các ứng viên là rất tốt. Trong đề án của mình, các ứng viên có cơ hội trình bày cụ thể thế mạnh của mình, từ đó đưa ra được mục tiêu, kế hoạch và giải pháp thực hiện để thuyết phục phiếu bầu của các đại biểu cũng như lấy được thiện cảm và sự ủng hộ từ dư luận. Đó là một việc làm bình thường, thậm chí là bắt buộc ở các nền bóng đá phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, do đây không phải là quy định bắt buộc nên người hâm mộ có quyền lo lắng về lời hứa của các ứng viên. Vì là không bắt buộc nên đương nhiên sẽ không có chế tài để xử lý. Văn hóa từ chức trong bóng đá của Việt Nam chưa phải là vấn đề phổ thông. Những người dám từ chức như bầu Đức, con số ấy không phải là nhiều. Lúc đó, nếu các ứng viên hứa trong đề án của mình những lời đao to búa lớn nhưng lại không thực hiện được gì trên cương vị của mình khi đã trúng cử, thì dư luận cũng chỉ biết lắc đầu ngao ngán mà thôi.

Vũ Cảnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/so-tay-the-thao/ban-ve-loi-hua-cua-cac-ung-vien-vff-487434/