Bạn vong niên

Anh hơn tôi sáu tuổi. Chúng tôi quen nhau trong buổi họp mặt đầu năm tại hội trường ủy ban huyện. Anh nguyên là cán bộ một xã bên tả ngạn vừa được điều lên phòng văn hóa thông tin. Hồi ấy cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ mới bước vào những năm đầu, miền Bắc, miền Nam liên tiếp có những trận thắng lớn.

Năm nào vào dịp đầu xuân phòng văn hóa thông tin cũng tổ chức một buổi gặp mặt những người viết ở cơ sở để phát động phong trào sáng tác văn thơ nhằm cổ vũ, động viên tinh thần hăng say sản xuất, chiến đấu của quân và dân toàn huyện. Cuộc gặp mặt năm ấy được tổ chức khá trang trọng vì trưởng phòng nhờ mối quan hệ đặc biệt của mình đã mời được nhà thơ Mai Huệ về dự. Mai Huệ là nhà thơ duy nhất của tỉnh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Chương trình được mở đầu bằng phần đọc thơ. Các tác giả tự trình bày những sáng tác mới và tâm đắc nhất của mình. Anh là người có vinh dự được mời lên đọc trước. Bài thơ của anh có tứ, khá hay, lại được trình bày bằng một chất giọng truyền cảm nên đã thu hút sự ngưỡng mộ của tất cả những người có mặt. Khi anh đọc xong câu kết “Đất cựa mình nghe cuộc sống sinh sôi” thì cả hội trường như vỡ òa vì một tràng pháo tay kéo dài. Trưởng phòng rời ghế ngồi, bước nhanh lên sân khấu bắt tay chúc mừng tác giả. Tôi cũng ngây ra mất một lúc, nhưng cảm xúc hoàn toàn ngược với số đông vì câu thơ khép lại bài thơ, câu thơ hay nhất ấy lại là một câu thơ tôi đã đọc được của ai đó và vẫn còn nhớ. Tôi định chờ anh xuống sẽ nói lại nhận xét của mình. Nhưng khi rời sân khấu anh không về chỗ cũ cạnh tôi mà được trưởng phòng dìu đến ngồi giữa ông và nhà thơ Mai Huệ như là một phần thưởng nóng cho một tài năng.

Xong phần tự trình bày thơ của các cây bút nghiệp dư là đến phần nhận xét của nhà thơ Mai Huệ. Nội dung này rất quan trọng nên được tất cả mọi người háo hức mong đợi. Năm ngoái, tôi được tham dự một trại sáng tác do Ty Văn hóa Thông tin mở. Trong trại tôi đã được nghe nhà thơ Mai Huệ giảng bài về phương pháp làm thơ và ca dao. Cuối trại lại được nghe chính nhà thơ nhận xét về những sáng tác của trại viên. Vì vậy tôi chắc chắn ông sẽ lần lượt nhận xét từ những sáng tác yếu kém nhất và sẽ dành tình cảm cho một hai tác phẩm khá ở những phút cuối cùng.

Quả như tôi dự đoán, những bài thơ được đưa ra nhận xét đầu tiên là loạt bài không mấy chất lượng, sau đó là những bài ở mức trung bình. Bài thơ của anh được ông để lại cuối cùng với những lời bình thật ưu ái và đến câu thơ cuối, câu thơ gây nhiều ấn tượng nhất thì ông đã không kiệm lời khen “Đấy là một điểm ngời sáng, một câu thơ xuất thần đã làm nên giá trị của cả bài thơ!”. Rồi ông trịnh trọng nói: “Nếu tác giả đồng ý, thay mặt ban biên tập tôi xin được nhận bản thảo bài thơ này để giới thiệu trên số tập san văn học tháng sau”. Cả hội trường rộ lên một tràng pháo tay. Trưởng Phòng văn hóa thông tin huyện vụt đứng dậy, dang tay ôm lấy hai bờ vai anh lắc lấy lắc để. Hỏi sao ông không mừng được bởi cả cái huyện trọng điểm lúa này suốt mấy năm qua hầu như chưa có một tác giả nào được in thơ trên tập san văn học sang trọng ấy của tỉnh, nay đích thân một cán bộ biên tập chủ chốt lại chấp nhận bài thơ ấy của anh. Sự kiện này sẽ gây được tiếng vang, đem lại vinh quang không chỉ cho riêng tác giả mà cả lãnh đạo và những người cầm bút nghiệp dư trong huyện. Rồi cũng theo cái cách chuẩn bị kết thúc bài nhận xét của mình, để cho dân chủ, nhà thơ dừng lại, nhìn xuống xin ý kiến mọi người. Tất nhiên là không ai có ý kiến gì rồi. Nhưng oái oăm thay liền đó ông lại hướng cặp kính cận về phía tôi, hỏi: “Thế nào, đồng chí Đào, có nhận xét gì khác không?”. Bị bất ngờ, tôi không khỏi lúng túng. Nhưng rồi bản chất của tuổi trẻ, ít học lại bộc trực thẳng tính tôi đứng dậy, rụt rè trình bày suy nghĩ của mình: “Thưa bác, theo cảm nhận của riêng em đây là một bài thơ hay, nhưng có lẽ phải tìm một câu thơ khác thay câu kết vì nó trùng một câu trong bài thơ cũng nói về nông nghiệp, nông thôn đã được in trên báo Văn nghệ Trung ương từ hai năm trước”.

Ý kiến của tôi như một thùng nước lạnh dội xuống hội trường. Tất cả đổ dồn nhìn về phía tôi. Nhà thơ Mai Huệ tỏ ra khá lúng túng. Ông rời bục nói chuyện, xuống ngồi cạnh tôi hỏi nhỏ: “Cậu phát hiện chính xác đấy chứ? Tên bài thơ ấy là gì? Của tác giả nào? In Văn nghệ số mấy?”. Câu hỏi của ông với một loạt nghi vấn dồn tôi vào thế bí thật sự. Làm sao trả lời ông rành rẽ được bởi tôi có thói quen đọc thơ chỉ tâm đắc và nhớ những câu thơ hay chứ rất ít nhớ tên bài và tên tác giả. Giá như tháng mười năm ấy không có chuyện máy bay Mỹ ném bom vào làng, bốc tung ngôi nhà và người mẹ ốm yếu của tôi thì chắc chắn những số báo văn nghệ ấy vẫn còn, tôi chỉ việc khất nhà thơ để về xem lại rồi viết thư trả lời sau. Nhưng bây giờ thì tôi không thể làm chuyện ấy được. Tôi nói với nhà thơ: “Em nhớ nó được in trong trang thơ số đặc biệt nhân dịp tỉnh lúa Thái Bình được công nhận tỉnh 5 tấn”. Ông khẽ gật gật đầu. Tôi hỏi: “Bài thơ của anh ấy thì vẫn in được chứ bác? Em nghĩ chỉ cần thay câu thơ ấy”. Ông trả lời nước đôi: “Để mình xem lại đã”.

Cuộc gặp mặt đầu năm kết thúc trong một không khí rất nặng nề. Ai cũng hiểu nguyên nhân đấy là do ý kiến của tôi về bài thơ của anh. Khác với những giây phút đầu gặp gỡ và làm quen, anh cố tình tìm cách tránh mặt tôi. Sau bữa cơm liên hoan, tôi tìm gặp để chào tạm biệt anh, nhưng anh đã về từ lúc nào rồi.

Nhiều năm sau tôi gần như không có tin tức gì về anh. Cái thông lệ gặp mặt bạn viết đầu năm phòng văn hóa thông tin huyện cũng không tổ chức nữa. Tôi cố gắng bằng mọi cách có thể để tìm lại tờ báo đã in bài thơ có câu thơ trùng với câu thơ của anh nhưng mọi nỗ lực đều vô vọng. Chuyện ấy tôi đành gác lại, xem như một món nợ với anh. Điều làm tôi buồn và day dứt là ít lâu sau đó tôi tình cờ nghe tin anh đã phải rời phòng văn hóa thông tin huyện theo chế độ hồi hương, mà thực chất là một dạng tinh giản biên chế. Biết đâu nguyên nhân sâu xa lại không bắt đầu từ ý kiến của tôi về câu thơ ấy.

Tôi ốm nặng phải nằm một chỗ mất mấy tháng trời. Lúc đầu cũng chỉ là sốt nhẹ và khúc khắc ho do viêm phế quản. Nếu cứ như mọi lần nhờ y tá tiêm vài liều kháng sinh chắc sẽ khỏi. Nhưng ma xui quỷ khiến thế nào tôi lại rước về mấy ấm thuốc nam nấu lấy nước ngậm. Hậu quả là bệnh không khỏi mà còn nặng thêm. Cuống họng tôi bị lở loét vì nhiễm trùng. Vậy là lại phải quay ra điều trị bằng kháng sinh. Vào thời kỳ đó để có được một lọ Penicilin thật không dễ. May thay ông y tá điều trị cho tôi luôn có nguồn cung là những người có tài móc ngoặc với nhân viên của các cửa hàng dược và bệnh viện nên vẫn lo đủ thuốc để tiêm cho tôi. Nhưng dù lượng kháng sinh đã tăng đến liều tối đa cơ thể có thể chịu được bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Người tôi chỉ còn da bọc xương, cổ họng lúc nào cũng như có lửa, nuốt được một thìa cháo, một ngụm nước là cả một sự đau đớn đến vô cùng, toàn thân lúc nào cũng hầm hập sốt. Nhiều hôm tiêm cho tôi xong, y tá chỉ ngồi im lặng lắc đầu. Tôi biết ông đã bất lực.

Ông bỏ không tiêm một buổi sáng. Buổi chiều cũng phải gần bốn giờ mới đến. Ông bảo tôi: “Nói thật với anh là tôi đã bất lực rồi. Penicilin tiêm liều cao như thế mà không tác dụng thì có lẽ cơ thể anh đã kháng thuốc. Hôm nay có người đưa cho tôi loại thuốc này. Nó có hàm lượng cao gấp nhiều lần Penicilin. Anh ấy bảo tôi mang về tiêm cho anh vì như chỗ anh ấy được biết thì nhiều trường hợp bệnh nặng như anh, điều trị bằng Penicilin liều cao không tác dụng nhưng khi tiêm loại này thì bệnh chuyển rất nhanh. Nói thật vì chưa dùng loại kháng sinh này bao giờ nên tôi cũng đang lưỡng lự. Nhưng nếu anh đã quyết không đi bệnh viện thì cứ tiêm thử xem. Thật ra cũng không còn cách nào khác”.

Phải lựa chọn giữa một bên là nằm chờ chết, một bên là cơ may có thể khỏi bệnh thì thật đơn giản. Tôi khẩn khoản đề nghị ông tiêm luôn loại thuốc ấy cho tôi, nếu xảy ra chuyện gì tôi và gia đình hoàn toàn chịu trách nhiệm. Có sự cam kết của con bệnh, hình như ông vững tâm hơn. Ông lấy ra một vỉ thuốc dạng ống thủy tinh vuốt nhọn hai đầu nhưng chỉ còn chín ống. Ông nói: “Anh ấy bảo chỉ mua được hai vỉ, đưa anh một vỉ. Trên đường về tôi làm vỡ mất một ống. Nhưng không sao vì nếu thuốc có tác dụng thì chỉ cần tiêm đến ống thứ năm là khỏi”. Ông lấy sẵn mấy ống thuốc trợ tim để phòng sự cố rồi mới rút thuốc vào xi lanh để tiêm cho tôi.

Ống Gantamicin có tác dụng như một loại thần dược đã nhanh chóng chặn đứng và đẩy lùi cơn bệnh nguy cấp đang tấn công cơ thể tôi. Chỉ sau mấy tiếng đồng hồ, cơn sốt dai dẳng kéo dài từ nhiều ngày đã chấm dứt. Đặc biệt cổ họng không còn hiện tượng bỏng rát. Tôi nuốt nước bọt, thậm chí uống nước đã không còn cảm giác đau rát như bị xát muối nữa. Cũng không phải chờ tiêm hết vỉ thuốc quý, chỉ sau năm mũi tiêm cổ họng tôi đã hoàn toàn bình phục. Tôi ăn được cháo rồi sau đó ăn được cơm. Sức khỏe tôi bình phục nhanh chóng. Cả nhà tôi mừng. Ông y tá điều trị cho tôi càng mừng hơn. Kiểm tra vòm họng cho tôi xong, ông phấn khởi nói: “Ổn rồi! Từ hôm nay tôi sẽ tiêm thêm thuốc bổ cho anh. Nhưng quan trọng là phải ăn uống cho tốt cơ thể mới mau hồi phục”. Ông lấy trong túi ra ba vỉ B12 loại một ngàn gamma của Liên Xô, đặt trước mặt tôi, nói: “Loại này mỗi ngày chỉ cần tiêm một ống. Tiêm đủ ba mươi ống là anh có thể đi làm được!”.

Quả như ông nói, sức khỏe tôi hồi phục rất nhanh. Chờ tiêm hết 30 ống B12 tôi bảo vợ chuẩn bị bữa cơm rượu để cảm ơn và thanh toán cho ông. Khi tính tiền, ông chỉ lấy tiền số thuốc đã tiêm trước đó còn vỉ Gantamicin và 30 ống B12 ông không lấy tiền. Ông nói: “Tôi chỉ lấy tiền thuốc của mình, còn vỉ Gantamicin và 30 ống B12 là quà của một người tặng anh!”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Là ai vậy bác?”. Ông cười: “Anh ấy dặn không được cho anh biết nên tôi không thể nói tên anh ấy được”. Tôi năn nỉ, gặng hỏi mãi ông mới nói: “Tôi chỉ có thể hé lộ cho anh chi tiết này: Anh ấy là người cũng rất đam mê văn chương, thường đọc thơ của anh in trên các báo và tạp chí. Nhà ở ngay phố huyện”. Tôi chợt nghĩ đến anh nhưng vội gạt ra luôn vì nhà anh ở bên tả ngạn, mà anh thì có liên quan gì đến nghề kinh doanh dược, nhất lại là kinh doanh bất hợp pháp. Ôi! Quý nhân của tôi! Anh là ai vậy? Thôi, đành nhẫn nại chờ một lúc nào đó ông y tá nói cho biết thì mới có hy vọng tìm gặp ân nhân mà trả cái ơn cứu mạng này.

Tôi không phải chờ lâu. Chỉ hai tuần sau ông y tá đạp xe đến nhà báo cho tôi một tin liên quan đến người đã cứu mạng mình. Sau khi cho tôi biết tên và chỗ ở của anh ông thông báo một tin sét đánh làm tôi rụng rời cả tay chân: Anh vừa bị truy tố về tội buôn bán trái phép thuốc tân dược! Phiên tòa xử và kết thúc buổi sáng hôm qua, anh bị kết án 12 tháng tù giam! Trời! Anh Minh! Sao lại là anh kia chứ? Một trong hai vỉ Gantamicin người ta khám và thu được trong nhà anh chính là tang vật để đưa anh vào vòng lao lý. Tôi vượt qua vận hạn, sống được là nhờ cái sai phạm của anh. Nếu có thể được tôi sẵn sàng ngồi tù thay anh để trả cái ơn cứu mạng ấy! Nhưng mà... nếu được pháp luật chấp thuận, dễ gì anh đã đồng ý. Anh quan tâm đến tôi nhưng chắc gì anh đã thông cảm và tha thứ cho tôi cái chuyện đã ngáng trở con đường và sự nghiệp của đời anh. Có thể đấy chính là nguyên nhân đã đẩy anh từ một người làm công tác văn hóa sang lĩnh vực kinh doanh bất hợp pháp một ngành hàng Nhà nước độc quyền quản lý. Tôi bỏ ra một ngày để đi tìm hiểu ngọn nguồn sự việc mới hay về địa phương không được bao lâu anh đã bán đất, bán nhà rồi đưa vợ con sang phố huyện ở và sống bằng nghề vẽ truyền thần. Dần dần do mối quan hệ quen biết anh móc nối được với một số nhân viên trong cửa hàng dược để mua thuốc cung cấp ra thị trường. Anh đâu biết công việc kinh doanh của mình đã nằm trong tầm ngắm của cơ quan điều tra. Cho đến khi kho thuốc quý của cửa hàng dược bị kiểm kê đột xuất thì công việc làm ăn của anh cũng bị bại lộ. Tôi dò hỏi, biết được nơi anh đang thụ án vội thu xếp đến trại thăm anh. Nhưng anh đã từ chối không cho gặp.

Tôi sống trong tâm trạng của một kẻ vừa có tội vừa đang mang ơn một người mà người ấy không hề quan tâm đến cả hai điều hệ trọng đó. Tôi cố gắng dành thời gian đọc thật nhiều, nghe thật nhiều các chương trình phát thanh văn nghệ với hy vọng may ra qua những kênh thông tin này có thể tìm được văn bản và tác giả bài thơ có câu thơ định mệnh kia để thanh minh với anh việc làm nông nỗi của mình. Nhưng mục đích của tôi không thu được kết quả. Bù lại tôi đọc được một bài viết của một nhà nghiên cứu cũng có tiếng tăm trong văn đàn về một hiện tượng có trong sáng tác văn học, đó là hiện tượng cảm xúc trùng. Đại ý nội dung bài viết nhà nghiên cứu phân tích hiện tượng hai tác giả ở hai vùng địa lý khác biệt có thể cùng lúc nghĩ ra một cốt truyện cho một truyện ngắn, một tứ thơ cho một bài thơ, thậm chí một câu thơ giống nhau từng chữ. Hiện tượng này ông gọi là cảm xúc trùng. Trong trường hợp đó người công bố tác phẩm trước sẽ bảo vệ được sản phẩm trí tuệ của mình còn người chậm chân đành chịu thiệt. Đôi khi có trường hợp vì thiếu thông tin, người thứ hai vẫn vô tư cho trình làng đứa con tinh thần của mình mà người làm công việc biên tập không phát hiện ra thì dễ bị hiểu lầm là đạo văn. Trong trường hợp ấy cần có sự thông cảm và nhìn nhận một cách khách quan và công bằng. Có thể câu thơ của anh thuộc hiện tượng này. Vì tôi tin với thực tế trên đồng đất quê anh, lúc cảm hứng dâng trào việc tự nhiên bật ra một câu thơ xuất thần như vậy cũng là điều dễ hiểu! Tôi mừng hơn vớ được vàng. Giải pháp để hóa giải khúc mắc với anh đây rồi. Tôi cẩn thận cắt lấy bài báo, cặp vào sổ tay chờ ngày anh ở trại giam về sẽ tìm gặp anh thanh minh chuyện cũ.

Anh ra tù nhưng mấy lần tôi xuống đều không gặp được. Lần nào vợ con anh cũng nói anh không có nhà. Tôi biết anh vẫn còn giận mình, không muốn gặp. Tôi chưa biết làm cách nào để có thể tiếp cận anh thì được tin một lần về thành phố anh bị tai nạn giao thông, đang nằm điều trị tại khoa ngoại Bệnh viện tỉnh. Tôi vội thu xếp công việc để xuống thăm anh. Lúc đi tôi không quên mang theo bài báo nhỏ của nhà nghiên cứu nọ. Anh tiếp tôi trên giường bệnh. Cũng may là vụ va chạm không mấy nghiêm trọng nên anh chỉ bị thương nhẹ ở chân trái, điều trị vài ngày có thể ra viện. Tôi rụt rè ngồi xuống bên giường, chưa biết nên bắt đầu thế nào thì anh đã nói: “Hình như cậu vẫn còn băn khoăn về cái vụ góp ý cho bài thơ năm ấy của mình phải không? Bỏ qua đi! Chắc là cậu đúng đấy! Gần đây mình có hỏi chuyện một nhà giáo ở Thái Bình, anh ấy nói có được đọc bài thơ mà trong bài có câu thơ ấy thật. Tiếc là cũng như cậu anh ta không nhớ tên tác giả và tên bài thơ! Kỳ lạ thật! Nhưng thề với cậu là trước đó mình chưa hề biết mặt tờ báo Văn nghệ!” Tôi như người cất được gánh nặng. Vậy là chính anh đã tự giải cứu cho tôi. Tôi vội lấy bài báo đưa cho anh, nói: “Hiện tượng này cũng dễ cắt nghĩa thôi, anh ạ! Em có bài báo nhỏ này, anh đọc rồi sẽ hiểu”. Chờ anh đọc xong bài báo, tôi rụt rè nói: “Em thành thật xin lỗi anh vì sự góp ý vội vàng không đúng chỗ của mình. Nó có thể là nguyên nhân đã...”. Anh bật dậy, xua xua tay: “Cậu không có lỗi gì trong chuyện này đâu! Mình còn phải cảm ơn cậu vì nếu không ngày ấy bài thơ được in ra, búa rìu dư luận sẽ bổ xuống đầu mình vì tội đạo văn thì còn không có đất mà chui xuống nữa. Cứ như bài báo này thì mình đúng là kẻ chậm chân! Mà thôi, không thành nhà thơ thì làm một người yêu thơ cũng được chứ sao? Cậu vẫn viết đều đấy chứ?”. Tôi nhào lên giường, ôm ngang lưng anh cảm kích nói: “Vâng! Nhưng nếu không có anh thì em đã thành đất lâu rồi!”.

Truyện ngắn của Đào Hữu Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ban-vong-nien/113454.htm