Banff, viên ngọc lấp lánh trên băng nguyên

Dãy núi Rocky trùng trùng điệp điệp, băng nguyên Columbia mênh mông bát ngát, thung lũng quanh năm sương mù bao phủ, những dòng thác như dải lụa, hồ nước trong xanh, là cánh đồng băng duy nhất nằm ngoài vùng Cực, được ví như viên ngọc trên chiếc vương miện Canada, đó chính là Công viên Quốc gia Banff (Banff National Park)

Rừng thẳm tuyết dày

Công viên Quốc gia Banff nằm ở tây nam tỉnh bang Alberta, được xây dựng năm1885, là Công viên Quốc (CVQG) gia thứ 3 trên thế giới sau Công viên Yellow Stone của Mỹ, Công viên hoàng gia Úc.

Từ tờ mờ sang, tôi rời khỏi TP Edmonton chạy xe theo hướng tây, chỉ mất 1 giờ là đến khu Banff. Ngoài kính xe hơi, tuyết bay lả tả, nhiệt kế chỉ ngoài trời -3°C. Quốc lộ 1A xuyên lục địa Bắc Mỹ chạy qua phía nam CVQG, từ đó nối với quốc lộ Băng Nguyên chạy theo hước nam-bắc, CVQG Banff phía bắc nối tiếp CVQG Jasper, phía tây giáp CVQG Yoho, phía nam giáp CVQG Kootenay, như một chuỗi trân châu, tô điểm miền trung tây Canada, Banff là viên ngọc sáng nhất trong chuỗi đó.

Mùa du lịch CVQG Banff bắt đầu từ tháng 4, kết thúc vào tháng 9 hằng năm, khi tôi đến đã là cuối tháng 9. Suốt dọc đường chạy dài 230 km không một bóng người, chỉ thấy rừng lá kim mênh mông như biển, các loại rừng lá rộng không thể mọc nổi, chỉ có các loại thông 3 lá, bách, thông liễu quanh năm xanh tốt trong trời băng đất tuyết. Nếu dừng xe lại, các chú sóc, nai Bắc Mỹ, linh dương sẽ đên tiếp cân du khách một cách thân thiện. Nếu gặp vận may, có thể bắt gặp cả cáo và gấu đen! Xin đừng sợ, nếu không bị trêu trọc, chúng sẽ không gây nguy hiểm, vì chúng ăn chay trường (?đáng ngờ quá, nhưng yết thị của CV ghi như vậy, đâu có sai được). Vượt qua ải Samwaputa cao 2.023 m so với mặt biển là đến băng nguyên Columbia lừng danh bốn mùa tuyết phủ, là băng nguyên duy nhất trên thế giới năm ngoài vùng Cực, cũng là nơi trượt tuyết mùa hè lý tưởng.

Công viên Quốc gia Banff nằm ở tây nam tỉnh bang Alberta

Công viên Quốc gia Banff nằm ở tây nam tỉnh bang Alberta

Thị trấn trong mơ

Vượt qua rừng thẳm và băng nguyên, tôi đã đến thị trấn Banff, trung tâm hành chính của CVQG cùng tên. Mắt tôi bừng sáng, như trở về châu Âu hồi TK 19. Cả thị trấn chỉ có 8.721 nhân khẩu, chính quyền tỉnh bang Alberta cũng khống chế nhân khẩu nghiêm ngặt, tránh phá vỡ cảnh quan do nạn "nhân mãn". Đại lộ Banff (Banff Avenue)chạy dọc hướng nam bắc là phố chính của thị trấn, hai bên đường là những khách sạn, nhà hàng làm bằng gỗ, trên khung cửa, balcon, lan can, treo đầy đồ trang sức, tràn ngập vẻ đẹp cổ điển phong cách châu Âu. Banff trong vòng tay của núi non trùng điệp, là tuyệt tác của tạo hóa, lơ lửng giữa trời xanh, rừng thông và núi tuyết, người ta ví như linh hôn của dãy Rocky.

Thị trấn châu Âu

Trên phố Banff có đặt những trạm tư vấn điện tử, chỉ cần ấn nhẹ ngón tay lên nút chỉ định là các chỗ trống khách sạn cùng đẳng cấp, giá cả, hiện lên rõ như lòng bàn tay. Tôi đã chọn một motel (khách sạn xe hơi) giá rẻ nhất,”chỉ có”149 CAD/đêm. Chủ nhân chỉ trao cho tôi chìa khóa phòng rồi coi như xong việc. Tôi phải tự đi tìm phòng dựa theo sơ đồ, ngoài ra không có bất kỳ phục vụ nào khác, nhưng phòng ốc rộng rãi và đủ tiện nghi.

Tác giả chụp hình kỷ niệm ở hồ

Tấm gương lấp lánh trên băng nguyên

Hồ Louise năm ở phía tây, cách Banff 60 km, lúc đầu có tên hồ Sapphire, năm 1884, nữ hoàng Victoria nước Anh gả con gái Louise Alberta cho toàn quyền Canada, cái hồ xinh đẹp này mới đổi tên thành Louise và tỉnh bang sở tại cũng lấy tên Alberta để kỷ niệm nàng công chúa xa quê.

Hồ Louise dài 2,4 km, rông 0,5 km, tọa lạc trên độ cao 1.731 m, là vùng trũng do băng hà xâm thực mà thành. Đứng ở bờ bên này nhìn vọng sang bờ bên kia, ta thất một chữ ”V” khổng lồ (hai bên), phần đáy là băng hà, nước băng tan tụ thành hồ, nên trong xanh như lam ngọc. Do tác dụng cộng hưởng dưới đáy thung lũng, đôi lúc du khách như nghe thấy tiếng tù và tấu lên những nốt nạc du dương theo điệu Amazing Grace, khiến du khách cảm thấy như đặt chân tới Bồng Lai tiên cảnh.

Cạnh hồ có Khách sạn Lake Louise, là kiến trúc biểu tượng của khu du lịch, nhưng giá phòng quá cao, nên hầu hết du khách đều chọn phương án trở về Banff qua đêm.

Tắm suối trong băng giá

Banff có có một tuyến cáp treo, đưa du khách đến đỉnh núi Lưu Huỳnh cao 2000 m, bên kia sườn núi là suối nước nóng tự nhiên Fairmont Spring nổi tiếng. Nhiệt đô ngoài trời 0°C, lúc đầu tôi không đủ can đảm xuống tắm. Khi thấy mặt nước bốc hơi, lại quyện theo mùi lưu huỳnh thật quyến rũ, tôi mới dám cởi đồ xuống tắm thử. Mái vòm xây trong suốt, tôi ngâm mình trong nước ấm, ngắm nhìn núi tuyết mây trôi, không những thư giãn gân cốt, còn cảm thấy tâm hồn thảnh thơi, như đang chịu lễ rửa của thiên nhiên trong núi rừng huyền bí.

Mùa đông nhiệt độ băng nguyên có thể xuống -20°C, nhưng hồ tắm luôn được giữ ở gần 40°C. Nước hồ chỉ ngập đến ngực, chỉ ngâm mình chứ không bơi được, lại có khu dành riêng chi nhi đồng, thế mà trên đài quan sát luôn có nhân viên cứu hộ theo dõi chăm trú, chỉ sợ có người chết đuối(?). Rời khỏi hồ tắm tôi rét run cầm cập, phải chui ngay vào phòng thay đồ có máy sưởi. Người Canada bản tính hồn nhiên và hài hước, họ bỏ những căn phòng tắm có vách ngăn, rủ nhau ra hoa sen tắm”sexy”tâp thể, tôi cũng đành nhập gia tùy tục.

Mùa Đông nhưng nhiều người vẫn tắm hồ bơi

Tôi tạm biệt Banff như thơ như mộng trong ánh ban mai mờ mờ ảo ảo, đi theo hướng tây chẳng mấy chốc đã vượt qua ải Kootenay vào địa giới tỉnh bang BC, lập tức rực nắng thu vàng, tôi tiếp tục hành trình như trở về thế giới trần gian.

Lữ Khách

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/van-hoa-loi-song-c-184/du-lich-c-211/hoi-uc-du-lich-canada-banff-vien-ngoc-lap-lanh-tren-bang-nguyen-139212.html