Bán vũ khí cho Đài Loan ở mức kỷ lục, Mỹ cứng rắn chưa từng có với TQ

Việc Mỹ bán 8 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan đúng thời điểm nhạy cảm cho thấy quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục xấu đi, giữa bối cảnh thương chiến và biểu tình Hong Kong ngày càng nóng.

Chính quyền Trump sẽ tiến hành thương vụ bán chiến đấu cơ F-16 tổng trị giá 8 tỷ USD cho Đài Loan, các quan chức Mỹ nói ngày 16/8. Động thái này sẽ chọc giận Trung Quốc giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh làm đảo lộn mọi mặt mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và khiến chứng khoán toàn cầu chao đảo.

Việc bán 66 máy bay chiến đấu cho Đài Loan sẽ là một trong những gói bán vũ khí lớn nhất giữa Mỹ và hòn đảo này.

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo với quốc hội ngày 15/8, ngay sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo ký bản ghi nhớ phê duyệt thương vụ, theo lời các quan chức. Quốc hội Mỹ được cho là sẽ không phản đối.

Trong quá khứ, các chính quyền Mỹ thường thận trọng với các gói vũ khí nhiều tỷ USD bán cho Đài Loan, vì điều này chắc chắn chọc giận Bắc Kinh, vốn luôn coi hòn đảo là lãnh thổ không thể tách rời. Song lần này, dường như Tổng thống Trump đã ném sự thận trọng đó ra ngoài cửa sổ, theo New York Times.

Các phi công trong lực lượng không quân của Đài Loan tập trận vào tháng 1. Ảnh: Reuters.

Các phi công trong lực lượng không quân của Đài Loan tập trận vào tháng 1. Ảnh: Reuters.

Chọc giận Trung Quốc giữa căng thẳng thương mại

Trong nhiều tuần, các nhà lập pháp cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã cáo buộc chính quyền Trump trì hoãn bán vũ khí cho Đài Loan nhằm tránh ảnh hưởng tới cuộc đàm phán thương mại, hoặc để dùng nó như lá bài thương lượng.

Thế nhưng, đàm phán thương mại tại Thượng Hải cuối tháng 7 không đi đến đâu, và Tổng thống Trump đầu tháng này tuyên bố áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD, có hiệu lực từ ngày 1/9.

Dù vậy, tới ngày 13/8, ông lại quyết định hoãn việc áp thuế đối với một số mặt hàng như điện thoại cho đến sau khi mua sắm Giáng Sinh bắt đầu, trước lo ngại về tác động đến người tiêu dùng Mỹ.

Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, John Bolton, một “diều hâu” về đối ngoại, từ lâu đã ủng hộ bán vũ khí cho Đài Loan và vận động chính quyền hỗ trợ nhiều hơn cho Đài Loan. Một số nhà phân tích nói Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách trừng phạt các công ty Mỹ, như đã làm vào tháng trước.

Ngày 16/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, được hỏi tại họp báo ở Bắc Kinh về việc Mỹ máy bay cho Đài Loan, vài giờ trước khi có tin ông Trump chính thức quyết định sẽ bán vũ khí. Bà nói rằng Mỹ đang vi phạm chủ quyền, can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Bà nói Bắc Kinh sẽ có “các biện pháp đáp trả” nhưng không đi vào cụ thể, và nhấn mạnh Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm về hậu quả.

Trung Quốc đã mạnh mẽ phản đối gói vũ khí này nhiều tháng nay, vốn là yêu cầu từ lâu của Đài Loan.

Các lãnh đạo Trung Quốc đã khẳng định nhiều thập kỷ nay rằng họ sẽ thống nhất Đài Loan. Bắc Kinh xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và không loại trừ khả năng thống nhất hòn đảo bằng vũ lực, cảnh báo Washington hãy cắt bỏ mọi quan hệ với Đài Loan.

Trong khi đó, Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đài Loan và có Luật Quan hệ với Đài Loan từ năm 1979, theo đó cam kết bảo vệ an ninh cho Đài Loan.

Đài Loan từ lâu muốn mua thêm tiêm kích F-16 để tăng cường năng lực phòng vệ. Ảnh: Defense News.

Thời điểm tệ để bán vũ khí cho Đài Loan

Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo không chính thức về thương vụ bán vũ khí vào ngày 15/8 cho ủy ban đối ngoại của cả Thượng viện và Hạ viện. Một khi các ủy ban chấp thuận, có thể trong vài ngày hoặc vài tuần, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ chính thức thông báo cho quốc hội, cho quốc hội 30 ngày để phản đối.

Thượng nghị sĩ Jim Risch của đảng Cộng hòa, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, hoan nghênh đề xuất bán vũ khí. “Những chiến đấu cơ có vai trò quan trọng trong việc cải thiện khả năng phòng thủ của Đài Loan, vốn đang chịu áp lực ngày càng lớn từ Trung Quốc”, ông Risch nói.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 16/8 cho biết sẽ không bình luận về việc bán vũ khí trước khi thông báo chính thức cho quốc hội.

Các nghị sĩ dự đoán thương vụ sẽ không gặp trở ngại nào vì cả hai đảng ủng hộ Đài Loan cũng như lập trường cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc.

Cuối tháng 7, các quan chức của quốc hội nói với New York Times các nhà đàm phán thương mại đã thuyết phục ông Trump trì hoãn việc bán chiến đấu cơ F-16. Các nghị sĩ tưởng rằng Ngoại trưởng Pompeo sẽ thông báo về thương vụ vào giữa tháng 7, nhưng điều đó đã không xảy ra.

Các máy bay chiến đấu này sẽ là gói vũ khí thứ tư Mỹ bán cho Đài Loan dưới thời chính quyền Trump. Hai gói đầu có tổng trị giá dưới 2 tỷ USD. Vào ngày 8/7, chính quyền Trump thông báo với quốc hội về gói 2,2 tỷ USD bao gồm chủ yếu là 108 xe tăng M1A2 Abrams.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Barack Obama đã phê duyệt hai gói bán vũ khí lớn, tổng cộng 12 tỷ USD, sau đó là các thương vụ tổng cộng dưới 2 tỷ USD vào năm 2015.

Người tiền nhiệm George W. Bush ký dưới 5 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan trong nhiệm kỳ đầu, sau đó là các thương vụ tổng cộng hơn 10 tỷ USD trong nhiệm kỳ thứ hai.

Việc Washington bán 108 xe tăng M1A2 cho Đài Loan đã khiến Bắc Kinh nổi giận. Ảnh: CNN.

Tất cả các chính quyền trước đã tính toán thời điểm bán vũ khí cho Đài Loan để tránh chọc giận Bắc Kinh vào những thời điểm nhạy cảm.

“Không thời điểm nào là tốt để bán vũ khí cho Đài Loan, nhưng chọn thời điểm lần này là tồi tệ nhất”, theo Evan S. Medeiros, giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Georgetown và là cố vấn châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời ông Obama.

“Các cuộc đàm phán sẽ bị đình trệ, và Trung Quốc sẽ đánh mạnh vào các công ty Mỹ. Bắc Kinh cũng sẽ nghi ngờ âm mưu của Mỹ khi hỗ trợ Đài Loan và Hong Kong”, ông nói.

Ông Trump trước sức ép cứng rắn hơn với Bắc Kinh

Chính phủ Trung Quốc đã đổ lỗi cho Mỹ về các cuộc biểu tình phản đối ở Hong Kong, mặc dù ông Trump đã không đưa ra tuyên bố mạnh mẽ nào ủng hộ người biểu tình.

Ông Bolton đã mạnh mẽ cảnh báo Bắc Kinh không đàn áp người biểu tình. Ông và các cố vấn chính sách đối ngoại cao cấp khác đã thúc giục ông Trump tuyên bố lập trường tương tự với lý do nhân đạo. Các nghị sĩ hai đảng và các chuyên gia chính sách cũng kêu gọi tổng thống ủng hộ quyền của người biểu tình Hong Kong.

“Tổng thống Trump không nên chần chừ trong vấn đề này”, ông Kelly Magsamen, một quan chức chính sách cấp cao về châu Á tại Lầu Năm Góc trong chính quyền Obama, nói với New York Times. “Ông ấy nên dùng quyền lực của mình để ngăn ông Tập Cận Bình dùng vũ lực. Thay vào đó, ông ấy đang gửi các tín hiệu ngược lại và cố tỏ ra không liên quan”.

Hải quân Mỹ trong năm nay đã nhiều lần điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan, khiến Trung Quốc phản đối. Ảnh: AP.

Các cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của ông Trump nhìn chung coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược lớn nhất của Mỹ và muốn có lập trường cứng rắn. Song ông Trump lại có quan điểm “có đi có lại” với Trung Quốc và chú tâm gần như hoàn toàn vào việc thu hẹp thâm hụt thương mại. Ông nói rằng Trung Quốc - Mỹ là “đối tác chiến lược” và thường tỏ ra ngưỡng mộ với ông Tập, nói rằng họ “sẽ luôn là bạn bè”.

Trước sự thúc giục của các quan chức về đàm phán thương mại, chính quyền đã kiềm chế và chưa ra các lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc vi phạm nhân quyền vì giam giữ một triệu người Hồi giáo. Những nhóm nhân quyền đang thúc giục chính quyền trừng phạt các quan chức này.

Một số nhà phân tích nói bất chấp mối quan hệ ngày càng căng thẳng, Washington và Bắc Kinh vẫn có thể tách bạch tranh cãi về bán vũ khí cho Đài Loan khỏi các cuộc đàm phán thương mại đầy khó khăn.

“Trung Quốc sẽ lên án việc bán vũ khí”, Bonnie S. Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói với New York Times.

“Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ phản đối qua con đường chính trị, không phải quân sự. Điều này sẽ khó phá hỏng đàm phán thương mại trừ khi Trung Quốc thực sự đang tìm kiếm một cái cớ để không giải quyết căng thẳng thương mại nữa”.

Trọng Thuấn
Theo New York Times

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ban-vu-khi-cho-dai-loan-o-muc-ky-luc-my-cung-ran-chua-tung-co-voi-tq-post979606.html