Bản xưa vẫn đợi người về

Mải miết với văn xuôi, đã xuất bản 2 tập truyện ngắn, 1 tập ký, mãi đến bây giờ, tác giả Lương Bằng - hội viên sinh năm 1940 của Hội Văn học - Nghệ thuật Lào Cai - mới 'ngập ngừng' cho ra mắt tập thơ đầu tay 'Bản xưa' gồm 64 bài. Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 11/2022.

Tập thơ đầu tiên của tác giả Lương Bằng.

Tập thơ đầu tiên của tác giả Lương Bằng.

Tập thơ là tiếng lòng của người cựu chiến binh chống Mỹ, công nhân Mỏ Apatit Lào Cai yêu văn chương, say đến mềm lòng với thơ: “Qua bao ngày tháng gian lao/Mưa đông, nắng hạ cồn cào câu thơ” (Đón bạn). Như bao người dân đất Việt, Lương Bằng luôn nhớ về quê cha, đất mẹ, viết về quê hương: “Dẫu đi hết trái đất tròn/Hãy đừng mai một cội nguồn quê hương”. Quê hương đối với tác giả là đất nước ngàn năm văn hiến và “Yêu Tổ quốc mình xin dâng hiến tuổi xuân” để lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Tình yêu ấy quyện vào nỗi tiếc thương những đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường khốc liệt để bây giờ nằm lại nơi: “Tiếng nhạc rừng du dương/Hàng cây chao lá biếc/Khói hương chiều lan khắp/Lòng rưng rưng khôn cùng” (Chiều nghĩa trang Trường Sơn) và “Cỏ non xanh như lời nhắc nhở/Dưới đất kia đồng đội tôi nằm” (Về thăm thành cổ).

Tình yêu ấy là hình ảnh những người mẹ ngóng mong con trở về khi đất nước đã bình yên: “Buồn thương tiếc nhớ còn đây/Bạc vào tóc mẹ nối dài tháng năm” (Đời mẹ), là những công nhân xứ “vàng nâu: “Áo anh bụi đỏ công trường/Tóc em vương trắng vôi tường mới xây” (Trở lại Lào Cai), là nông dân: “Tất bật trên cánh đồng vào vụ/Người thợ cày mải miết với thời gian” (Thợ cày); là cô giáo vùng cao: “Người đi gieo hạt trên ngàn/Em đi gieo chữ muôn vàn yêu thương” (Em về); là tất cả tình đất, tình người cứ ùa vào lời thơ chân mộc như chất lính, chất thợ trong tâm hồn Lương Bằng.

Có lẽ ký ức nhiều nhất đối với người cựu chiến binh là những tháng ngày xông pha trận mạc, những mất mát hy sinh trong chiến tranh, vì thế, tác giả Lương Bằng có nhiều bài viết về Trường Sơn huyền thoại, bởi ông luôn “Nhớ rừng, nhớ suối Trường Sơn”, từ “Tết ở Trường Sơn” đến “Tháng ba nơi Trường Sơn”, “Tháng tư nhớ Trường Sơn” và “Đến Trường Sơn biết cửa hầm đầu tiên/Nhánh lan rừng người qua đây để lại/Yêu biết mấy những bông hoa dại/Sống bình yên như sen cúc quê nhà” (Nhánh lan rừng)…

Viếng thăm những đồng đội yên nghỉ trong các nghĩa trang, ông rưng rưng trong “Chiều nghĩa trang Trường Sơn”, “Bên ngôi mộ đồng đội”, “Về thăm thành cổ”, “Ngôi mộ chưa có tên”, “Ngã ba Đồng Lộc”… Với Lương Bằng, ông coi đó là những lời ca không quên được khắc họa vào thơ để tri ân những nơi tác giả đã chiến đấu, những đồng đội đã hy sinh cho nền độc lập của nước nhà. Là người lính trở về sau khi kết thúc chiến tranh, ông lại hăm hở với công việc góp sức dựng xây quê hương tạo cho Lương Bằng những cảm xúc mới để ông ghi lại những hình ảnh thân thiết đẹp và nên thơ nơi xứ núi mờ sương: “Núi tự tình ngỡ tay ai dạo nhạc/Nơi hoang sơ vừa lạ, vừa quen” (Tím mãi áo em), “Lá reo điệu nhạc nguyên sơ/ Gió rừng gợi nhớ miền xưa cùng người” và “Mây sà xuống ùa vào ô cửa sổ/Én rộn ràng dệt hạnh phúc bên nhau” (Thành phố vào xuân).

Nơi ấy là tình thân của tác giả, tuy đã ở tuổi ngoại bát tuần nhưng vẫn coi mình còn tươi trẻ: “Ta cùng xuân thức đón ngày mai/Mong tìm lại những tháng ngày trai trẻ” để rồi mong ước “Xuân như cái thuở ban đầu/Cho anh được bắc nhịp cầu trao duyên” (Xuân và em).

Thơ Lương Bằng bình dị ngôn từ, chẳng giấu diếm cảm xúc, chân tình trong cách viết, mang chất liệu gần với ca dao, chả thế trong tập thơ có tới ba mươi bài theo thể thơ lục bát vừa mang tính dân dã, vừa đậm tình nhân ái. Lương Bằng chọn bài “Bản xưa” làm tên cho tập thơ là có dụng ý nối mọi ký ức xa gần, buồn vui của mình thành một miền thương nhớ: “Giá mà gặp lại những ngày/Hồn nhiên thuở ấy hôm nay vẫn còn/Dẫu rằng xưa đã xưa hơn/Người ơi có nhớ nguồn cơn hay là…”, câu thơ kết đồng thời là một câu hỏi ngỏ để người yêu thơ trả lời giùm Lương Bằng, bởi “Bản xưa” vẫn đợi người về.

Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362783-ban-xua-van-doi-nguoi-ve