Bàn về xử lý đầu cơ và tăng giá khẩu trang

Nếu tình huống là thảm họa, thì những mặt hàng cực kỳ thiết yếu (thực phẩm, khẩu trang…), cung tạm thời không đủ cầu thì chính quyền nào rồi cũng hành xử như nhau thôi.

Việc kiểm soát như thế này có tác dụng nhanh chóng hơn là chờ lực dẫn dắt tự do của cung cầu.

Việc kiểm soát này về bản chất là cưỡng bách phân phối lại nguồn lực “lấy người giàu chia cho người nghèo” để tránh đổ vỡ tổng thể xã hội.

Thôi mọi người hãy nhịn ăn một tí, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều.

Tất nhiên kiểu quản lý này chỉ hiệu quả trong trường hợp chiến tranh, khủng hoảng và thảm họa. Hết chiến tranh và thảm họa phải bỏ ngay.

Có thể việc tăng giá khẩu trang của các hiệu thuốc là động cơ kinh tế (cầu cao, hoặc chi phí đầu vào tăng lên) nhưng thời điểm mà họ đồng loạt tăng giá gấp 10 lần là không đúng thời điểm.

Nó vẽ ra hình ảnh những kẻ tham lam, những kẻ đầu cơ chỉ biết tới tiền mà bất chấp sự an nguy của đồng loại.

Họ có thể đúng về mặt kinh tế, nhưng thua về mặt nhân tâm.

Hơn nữa, ngay sau khi có cảnh cáo của bộ y tế họ lại trưng ngay những tấm biển “ở đây không bán khẩu trang”. Đây giống như một hình ảnh thách thức công luận, thách thức cơn cuồng nộ của đám đông, như một đứa trẻ không được cho kẹo giãy đành đạch ăn vạ.

Xin nói lại, họ có thể đúng về mặt kinh tế nhưng họ không hiểu được hành vi người tiêu dùng, những khách hàng của họ. Nói cho cùng việc mua bán không nằm ở đúng sai mà nằm ở con tim tức là cảm xúc là yêu, là ghét. Họ có thể mất nhiều hơn được. Họ hoàn toàn có thể bị cộng đồng tẩy chay.

Thôi hãy coi sự trừng phạt bộ y tế nó cũng như việc đóng băng (biên độ) chứng khoán trước sự tham lam và sợ hãi của con người.

Nó như một cái phanh hãm những cái đầu nóng làm cho mọi người bình tâm lại tránh sự giao động quá mạnh khỏi vị trí cân bằng tối ưu của xã hội.

Cầu về khẩu trang trong cơn hoảng loạn có thể là cầu vượt mức cần thiết. Khi bình tĩnh lại thì người mua cũng chỉ mua ở mức vừa đủ hoặc thậm chí không cần đeo khẩu trang với những người khỏe mạnh, không ở những nơi nhạy cảm với bệnh như ông Lý Hiển Long bên Sing?

Bên cung cũng cần nhìn lại mình: Trách nhiệm xã hội, đạo đức, công tác truyền thông và quan hệ công chúng mình ở đâu trong thời điểm nhạy cảm này?

Có phải thực sự chi phí của mình đã tăng hơn 10 lần hay chỉ là kiểu đầu cơ kền kền ăn xác thối đi tìm kiếm lợi nhuận siêu ngạch vào thời điểm nhạy cảm trước hàng triệu con mắt đang phẫn nộ?

Thôi cũng nên hy sinh một phần lợi ích một tí, muốn có oản ăn thì hãy giữ lấy chùa.

Còn những nhà chính sách lúc này sẽ làm gì? Tất nhiên là họ tung liều thuốc an thần trấn an đám đông cho họ bình tĩnh lại bằng cách trừng phạt những kẻ “đầu cơ xấu xa kia”, họ sẽ không ngần ngại trảm một vài trường hợp để yên thiên hạ nhằm giữ đại cục.

Họ sẽ tiếp tục làm dân vận tuyên truyền công khai thông tin và cung cấp kiến thức để làm hạ nhiệt những cái đầu nóng.

Mặt khác tất nhiên là họ sẽ âm thầm đi tìm giải pháp từ phía cung.

Chẳng hạn họ dùng ngân sách và những công ty nhà nước (quân đội) để sản xuất khẩu trang nhưng dùng bằng cách phân phối số lượng hữu hạn với những ai không có tiền nhưng có sẵn thời gian để xếp hàng.

Còn bọn có tiền không muốn xếp hàng muốn mua nhanh và đắt thì cứ mua online và trên thị trường “chợ đen” chẳng hạn.

Các kinh tế gia thì cứ cái gì xâm phạm tính nguyên sơ trinh nguyên của thị trường thì phản đối kịch liệt: Cung cầu là những lực đẩy bất khả xâm phạm còn giá cả là ngọn hải đăng dẫn lối.

Anh chị em quần chúng văn nghệ sĩ thì cứ lên án bọn đầu cơ, bên “gian thương” thì cứ theo trend mà kiếm tiền, người làm chính sách thì cứ phải tìm cách mà giữ đại cục.

Tất cả làm nên xã hội tương tác không ngừng để tìm ra điểm hài hòa nhất. Xã hội cứ cân bằng rồi mất cân bằng rồi tìm được điểm cân bằng mới.

Hy vọng điểm cân bằng mới này không có tổn thất quá lớn trong năm nay. Dịch sớm qua đi còn ai lại về nhà nấy.

Nguồn: FB Hoang Tung Dang

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/ban-ve-xu-ly-dau-co-va-tang-gia-khau-trang-166247.html