Bằng cấp 'cắm' tiệm cầm đồ mùa World Cup

Tại một số tiệm cầm đồ ở Hà Nội, bằng đại học 'cắm' được khoảng 5 triệu đồng, trong khi bằng thạc sĩ, tiến sĩ được gấp 2 – 3 lần, dao động từ 10 – 15 triệu đồng.

Hành trình đi "cắm" bằng của nhóm PV Báo Lao Động.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết công tác nội chính và phòng chống tham nhũng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018, Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc CATP Hà Nội thông tin: Trong mùa World Cup có người còn "cắm" cả bằng tiến sĩ vì cá độ.

Để tìm hiểu thêm, phóng viên Báo Lao Động đã đi khảo sát ở những tuyến phố "cầm đồ" trên địa bàn thành phố.

Những địa chỉ “vàng”

Địa điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là một hiệu cầm đồ trên đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy). Trong bộ dạng thất thểu của kẻ đã thua độ quá nhiều, chúng tôi được nam chủ quán cho biết: “Bằng đại học ở đây cắm được 5 triệu đồng, lãi suất 5 nghìn đồng/1 triệu/1ngày”.

Thấy hơi ít, chúng tôi đề nghị giá cao hơn thì nam chủ quán cho hay, hiện tại ở Hà Nội không nhiều quán nhận cầm cố loại văn bằng này, 5 triệu đồng là xởi lởi lắm rồi.

“Em còn bằng Tiến sĩ, nếu cắm thì được thêm bao nhiêu tiền”, tôi hỏi. “Thạc sĩ hay Tiến sĩ thì cũng chỉ được 10 – 15 triệu đồng thôi. Giá đó là kịch kim rồi”, nam chủ quán khẳng định.

Tiếp tục cuộc khảo sát, chúng tôi di chuyển đến đường Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm). Tại đây, nhiều biển hiệu cầm đồ có ghi rõ cho cầm cố các loại văn bằng. Tuy vậy, sau đề xuất "cắm" bằng tiến sĩ của chúng tôi, hầu hết chủ quán khá ngạc nhiên.

“Cửa hàng tôi từng cho cầm cố nhiều bằng đại học, thạc sĩ nhưng đây là lần đầu tiên có người nói muốn cầm bằng tiến sĩ”, một chủ quán cho biết.

Tuy vậy, sau một hồi lưỡng lự, vị chủ quán này cũng đồng ý với điều kiện phải cung cấp đầy đủ những giấy tờ liên quan đến văn bằng này.

“Bằng tiến sĩ bên mình nhận cầm cho bạn 15 triệu đồng, lãi suất là 4 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày. Một tuần đóng lãi một lần”, một vị chủ quán cho biết.

Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, đây là 2 trong số rất ít các tuyến đường còn cho cầm cố các loại văn bằng, chứng chỉ. Nhiều tuyến phố được mệnh danh là “thiên đường cầm đồ” tại Hà Nội như đường Láng (Đống Đa) hay phố Đặng Dung (Ba Đình) đều không còn mặn mà với loại “tài sản” này bởi nhiều lý do.

Nhiều bằng đại học chưa “nhổ” ra được

"Chị để đầy bằng đại học, thạc sĩ trong két kìa. Em thích, chị cho đôi ba cái mang về nhà trưng bày”, Dung (45 tuổi) - chủ một tiệm cầm đồ trên đường Láng cười khẩy sau lời đề nghị của chúng tôi. Những loại văn bằng dường như không còn nhiều giá trị với những người làm nghề “cầm cố” như bà chủ này.

Chị Dung kể, cách đây khoảng 5 – 6 năm, bằng đại học hay thạc sĩ vẫn được hầu hết các chủ tiệm cầm đồ như chị chấp nhận, nhưng nay thì hoàn toàn khác.

“Trường đại học mọc như nấm, số sinh viên năm nào cũng tăng nhưng ra trường mấy ai xin được việc đúng ngành nghề”, bà chủ tiệm mỉa mai. “Có bằng mà không có việc thì “cắm” xong chẳng ai thiết tha “nhổ” ra làm gì”.

Anh Mạnh (48 tuổi) - chủ một tiệm cầm đồ khác ở phố Đặng Dung - giải thích tỉ mỉ hơn: “Thời điểm 2010, cắm thẻ sinh viên cũng được 5 “củ” (5 triệu đồng), bằng đại học thì khoảng 7 – 8 “củ”. Giờ thì em xin cầm 1 “củ”, anh cũng không dám xuống tiền”.

Nói đoạn, nam chủ quán chỉ vào một ngăn tủ cũ kỹ và nói trong đó đựng toàn bằng đại học “tồn kho” cách đây đã nhiều năm. “Giờ chỉ có giấy tờ xe, sổ đỏ, xe máy, điện thoại… là “thanh khoản” nhanh nhất thôi”, người đàn ông này quả quyết.

Nhóm PV LĐO

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/bang-cap-cam-tiem-cam-do-mua-world-cup-618497.ldo