Bằng giả 'trải thảm' cho người gian dối

Mong rằng những thạc sĩ, cử nhân đang thất nghiệp không nuối tiếc, buồn bực hay ghen tị với những ai nhanh chóng tìm được công việc lý tưởng nhờ học vị tiến sĩ – dù có thể người này đã hoàn thành chương trình đào tạo từ xa của một trường đại học vô danh nào đó.

Thưa quý bạn đọc,

Tôi là một tờ giấy chứng nhận tốt nghiệp - Chỉ dám tiết lộ với bạn đọc đến đây còn bậc học, năm sinh xin được phép “giấu riêng mình em biết” nhằm tránh những suy luận (suy diễn) về khả năng nhận thức và tư duy (Tôi không có ý xúc phạm những người hay dựa vào bằng cấp, tuổi tác để đánh giá năng lực người khác).

Trước khi quyết định viết lá thư này, tôi đã suy nghĩ đến quăn mép giấy, chỉ sợ rằng quý bạn đọc lại coi những lời gan ruột là hòn đá cản chân ai đó, rồi đẩy người thân trong gia đình tôi vào thế bị động trước sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì có lẽ không một scandal nào đủ sức bào mòn danh tiếng của dòng họ, bởi nó đã… mỏng sẵn sau những tai tiếng khó cứu vãn xuất phát từ chính chúng tôi và từ những kẻ ngoại tộc.

Vâng, sự tồn tại của các loại bằng giả, bằng không được công nhận… đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến chỗ đứng của chúng tôi. Cứ mỗi lần báo chí phanh phui một trường hợp sử dụng bằng sai quy định để tiến thân, nỗi sợ hãi kèm uất ức giúp tôi “giải phóng” một lượng lớn calo mà không cần tập thể dục.

Không bức xúc sao được khi người ta có thể dễ dàng mua một tấm bằng, một học vị cao sang chỉ với vài chục triệu, trong khi những người khác vừa mất tiền vừa phải đầu tư chất xám cho quá trình học tập, nghiên cứu. Rồi cuộc đời bạc bẽo đôi khi lại vô ý trải thảm cho những kẻ gian dối, giúp họ đường hoàng ngồi lên những chiếc ghế êm ái mà lẽ ra, thuộc về người xứng đáng hơn.

Còn nhớ, ông Nguyễn Văn Hưng, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Chu Phan (Mê Linh, TP.Hà Nội) và là chủ nhân của một tấm bằng giả từng thẳng thắn thừa nhận với báo giới rằng mình đã từ bỏ ý định nộp hồ sơ để thi và học tại chức tại trường ĐH Lao động – Xã hội sau khi "thấy có dịch vụ không cần học mà vẫn có bằng, dấu má rất đầy đủ” ở khu vực cổng trường.

Thú thực, tôi không quan tâm bà Nguyễn Thị Nga – vị thẩm phán vừa bị Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội ký quyết định thu hồi bằng tốt nghiệp đại học đã trải qua quá trình học tập, thi cử như thế nào trước khi tốt nghiệp. Tôi chỉ băn khoăn rằng, khi đối đầu trực diện với tội phạm, khi tuyên án, khi nhìn vào cán cân công lý nằm trong biểu trưng của ngành, bà Nga có giật mình nhớ đến tấm bằng cấp 3 giả mà mình đang sử dụng hay không.

Bằng tốt nghiệp đại học của bà Nguyễn Thị Nga - thẩm phán TAND TP.Thái Nguyên đã bị vô hiệu hóa.

Một trường hợp khác, dù không sử dụng bằng giả nhưng “thành tích” tốt nghiệp cấp 3 hệ bổ túc văn hóa trước khi tốt nghiệp cấp 2 gần 10 năm của ông Hoàng Văn Nghĩa - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tam Kỳ (Kim Thành, Hải Dương) cũng khiến người ta đặt dấu hỏi về quy trình cấp phát văn bằng tốt nghiệp và dĩ nhiên là giá trị thực sự của những tấm bằng.

Lúc này, tôi chua xót nghĩ về hơn hai trăm ngàn thạc sĩ, cử nhân còn đang thất nghiệp kéo theo đó là bao tấm bằng nằm yên trong ngăn tủ. Mong rằng, họ không nuối tiếc, buồn bực hay ghen tị với những người nhanh chóng tìm được công việc lý tưởng nhờ học vị tiến sĩ – dù người này chỉ hoàn thành chương trình đào tạo từ xa của một trường đại học vô danh nào đó.

Không ai dám chắc những ví dụ trên đây và hàng loạt cái kim đã lòi khỏi bọc từ trước đến nay sẽ không bao giờ lặp lại. Các bạn đang hướng đến một xã hội coi trọng hiệu quả công việc hơn bằng cấp – điều kiện để chúng tôi được bảo toàn giá trị - nhưng các bạn chưa thể xóa tan thực trạng “xếp” năng lực qua các loại chứng nhận, văn bằng và những chuyện nghịch nhĩ, như người dùng bằng giả chẳng những không bị kỷ luật mà còn được đề bạt lên vị trí cao hơn.

Tôi không buồn vì tiêu chí tuyển dụng “làm chuyên môn không cần bằng đại học” của một công ty viễn thông mới đây mà trái lại, cảm thấy vui lây cho các bạn trẻ có tài năng thực sự. Bởi tôi luôn mong người thân mình được các đóng khung, treo ngay ngắn trong phòng khách hoặc được xếp gọn gàng trong ví chứ không bao giờ hy vọng họ trở thành một trong những công cụ để kẻ xấu tiến thân…

Thân ái!

Văn Bằng

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/bang-gia-trai-tham-cho-nguoi-gian-doi-a339608.html